Giảm họp để sâu sát dân
- Dược liệu
- 17:03 - 07/07/2015
- HĐNDTP Đà Nẵng sẽ tổ chức cuộc họp bất thường bầu Chủ tịch UBND
- Bộ Giao thông dừng thi tuyển lãnh đạo các đơn vị
- TP Thanh Hóa: Tăng cường lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống ma túy
- Đà Nẵng công khai thi tuyển nhiều chức danh lãnh đạo
- Lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tối đa 100 triệu đồng
Phóng viên: Thưa ông, có phải chủ trương này xuất phát từ việc thời gian qua, họp hành ở tỉnh đã đến mức... bội thực?
- Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Trong quá trình điều hành, chỉ đạo, UBND tỉnh nhận thấy nhiều cuộc họp, hội nghị không cần thiết, theo kiểu “đến hẹn lại lên” gây lãng phí thời gian, tiền của. Quan điểm của tỉnh là lãnh đạo nên dành thời gian tăng cường đi cơ sở, cọ xát thực tế để làm việc tốt hơn, thay vì cứ ngồi phòng lạnh họp hành...
Nói “bội thực” thì hơi quá nhưng anh em lãnh đạo các sở, ngành thường tâm tư rằng việc họp hành nhiều quá, thậm chí có lúc thiếu người đi họp vì phải xử lý công việc chuyên môn.
Nếu được ban hành, liệu chủ trương này có khả thi?
Người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương phải thấy được ý nghĩa, lợi ích của chủ trương để thay đổi hành vi “thích ngồi phòng máy lạnh hơn là đi cơ sở”. Khi chủ trương chính thức ban hành, trong tháng 7 này, UBND tỉnh sẽ có giải pháp cụ thể để quy định được phát huy tối đa hiệu quả. Cụ thể: Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ là Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh thực hiện việc giám sát, theo dõi. Các đơn vị, địa phương sẽ báo cáo việc thực hiện giảm họp về Văn phòng UBND tỉnh hoặc Sở Nội vụ định kỳ mỗi tháng, quý, 6 tháng, 1 năm. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì lãnh đạo UBND tỉnh sẽ cho ý kiến xử lý.
Ông Trần Xuân Hòa (thứ hai từ trái sang), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận, kiểm tra tình hình hạn hán và thăm hỏi nông dân huyện Thuận Nam Ảnh: Lê Trường
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ yêu cầu mỗi sở, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm 2015 đăng ký 1-2 phần việc cụ thể để thực hiện việc giảm họp. Những phần việc mà các đơn vị đăng ký sẽ được Văn phòng UBND tỉnh và Sở Nội vụ giám sát chặt chẽ để đánh giá.
Ông có thể đưa ra dẫn chứng để thấy rằng làm việc nhiều lợi hơn họp hành?
- Minh chứng rất cụ thể là trong công tác chống hạn, từ đầu năm 2015 đến nay, hằng tuần, từng lãnh đạo UBND tỉnh đều trực tiếp xuống các huyện, xã “tâm hạn” để kiểm tra công tác cứu đói, hỗ trợ sản xuất của ban, ngành, địa phương. Nếu lãnh đạo tỉnh không đi thực tế để nắm chắc tình hình, không nghe phản ánh của dân mà “ngồi nhà” họp, đọc báo cáo thì làm sao có kế hoạch, giải pháp cụ thể để giúp dân.
9 nhóm công việc không tổ chức họp
- Phổ biến, triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo của cấp trên (trừ những chủ trương, chính sách lớn, cấp bách).
- Sơ kết tháng, quý, 6 tháng thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của các sở, ngành thuộc tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.
- Những công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp.
- Những việc cụ thể đã được phân công trách nhiệm cho cấp dưới giải quyết.
- Lấy ý kiến của các cơ quan, các cấp tham gia xây dựng, hoàn thiện các đề án.
- Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác hoặc nghe báo cáo tình hình.
- Trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị.
- Giải quyết những công việc mang tính chuyên môn, kỹ thuật.
- Những việc đã được pháp luật quy định rõ ràng để áp dụng giải quyết.
Ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng:
Đã giảm hơn 120 cuộc họp
Chủ trương không hội họp ở 9 nhóm công việc của Ninh Thuận rất đáng hoan nghênh. Tại Đà Nẵng, trước tình trạng mỗi năm có thêm hơn 100 cuộc họp chồng chéo, không hiệu quả từ các ban chỉ đạo nên tháng 5 vừa qua, Bí thư Thành ủy Trần Thọ quyết định giải tán trên 60 ban chỉ đạo. Nhờ đó, Đà Nẵng giảm được trên 120 cuộc họp.
Ngoài ra, việc các sở, ban, ngành đều tập trung về trung tâm hành chính TP Đà Nẵng nên thay vì tổ chức các cuộc họp, các đơn vị tiến hành hội ý nhanh giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:
Đề xuất 10, họp 6-7 cuộc
Cơ chế quản lý nhà nước là cơ chế dân chủ, tập trung; những vấn đề nào thuộc thẩm quyền cá nhân thì quyết định theo thẩm quyền cá nhân, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền chung thì phải họp để trao đổi. Tất nhiên, việc không cần thiết thì không họp. Các cuộc họp cũng phát xuất từ đề nghị của sở, ngành, địa phương. Tất nhiên, người ta đề nghị 10 cuộc thì mình xem xét cuộc họp nào quan trọng để giảm lại còn 6-7 cuộc, như vậy là đã hạn chế rồi. Lĩnh vực không họp thì tỉnh chưa có ban hành, còn việc hạn chế họp và tăng cường việc kiểm tra, giải quyết thì tỉnh làm thường xuyên.
Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:
Cấm cũng không giải quyết được gì!
Chuyện tỉnh Ninh Thuận cấm họp gì đó là chuyện của họ. Đó là quan điểm từng nơi thôi. Cải cách hành chính thì mỗi tỉnh khác nhau. Phú Yên không cần học hỏi việc này. Các cơ quan, đơn vị họp để tổng kết, rút kinh nghiệm trong nội bộ thì có vấn đề gì đâu, sao phải cấm? Đơn cử như chuyện họp sơ kết đánh giá 6 tháng, họ họp trong ngành để đánh giá, triển khai công việc cho 6 tháng tới thì có vấn đề gì đâu, miễn đừng làm rình rang; mời huyện, xã lên họp hay tỉnh phải xuống phát biểu là được. Mà lâu nay những cuộc họp như thế chỉ nội bộ thôi.
Tiết kiệm thì tùy từng chuyện chứ việc gì cũng tiết kiệm thì sao được. Cán bộ, công chức chỉ cần làm đúng 8 giờ mỗi ngày một cách đàng hoàng thì đã tốt rồi. Như thế là đã đủ thời gian đi cơ sở, giải quyết việc cho dân. Cơ bản là cán bộ có chịu làm hay không thôi chứ cấm họp cũng không giải quyết được gì.