THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:37

Chuyện lao động xuất ngoại ở huyện nghèo Đam Rông

 

Ông Nguyễn Trần Thăng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long, đơn vị cung ứng nhân lực xuất khẩu lao động cho rằng, Trung Đông là thị trường phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như yêu cầu về trình độ lao động của người dân tộc thiểu số. Nếu như Nhật Bản, Hàn Quốc chi phí đi xuất khẩu lao động cao và đòi hỏi người lao động phải có trình độ tay nghề, ngôn ngữ… thì Trung Đông có mức phí tương đối thấp, chủ yếu cần lao động giúp việc gia đình nên yêu cầu không khắt khe. Vì vậy, đây là thị trường phù hợp với địa phương nghèo và người dân điều kiện khó khăn.

Người dân tìm hiểu thông tin để đi xuất khẩu lao động.

 

Ông Thăng cho biết thêm, Đam Rông với nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có những đặc thù riêng; đã có trường hợp lao động sau khi được đào tạo và đã có Visa, trong thời gian đợi thủ tục xuất cảnh về thăm nhà, sau đó do phong tục, tập quán gia đình không cho đi nữa. Vì vậy, thay vì thời gian học tiếng khoảng 3 tháng để đi Nhật Bản, Hàn Quốc… thì thủ tục đi Trung Đông nhanh gọn chỉ từ 1 - 1,5 tháng đã hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng. Bên cạnh đó, tuy thu nhập không cao như Nhật, Hàn nhưng hiện tại những lao động được Công ty đưa đi đang làm việc ổn định với mức thu nhập khá, gửi tiền về gia đình đều đặn và không có bất kỳ vướng mắc hay có trường hợp lao động nào bỏ trốn.

Anh Lơ Mu Ha Soan - xã Phi Liêng, Đam Rông hồ hởi khoe: “Nhà mình nghèo lắm, chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê khi được, khi mất. Từ khi vợ mình đi làm việc ở nước ngoài, mỗi tháng đều gửi về 9 - 10 triệu đồng, các con đã được học hành, mình cũng sửa lại ngôi nhà cũ”.

Vợ của Lơ Mu Ha Soan năm nay 40 tuổi. Đối với phụ nữ DTTS vùng này, mỗi tháng kiếm được vài ba triệu đồng đã khó, nay mỗi tháng gửi về nhà cả chục triệu đồng, quả là số tiền quá lớn…

Theo đánh giá của người dân địa phương, Trung Đông là thị trường phù hợp với điều kiện người dân địa phương, chi phí thấp lại không đòi hỏi tay nghề quá cao, chủ yếu lao động sang giúp việc gia đình. Vì vậy, những năm gần đây, số lao động đăng ký đi làm việc ở thị trường này khá lớn, với thu nhập ổn định, nhiều hộ đã không còn khó khăn trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Năm 2017, toàn huyện Đam Rông có 75 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động. Ttrong đó, có 54 lao động đã xuất cảnh, bao gồm: 6 trường hợp đi Nhật Bản, 1 trường hợp đi Liên bang Nga, 1 trường hợp đi Hàn Quốc, 3 trường hợp đi Đài Loan và 43 trường hợp đi Ả Rập Xê Út. 

Việc xuất khẩu lao động ở huyện Đam Rông trong thời gian qua đã góp phần tạo được nhiều công ăn việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững và tạo cơ hội để cho nhiều lao động làm giàu. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai cho biết: “Xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ cơ bản để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian qua huyện Đam Rông đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là vận động và tư vấn cho số thanh niên chưa có việc làm, không có điều kiện học tiếp tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học để đi xuất khẩu lao động. Mặt khác, chúng tôi chọn các gương điển hình đi xuất khẩu lao động có việc làm, thu nhập ổn định và gửi tiền về cho gia đình để nhân rộng cho những lao động khác noi theo”.

Nhằm thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020”, huyện Đam Rông xác định công tác đào tạo nghề để xuất khẩu lao động là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng lao động để hướng đến các thị trường lao động có yêu cầu cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng được tăng cường thực hiện qua việc giới thiệu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động; đặc biệt là những ưu đãi trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua các phương tiện truyền thông, pa nô, áp phích. Theo đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các công ty xuất khẩu lao động, UBND các xã trên địa bàn để giới thiệu cho người dân về xuất khẩu lao động. Qua đó, cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về công tác xuất khẩu lao động để có những tính toán phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình.

Có những tín hiệu đáng mừng về công tác xuất khẩu lao động trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhưng hiện nay người lao động tại địa phương vẫn có tâm lý sợ rủi ro. Bởi trước đây, một số người đi xuất khẩu lao động ở thị trường Malaysia khi trở về với điều kiện làm việc, sinh hoạt không ổn định, thu nhập chưa cao, đã dẫn đến tâm lý e ngại của người dân chuẩn bị đi hay có ý định đi xuất khẩu lao động. Các yếu tố gia đình, phong tục tập quán cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người trực tiếp đi xuất khẩu lao động...

Ông Liêng Hót Ha Hai cho biết thêm, thời gian tới, huyện sẽ yêu cầu các UBND xã chọn thôn làm điểm để hưởng ứng phong trào đi xuất khẩu lao động, thoát nghèo bền vững từ xuất khẩu lao động để người dân tin tưởng hơn vào chủ trương đúng đắn này. Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người lao động, thời gian tới công tác xuất khẩu lao động ở huyện Đam Rông sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần giúp cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện chưa có việc làm ổn định vượt khó vươn lên, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh