Thừa Thiên - Huế: Doanh nghiệp vận động người lao động hoãn đám cưới phòng Covid-19
- Huyệt vị
- 13:38 - 15/03/2020
- Tạm thời đóng cửa Di tích Cố đô Huế để phòng dịch Covid - 19
- Thừa Thiên – Huế”: Lập "Sở chỉ huy tiền phương", đóng cửa rạp chiếu phim, quán bar để phòng, chống Covid – 19
- Thừa Thiên – Huế: Thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch sau khi phát hiện bệnh nhân số 30 nhiễm Covid - 19
- Thừa Thiên - Huế: Học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp tiếp tục nghỉ học từ ngày 9/3
Tham dự buổi làm việc có gần 50 doanh nghiệp có đông công nhân đóng trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, hầu hết các doanh nghiệp cho biết, đã chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như hướng dẫn người lao động đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đo thân nhiệt cho công nhân khi vào công ty, thường xuyên vệ sinh nơi làm việc để ngăn ngừa dịch bệnh...
Ông Nguyễn Xuân Tịnh, Giám đốc Công ty CP Da giày Huế cho biết, nhằm bảo đảm sức khoẻ của người lao động, đồng thời chung tay cùng xã hội phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, công ty đã vận động những ai có đám cưới trong thời gian này tạm thời hoãn tổ chức để tránh tụ tập đông người. "Một đám cưới vào chiều 14/3, chúng tôi đã vận động họ tổ chức rút gọn trong khuôn khổ gia đình; 1 đám cưới tổ chức ngày 15/3, và 1 vào ngày 17/3, công ty đã vận động họ tạm hoãn để tránh tụ tập đông người, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng", ông Tịnh cho biết.
Bản thân ông Tịnh cũng vừa huỷ chuyến công tác tại Anh ngày 14/4 để đề phòng nguồn lây lan dịch bệnh.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các doanh nghiệp tại Thừa Thiên – Huế đã rất nỗ lực khắc phục những khó khăn về nguồn nguyên nhiên liệu sản xuất, đầu ra cho sản phẩm cũng như phương tiện vận chuyển hàng hoá xuất khẩu ra bên ngoài.
Ông Furukawa Masatoshi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MSV (hoạt động trong lĩnh vực may mặc, nhà máy đóng tại KCN Phú Bài) cho biết, nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty được nhập từ Nhật Bản nên đến nay vẫn đảm bảo. Tuy nhiên trong thời gian tới cũng chưa biết thế nào do tại Nhật Bản, dịch bệnh cũng đang bùng phát. Sản phẩm sau khi xuất sang Nhật cũng cũng không bán được.
Theo ông Masatoshi, dự kiến trong tháng 4, 5/2020, tình hình sẽ càng khó khăn hơn vì có những đơn hàng hiện đã bị huỷ. Bên cạnh đó, những hợp đồng sản xuất gia công cho đối tác Trung Quốc lại gặp khó về nguồn nguyên phụ liệu.
"
"Chúng tôi đang đẩy nhanh sản xuất, đồng thời thay đổi phương thức vận chuyển từ tàu biển sang máy bay. Tuy nhiên, nếu các chuyến bay tiếp tục bị huỷ thì doanh nghiệp sẽ gặp thêm những khó khăn về đường vận chuyển hàng hoá nữa", ông Furukawa Masatoshi bày tỏ.
Ông Nguyễn Xuân Tịnh cho biết thêm, hiện doanh nghiệp của ông có khoảng 500 công nhân. Tuy nhiên, do không tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu (nhập chủ yếu từ Trung Quốc), do đó, công ty đã phải thực hiện giãn ca, cho nghỉ nghỉ phép, dẫn đến sản lượng bị giảm 30% trong tháng 2; dự kiến tháng 3 sẽ giảm đến 50%.
"Sang tháng 4, chúng tôi chỉ mới lo được một nhà máy có việc; còn một nhà máy có đến 50% là không có việc. Vì vậy chúng tôi đã chuyển qua may khẩu trang để bán với giá 5.000 đồng/cái loại 2 lớp, 6.000 đồng/cái loại 3 lớp. Mục đích là để tạo việc làm cho công nhân. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chúng tôi lại không quyết định được nguồn nguyên liệu để sản xuất, trong khi thị trường xuất hàng cũng gặp khó, nguy cơ người lao động không có việc làm là rất cao", ông Tịnh thông tin.
Tình trạng gặp khó về đầu ra cũng xảy ra đối với hầu hết các doanh nghiệp may mặc khác. Bà Đặng Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Hành chính nhân sự (Công ty Scavi Huế) cho biết, đơn vị hiện có hơn 6.500 công hân lao động bao gồm cả lao động trong tỉnh Thừa Thiên – Huế lẫn các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình. Trước tình hình sụt giảm về thị trường tiêu thụ sản phẩm chính; các đơn hàng đã có vẫn cầm chừng và chưa đảm bảo, công ty đã phải cho 50% công nhân nghỉ vào ngày thứ Bảy, đồng thời đẩy các đơn hàng của tháng sau lên để sản xuất.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp sợi tại KCN Phú Bài lại "kêu cứu" vì nguồn vốn ngắn hạn hiện nay các doanh nghiệp khó tiếp cận; các ngân hàng không muốn giải ngân. Chính sách giảm lãi suất mới thấy nói, chưa thấy trong thực tế.
Đại diện Công ty TNH Xi măng Luks Việt Nam (đóng tại KCN Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) cho biết, hiện đơn vị đang gặp khó khăn về việc mua khẩu trang y tế để phát cho người lao động. Mặt khác, công ty cũng thiếu chuyên gia người nước ngoài (do chưa được nhập cảnh vào Việt Nam) để sửa chữa, cải tạo các hạng mục dây chuyền sản xuất.
Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
Với nhưng khó khăn gặp phải trong thời điểm hiện tại, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước giãn, miễn giảm các loại thuế, ngân hàng giảm lãi vay; Nhà nước can thiệp phần đóng BHXH cho người lao động; đề nghị các ngân hàng giãn thời gian trả nợ ngắn hạn… Doanh nghiệp cũng mong muốn có những gói tín dụng để khuyến khích vay và thúc đẩy dư nợ cho vay; các ngân hàng thương mại cũng cần xem xét các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp để vực dậy hoạt động sau dịch bệnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và các cơ quan chức năng hỗ trợ thông tin, tình hình diễn biễn dịch bệnh, xây dựng các kịch bản, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp tập huấn các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Qua đó, giúp doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch Covid - 19, cũng như bảo đảm sức khoẻ, an toàn lao động sản xuất cho người lao động tại nơi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong thời điểm này. Ông cũng mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành y tế để chủ động các phương án khi có trường hợp xấu về dịch bệnh xảy ra trong doanh nghiệp.
Ông Thọ khẳng định, chính quyền các cấp sẽ hỗ trợ các kênh thông tin nhanh nhất cho doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh và Fanpage UBND tỉnh; đường dây nóng và các đội phản ứng nhanh luôn sẵn sàng để xử lý các thông tin một cách kịp thời nhất.
Đối với những kiến nghị về hỗ trợ các chính sách cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị các sở ngành, đơn vị liên quan cần sớm có giải pháp tham mưu UBND tỉnh, "thậm chí phải tìm đến để tìm hiểu và gỡ khó cho doanh nghiệp". Có chính sách kịp thời như khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời gian xảy ra dịch để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai nhanh các chính sách của Trung ương về hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp sớm được tiếp cận, hạn chế thấp nhất các thiệt hại trong sản xuất kinh doanh.