THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:40

TP Thanh Hóa: Tăng cường lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống ma túy

 

 

Các đối tượng đến Trung tâm HIV để đăng ký uống Methadone.

 

Ma túy luôn là mặt trận nóng bỏng

Đây không chỉ là vấn đề của một địa phương, dân tộc mà là một hiểm họa cả nhân loại quan tâm. Ma túy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, làm mất khả năng học tập, lao động, rèn luyện nhân cách của bản thân; ảnh hưởng đến người thân trong gia đình (lo lắng, đau buồn, mặc cảm, ảnh hưởng nòi giống, nhiều gia đình phải ly hôn, ly tán, con cái không có người nuôi dạy); ảnh hưởng đến xã hội (lừa đảo, trộm cắp, thậm chí giết người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội...) mà còn làm tiêu hao tiền bạc của bản thân, gia đình và xã hội. Nhận thức rõ tác hại của ma túy, ý nghĩa của công tác phòng chống ma túy là yêu cầu, là mệnh lệnh của cuộc sống nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; giúp người nghiện có hình thức cai nghiện phù hợp, chuyển từ hình thức cai nghiện bắt buộc sang ý thức tự giác tham gia điều trị methadonne; giảm chi phí của xã hội trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy.  Ngày 24/7/2012, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TU, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tác đấu tranh phòng chống ma túy”. Đồng thời, chỉ đạo UBND, các đoàn thể, ban ngành xây dựng kế hoạch; Công an thành phố xây dựng phương án đấu tranh triệt phá các tụ điểm, các đường dây buôn bán ma túy, phát hiện lập hồ sơ quản lý người nghiện; Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm; Ban tuyên giáo Thành ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền và theo dõi, chỉ đạo cấp ủy cơ sở triển khai học tập;Đảng ủy, UBND các phường, xã đã tổ chức 47 hội nghị các bộ chủ chốt, 800 hội nghị nhân dân với 66.990 lượt người tham dự, có 2.535 ý kiến tham gia đóng góp về các biện pháp thực hiện Chỉ thị 06. Xây dựng và duy trì có hiệu quả việc điều trị Methadone tại 5 cơ sở cho người nghiện ma túy.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của việc thực hiện chỉ thị số 06-CT/TU

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06, thành phố Thanh Hóa đã đạt được kết quả mang tính đột phá. Các lực lượng chức năng đã nhận được 36.631 phiếu tố giác của nhân dân, trong đó, nhân dân đã phát giác, tố giác được 250 đối tượng có liên quan đến ma túy. Điều tra và bắt 395 vụ, 520 đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy, xử lý 820 lượt đối tượng sử dụng ma túy trái phép. Số người nghiệm ma túy liên quan đến tội phạm, phạm pháp hình sự giảm hơn 60%; tấn công triệt phá nhiều tụ điểm ma túy tại Cốc Hạ 1,2 phường Đông Hương; khu vực đường Lò Chum..., xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy; đến nay thành phố đã quản lý được 1.541 người nghiện, trong đó, đưa đi cai nghiện bắt buộc tại 05,06: 124 người, bắt tạm giam tạm giữ 96 người; điều trị Methadone tính đến 31/5/2015 cho 1.024 bệnh nhân nghiện ma túy, 242 người đang áp dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng.

Có thể khẳng định công tác quản lý nghười nghiện ma túy của thành phố Thanh Hóa đã mang lại rất nhiều hiệu quả kinh tế và xã hội cho bản thân người nghiện ma túy, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, chương trình điều trị methadone, có trên 85% số người nghiện ma túy được điều trị đã không còn sử dụng ma túy bất hợp pháp, 15% số còn lại vẫn còn sử dụng nhưng tần suất và số lượng ma túy cũng đã giảm đáng kể. Đa số người bệnh tham gia điều trị đã có những cải thiện tốt về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ, nhân cách cũng như cuộc sống, nhiều người bệnh trước đây chưa có việc làm nay đã có việc làm và dành thời gian hỗ trợ gia đình. Một kết quả quan trọng khác Chương trình góp phần làm giảm buôn bán, tiêu thụ ma túy, giảm sự lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C và một số bệnh xã hội do không còn tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma tuý. Sau 3 năm triển khai, cả 5 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn thành phố chưa phát hiện được trường hợp mới nhiễm HIV nào trong số người bệnh tham gia điều trị Methadone. Chương trình cũng đã góp phần cải thiện về tình hình an ninh trật tự và an toàn của cộng đồng dân cư. Tỷ lệ người nghiện ma túy có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố đã giảm đáng kể, số vụ trộm cắp liên quan đến nhóm nghiện ma túy trên địa bàn cũng giảm trên 60%. Những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi người bệnh tham gia điều trị Methadone (giảm các hành vi như trộm cắp, cầm cố đồ đạc, lừa đảo, dối trá thậm chí cưỡng ép người thân; phạm pháp hình sự để có tiền mua ma túy). Đồng thời, chương trình đã giúp cho người nghiện ma tuý sớm hoà nhập cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho gia đình và sự bình yên cho xã hội. Điều đặc biệt, nhiều người nghiện đã chuyển từ tâm lý giấu bệnh, không muốn áp dụng các hình thức cai nghiện hoặc điều trị bằng thuốc thay thế sang tự giác, công khai và xin đi điều trị Methadone; gia đình, cộng đồng cũng không kỳ thị, xa lánh người bệnh, luôn động viên và giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm cho họ.

