Giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng
- Dược liệu
- 00:27 - 16/10/2018
Phó cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) Đại tá Phạm Kim Sơn cho biết, thực hiện nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, các đoàn kinh tế quốc phòng đóng vai trò nòng cốt trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng dự án kinh tế quốc phòng; nhất là xây dựng hạ tầng thiết yếu, tổ chức lại dân cư, định canh, định cư... Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, các đoàn kinh tế quốc phòng đã xây dựng gần 800km đường giao thông các loại, 19 cầu bê tông và cầu treo độc lập; ổn định gần 200 bản, điểm dân cư mới...
Trao bò giống giúp người nghèo tại Chiềng On, Sơn La.
Bà Triệu Thị Tư, ở thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) kể, bộ đội Đoàn kinh tế quốc phòng 338 (Quân khu 1) đã giúp các hộ gia đình trong xã thoát nghèo nhờ trồng cây thông khai thác nhựa. Gia đình bà Tư hiện có gần 4ha rừng thông, mỗi năm cho thu nhập gần 150 triệu đồng. “Tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ người dân khu kinh tế quốc phòng phương pháp chăn nuôi, trồng trọt được đơn vị tiến hành thường xuyên. Cách đây 10 năm, nhiều hộ dân trong khu dự án kinh tế quốc phòng còn rất nghèo. Nhưng nay, nhờ thực hiện các mô hình trồng rừng, chăn nuôi tập trung nên đã có tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trong khu kinh tế quốc phòng giảm mạnh”, Đại tá Tạ Đức Thanh, Đoàn trưởng Đoàn kinh tế quốc phòng 338, cho biết.
Các đoàn kinh tế quốc phòng thực hiện hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phương tiện sản xuất, dụng cụ khai thác, thu hoạch nông, lâm sản. Nhiều đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con, đồng thời thu hút các hộ dân vào làm việc tại đoàn kinh tế quốc phòng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, làm thay đổi bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội trong trong vùng dự án kinh tế quốc phòng.
Các đoàn kinh tế quốc phòng giúp dân khai hoang, cải tạo đất trồng lúa nước, trồng cỏ chăn nuôi gia súc; xây dựng mô hình trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả; mô hình chuồng trại…; phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; đồng thời triển khai dự án bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới. Các lâm trường, nông trường của các đoàn kinh tế quốc phòng xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo, mở các lớp xóa mù chữ, lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Theo báo cáo kết quả 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh được các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, triển khai có hiệu quả. Đã triển khai các chính sách, chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và nhân rộng được các mô hình giảm nghèo ở vùng biên giới, khu kinh tế quốc phòng.
Già làng xã Quảng Sơn, huyện Đắc G’long (Đắk Nông) học tập kỹ thuật ghép chồi cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 15.
Nhờ đó đã khuyến khích, phát huy vai trò, sáng kiến và nguồn lực đối ứng của người dân và cộng đồng trong quá trình thực hiện mô hình giảm nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo. Góp phần củng cố tình đoàn kết quân dân, củng cố phát triển các Khu kinh tế quốc phòng và vùng biên giới của Tổ quốc. Với đặc điểm của các Khu kinh tế quốc phòng đứng chân trên địa bàn chiến lược, vùng biên giới, là những địa bàn nhạy cảm, trọng yếu, tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới hiện nay cơ bản ổn định song vẫn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp như di cư tự do, buôn bán vận chuyển chất ma tuý… thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên.
Củng cố hoạt động của hệ thống chính trị cơ cở, đặc biệt là về công tác dân vận. Các hoạt động của chương trình giảm nghèo đã tạo môi trường gắn kết các hộ gia đình trong sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hoá, làng bản văn hoá. Góp phần vào việc giữ vững an ninh, quốc phòng vùng biên giới. Người dân ngày càng tin tưởng vào quân đội, vào sự lãnh đạo của Đảng và những chính sách ưu việt của Nhà nước, từ đó tạo nên thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng an ninh vững chắc.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc xây dựng, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ chế lồng ghép để lực lượng quân đội tham gia thực hiện các Chương trình, dự án trạm trại, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhất là các xã biên giới” do Bộ Quốc phòng chủ trì, tham mưu còn chậm kế hoạch đề ra, do nội dung đề án liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý, chỉ đạo thực hiện nên cần tạo sự đồng thuận trong cơ chế quản lý, điều hành; chưa xác định rõ được nguồn vốn lồng ghép để thực hiện đề án.