Giảm tối đa ảnh hưởng đến môi trường
- Bài thuốc hay
- 21:07 - 13/08/2015
Lượng thải nhiều, tái sử dụng ít
Đầu tháng 4/2015, hàng nghìn người dân do bức xúc với tình trạng bụi xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên đã tụ ra quốc lộ 1 A, chặn tất cả các phương tiện giao thông, gây ra ách tắc kéo dài hàng chục km trong nhiều giờ. Sau khi chủ đầu tư cam kết sẽ xử lý vụ việc trong 10 ngày, người dân mới chịu giải tán. Sự việc này đặt ra yêu cầu về giải pháp cấp thiết và căn cơ về xử lý, sử dụng một tỷ lệ nhất định tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện và các yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý, đảm bảo môi trường.
Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg, ngày 23/9/2014 chỉ đạo triển khai một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Theo yêu cầu của Thủ tướng, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy, các cơ sở công nghiệp phát thải khác và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tro, xỉ để tái sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Kiểm tra bãi tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Mới đây, ngày 10/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, đơn vị hữu quan, chỉ đạo các giải pháp xử lý, sử dụng tro xỉ và giảm tối đa việc ảnh hưởng tới môi trường từ chất thải của các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc. Theo Bộ Xây dựng, nếu xử lý đạt yêu cầu chất lượng thì tiềm năng sử dụng tro xỉ cho sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây là khá lớn (theo tính toán, các nhà máy xi măng có thể tiêu thụ khoảng 2-3 triệu tấn tro bay/năm, các công trình bê tông đầm lăn có thể sử dụng 1 triệu tấn tro bay/năm). Vật liệu không nung cũng có thể sử dụng 1 triệu tấn và cùng các nhu cầu khác, đảm bảo tiêu thụ 6-8 triệu tấn trong số 11 triệu tấn tro bay mỗi năm hiện nay.
Tìm hướng tháo gỡ, khắc phục
Tại cuộc làm việc, sau khi rà soát, đánh giá tình hình cũng như việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu đôn đốc quyết liệt hơn nữa các giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ nhằm đảm bảo vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giải quyết bài toán tài nguyên, đảm bảo môi trường. Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, nhà máy nhiệt điện từng khu vực để xem xét, tính toán các điều kiện, phương án cụ thể và mức độ tiêu thụ lượng tro xỉ, các phương pháp xử lý môi trường. Trong đó, tập trung vào các dự án nhiệt điện cấp thiết về vấn đề này như Vĩnh Tân, An Khánh, Sông Hậu, Vũng Áng,…
“Các nhà máy khác đang trong quá trình đầu tư, xây dựng sẽ chỉ được triển khai khi có phương án rõ ràng về xử lý tro xỉ, hoặc có hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu xử lý, phổ biến các mô hình, cách làm hay mà một số nhà máy nhiệt điện đã thực hiện hiện nay.
Về các giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng đối với tro, xỉ, làm rõ các chỉ tiêu chất lượng cụ thể ứng với từng lĩnh vực sử dụng để đẩy mạnh việc tái sử dụng tro, xỉ trong sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng bê tông hiện nay. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để mở rộng các phương án sử dụng, tiêu thụ sản phẩm tro xỉ, có thể kết hợp làm nền đường thay cho cát, làm vật liệu san lấp ở các công trình phù hợp, làm đường giao thông nông thôn,...
Hiện nay đã có một số tổ chức, cá nhân nghiên cứu xử lý, sử dụng thạch cao, tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, các loại bê tông, nền móng, kè, đập rất hiệu quả. Cách làm này đã thay thế một phần tài nguyên đất, giảm áp lực diện tích đất làm bãi chứa và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đòi hỏi từ môi trường rát cần một phương án cụ thể và khả thi, bởi những nghiên cứu này mới chỉ mang tính tự phát, lượng tro xỉ thải ra môi trường vẫn rất lớn, chưa được xử lý. |