Về hiệu quả kinh tế, việc tham gia điều trị Methadone còn làm giảm chi phí đáng kể đối với các gia đình có người nghiện ma túy. Do người nghiện không mất tiền để mua ma túy và không tốn tiền để điều trị các bệnh tật do sử dụng, tiêm chích ma túy gây nên. Theo khảo sát của Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa thì chi phí cho việc sử dụng ma túy làm thiệt hại cho kinh tế, xã hội, trung bình của những người nghiện ma túy tại TPTH khoảng 500.000đ/người/ngày (có trường hợp sử dụng Heroin đến 1.500.000 -1.800.000đ/ngày), như vậy với 1541 (người nghiện) x 500.000đ/ngày x 360 ngày = 281,23 tỷ đồng, (trong khi đó tổng thu ngân sách thường xuyên trên địa bàn thành phố năm 2014 ước đạt 480.421 triệu đồng). Còn người nghiện tham gia điều trị methadone thay thế cho ma túy hết 15.000 đ/người/ngày tiền thuốc và các chi phí vận hành (hiện nay Chương trình đang hỗ trợ miễn phí cho người nghiện). Bên cạnh đó bệnh nhân nghiện ma túy được điều trị Methadone hàng ngày vẫn tham gia làm việc và sản xuất tạo ra của cải vật chất cho gia đình, xã hội. So sánh cụ thể như vậy để chúng ta khẳng định rõ hiệu quả kinh tế và xã hội của Chỉ thị 06.

Từ thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn thành phố đã cho thấy hiệu quả kinh tế và xã hội rất tốt nên trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền đoàn thể, từ phố, thôn, phường, xã đén thành phố và các lực lượng chức năng và mỗi người dân thành phố cần xác định rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao hơn, phấn đấu đến năm 2020 quản lý được 90% người nghiện (khoảng gần 2000 người nghiện). Trước hết, cần gắn công tác tuyên tuyền về tác hại của ma túy với phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma túy và người nghiện ma túy tại cộng đồng; có chế độ khen thưởng thích đáng cho những người phát hiện, tố giác và đảm bảo bí mật, an toàn cho những người tố giác; vận động người nghiện ma túy tham gia điều trị methadone; tạo việc làm và giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Lực lượng chức năng tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền thành phố chỉ đạo có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống ma túy. Khối nội chính tăng cường điều tra, truy tố về các hành vi liên quan đến ma túy và xử đúng người đúng tội theo qui định của pháp luật từ đó để không phát sinh con nghiện mới. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ kinh phí vận hành các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn từ nguồn ngân sách nhà nước thành phố. Bên cạnh đó sẽ có lộ trình xã hội hóa từng bước để người nghiện đóng góp kinh phí cho các hoạt động của chương trình như kinh phí xét nghiệm, kinh phí mua thuốc Methadone khi hết nguồn tài trợ thuốc của các tổ chức quốc tế. Mỗi gia đình phải chủ động, tích cực xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ, tránh xa tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy. Người nghiện ma túy cần quyết tâm, có bản lĩnh, kiên trì để thực hiện các biện pháp cai nghiện hoặc điều trị methadone để cứu chính mình và mang lại hạnh phúc và sự bình yên cho gia đình, xã hội vì một thành phố Thanh Hóa thân thiện, văn minh, hiện đại.

Nguyễn Xuân Phi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh