THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:00

Sửa đổi Bộ Luật Lao động: Cần sự hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp

 

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá: Qua ba năm thực thi, Bộ luật Lao động đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống một cách tích cực. Thông qua các quy định: Khái niệm cưỡng bức lao động; đối xử bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ; tiêu chí và cơ chế xác định tiền lương tối thiểu... Bộ luật Lao động đã có bước tiến mới, nhằm hài hòa các quy định về vấn đề lao động trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Thứ trưởng Phạm Minh Huân (bên phải) và đại diện  Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ. 
Tuy nhiên, đánh giá về việc triển khai Bộ luật Lao động năm 2012 nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, đã có 66 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, song đến nay sau 3 năm triển khai đã nảy sinh không ít các vướng mắc, bất cập. Những bất cập, vướng mắc này phát sinh từ chính những văn bản hướng dẫn luật. Đơn cử như về cơ cấu tiền lương, Bộ luật Lao động quy định: Việc trả lương phải được thực hiện một cách bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Đặc biệt, Bộ luật Lao động bổ sung quy định việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó có sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động trong điều kiện diễn biến cả phức tạp của kinh tế thị trường, giúp cho người lao động có khả năng phục hồi sức lao động. Tuy nhiên một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, làm lúng túng, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt (chủ yếu dựa trên quy định tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định hàng năm và thang bảng lương) dẫn đến tình trạng năng suất, chất lượng lao động chưa cao.
Do pháp luật không ghi nhận giới hạn của từng khoản tiền người sử dụng lao động chi trả cho người lao động, để hợp lý hóa các khoản chi, doanh nghiệp thường xây dựng một loạt các loại phụ cấp và trợ cấp với tổng mức hưởng cao hơn nhiều so với tiền lương người lao động được hưởng. Cá biệt có doanh nghiệp quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng và cách thưởng hàng tháng, quý, năm cũng rất phức tạp, khó khăn cho người lao động và tập thể lao động thụ hưởng, theo dõi và giám sát thực hiện. 
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo. 
Nói về vấn đề tiền lương, ông Hồ Xuân Dũng nguyên Phó trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) cho biết, Bộ luật Lao động quy định  Hội đồng tiền lương Quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ để nghiên cứu, khuyến nghị với Chính phủ trong việc điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động trong điều kiện diễn biến giá cả phức tạp của kinh tế thị trường, giúp cho người lao động có khả năng phục hồi sức lao động nhằm bảo vệ người lao động. Tuy nhiên Hội đồng vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình, đặc biệt ở vai trò tổng hợp đánh giá tình hình kinh tế xã hội, nhu cầu sống tối thiểu cũng như đánh giá tác động tăng tiền lương tác động đến tăng trưởng kinh tế. Theo ông Dũng, quy định thang bảng lương phải lấy ý kiến Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên cơ sở, song quy định này rất khó thực thi vì trên thực tế số doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở còn khá cao.
Khẳng định sau khi có Bộ luật Lao động 2012, tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước từng bước được củng cố, hoàn thiện, doanh nghiệp nhà nước được giao quyền tự chủ hơn trong quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân thừa nhận, một số quy định của pháp luật chưa cụ thể dẫn đến lúng túng trong áp dụng. Trong khi đó các doanh nghiệp xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng, nâng bậc lương cho người lao động còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Mặc dù hệ thống thang bảng lương doanh nghiệp xây dựng có nhiều bậc nhưng người lao động không được nâng bậc lương, chỉ khi nào mức lương tối thiểu vùng tăng thì người lao động mới được tăng theo tỷ lệ tương ứng hoặc theo một mức cố định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
 Xuất phát từ thực trạng trên nhiều đại biểu cho rằng, tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà đối với tất cả các nước trong khu vực, vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó đối với cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp phải quy định rõ về phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, các khoản hỗ trợ, khuyến khích. Về mức lương tối thiểu cần có căn cứ rõ ràng và hợp lý khi tăng lương tối thiểu. Và để lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu cũng như thực hiện theo cơ chế thị trường cần phải ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Có như vậy mới xây dựng được cơ chế tiền lương phù hợp.

Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh