THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:05

Nhiều hộ thoát nghèo, thu nhập trên trăm triệu mỗi năm

Chị H’Lan, dân tộc Mạ, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông chia sẻ với báo chí kinh nghiệm thoát nghèo.

 

Vận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước

Tại Hội nghị "Biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016- 2020" diễn ra tại Hà Nội ngày 12/10 vừa qua, đại diện các địa phương, hộ gia đình đã chia sẻ các giải pháp phù hợp trong việc phát huy thế mạnh địa phương, tranh thủ nguồn lực của Nhà nước, phát huy nội lực trong nhân dân, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, với sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những năm qua, cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo được hoàn thiện từng bước theo hướng hỗ trợ có điều kiện đã khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK. Nhờ đó, đến nay đã có 8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi tình trạng ĐBKK, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới được biểu dương, cùng nhiều hộ gia đình, cá nhân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

8 huyện  ra khỏi danh sách  huyện nghèo là:

Ba Bể (Bắc Kạn);

Tân Sơn  (Phú Thọ);

Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu);

Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La);

Như Xuân (Thanh Hóa);

Sơn Hà (Quảng Ngãi).

 Đặc biệt, trong 3 năm qua (2016- 2018), cả nước đã có hàng triệu hộ thoát nghèo theo hướng bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo bình quân chỉ còn 5,1% so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn 2011- 2015, tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%). Trong đó, nhiều hộ thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã vận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên trở thành hộ khá giả.

 “Điển hình như hộ gia đình chị Phạm Thị Tiết, dân tộc H’re, thuộc thôn 1 xã Nghĩa Sơn huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi từ việc tích cực lao động, sản xuất nâng cao thu nhập (lên 45 triệu đồng/năm) đã 2 lần viết đơn xin thoát nghèo” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương.

 “Hoặc hộ gia đình chị H’Lan, dân tộc Mạ thuộc xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, năm 2015- 2016, chị là hộ nghèo… Cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, hiện giờ thu nhập của gia đình chị đã lên đến 180 triệu đồng/năm và năm 2017 chị đã thoát nghèo, và hiện gia đình chị H’Lan là một trong những hộ khá của thôn 9”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết thêm.

 Hay hộ gia đình anh Dương Kim Vượng, sinh năm 1987, dân tộc Dao - xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên, (Yên Bái) là tấm gương thoát nghèo duy nhất của huyện được chọn về dự và biểu dương đợt này.

Anh Vượng cho biết, gia đình anh vốn là hộ nghèo, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, anh quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng việc đầu tư trồng quế, rồi mở rộng trồng nấm, tập trung làm VAC, đến nay thu nhập của anh trên 10 triệu/tháng. Ước mơ của anh là học thêm, để nâng cao kiến thức, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. 

Sinh sống tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, Hà Giang, trước kia, gia đình anh Chẻo Văn Sơn chủ yếu sống dựa vào việc trồng ngô manh mún cho năng suất thấp, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, thường xuyên không đủ ăn.

Những năm gần đây, nhờ vào sự hỗ trợ vốn từ địa phương, anh Chẻo Văn Sơn đã chuyển đổi sang mô hình cây con, nuôi lợn, bò, cho thu nhập cao hơn hẳn. “Nhờ vào việc chuyển đổi cách làm, gia đình tôi khấm khá hơn nhiều, hiện nay con cái được đi học ổn định, nhà có cả máy xúc lẫn ô tô”, anh Sơn phấn khởi chia sẻ.

 

Anh Trần Trung Kiên (Yên Bình, Yên Bái), đại diện hộ gia đình vươn lên thoát nghèo năm 2017 nhờ vay vốn NHCSXH 

 

Thu hút sự quan tâm của báo chí, còn có hộ gia đình của anh Trần Trung Kiên, sinh năm 1975, ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình, Yên Bái), cả hai vợ chồng sinh ra trong cảnh nghèo khó, lại đều bị tàn tật. Không cam chịu nghèo, năm 2014, từ 30 triệu đồng vay NHCSXH, anh cùng vợ đầu tư chăn nuôi; tích lũy dần, anh trồng và mở rộng diện tích cây ăn quả, trồng cây công nghiệp dài ngày…

Nhờ đó, cùng với nỗ lực vươn lên, năm 2016, từ hộ nghèo, gia đình anh xuống hộ cận nghèo; hết năm 2017 thoát hộ cận nghèo… Anh vinh dự là 1 trong 30 hộ thoát nghèo được về dự, tuyên dương tại “Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016- 2020”.

Những gia đình như chị H’Lan, anh Vượng, anh Kiên, anh Sơn… là những nhân tố cần được biểu biểu dương để tạo sức lan tỏa trong công tác giảm nghèo bền vững.

Nhiều địa phương khó khăn từng bước thay đổi diện mạo

Không chỉ các hộ gia đình, nhiều địa phương khó khăn cũng đang từng bước thay đổi diện mạo. Điển hình như huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn bằng nhiều giải pháp như cho vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông – lâm nghiệp và du lịch, thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hang hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao…

“Hay huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng, huyện lấy lợi thế về đồi rừng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông – lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017- giảm gần 40% so với 10 năm trước”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đơn cử.

 

 Anh Dương Kim Vượng, xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là tấm gương thoát nghèo, đang chăm sóc vườn quế của mình


Ông Trần Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết, trước năm 2014, xã có trên 20% hộ nghèo, đời sống người dân hết sức khó khăn, đặc biệt thiếu thốn các phương tiện đánh bắt hải sản.

Từ nguồn vốn giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ khác, xã đã thực hiện nhiều phương thức nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế như chuyển đổi các loại ngư cụ đánh bắt, đầu tư thuyền mới.

“Đến nay, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 4,5%. Đời sống người dân thay đổi tích cực, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, ông Khoa cho biết.

Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 5,5% vào cuối 2018

Thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 với tổng kinh phí là 48.397 tỷ đồng để tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo thông qua 5 dự án khác nhau.

Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo, nên kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 53%, tới nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 1,59%/năm.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp sắp tới sẽ đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững. Kết quả cho thấy, tỷ lệ giảm nghèo của cả nước bình quân giảm khoảng 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm bình quân hơn 3%/năm... Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 8,23% năm 2016, ước tính sẽ giảm còn 5,5% vào cuối năm 2018. 

Đó là thành tích nổi bật, trong đó có đóng góp lớn từ sự nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của 8 huyện, 21 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016- 2020, 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và 30 hộ gia đình điển hình đại diện cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được biểu dương tại Hội nghị.

 

Tháng 10 này là tháng “Vì người nghèo”, trọng tâm là “Ngày Vì người nghèo” (17/10), nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức - trong đó hoạt động nhắn tin ủng hộ người nghèo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, nguồn quỹ thu được hoạt động này sẽ được sử dụng công khai, minh bạch, hỗ trợ những địa phương khó khăn xây dựng những mô hình sinh kế phù hợp, tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh