THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:17

Giảm biên chế, an toàn thực phẩm, phí và lãng phí

Liệu có thực sự “tinh giản”?

Theo dự thảo về chính sách tinh giản biên chế Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến Bộ, Ngành, lộ trình 6 năm tới (2014 – 2020) sẽ cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó 80% là giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Dự thảo tờ trình nêu rõ, hiện nay khi triển khai các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tiêu chuẩn, chức danh từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ có một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được tiêu chuẩn của vị trí việc làm đang đảm nhiệm, cũng không bố trí được việc làm khác, cần giải quyết tinh giản.

Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Theo Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn trong lĩnh vực nội vụ được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình ký, thời gian tới, các Bộ, Ngành, địa phương chỉ tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu đúng tuổi và thôi việc theo quy định của pháp luật.

Hàng năm giảm 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong 7 năm tới (2015-2021), phải tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, tối thiểu 10% biên chế của các bộ, ngành, địa phương.

Thật ra câu chuyện tinh giản biên chế không mới, nó được đặt ra từ hàng chục năm trước nhưng không hiệu quả, bộ máy vẫn phình to, tiêu tốn nhiều ngân sách nhưng không có được đội ngũ công chức, viên chức tinh nhuệ. Vì vậy, người ta cũng có thể lường trước được những khó khăn khi triển khai đề án này, nhất là dư luận về những tiêu cực ở nhiều Bộ, Ngành, địa phương, đơn vị trong tuyển dụng, thuyên chuyển công chức, viên chức đang nóng trên mặt báo.

Tinh giản là giảm bớt một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, khách quan nhằm giữ lại bộ phận tinh nhuệ, giảm bớt bộ phận yếu kém. Lý thuyết là thế nhưng thải loại được bộ phận yếu kém không dễ, do nhiều người được nhận  vào bằng “quan hệ”; rồi bình bầu hàng năm, xoàng nhất cũng là lao động tiên tiến… Vậy là để đạt chỉ tiêu, không khéo những người đủ năng lực, điều kiện giữ lại lại phải ra đi vì “thấp cổ bé họng”…

Hơn nữa, để thực hiện tinh giản biên chế một cách nghiêm túc, thì phải xây dựng vị trí việc làm theo quy định của Luật Cán bộ công chức, nhưng cho đến thời điểm này cơ quan chủ trì cũng chưa làm nổi. Thế thì lấy cơ sở nào để thực hiện, để biết ai có thể giảm, ai không thể giảm. Hiện nay không có đơn vị nào đề nghị giảm biên chế, mà đều đề nghị tăng. Một thực tế khác là lâu nay đơn vị nào cũng nói quá tải, quá nhiều việc để xin thêm chỉ tiêu biên chế.

Giảm biên chế sau đó tuyển bổ sung có thật sự công khai, minh bạch hay không lại là vấn đề đặt ra. Ai cũng biết trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn. Những vụ tai tiếng trên báo chí về tuyển dụng khá nhiều, từ cấp Bộ đến cấp Sở, cấp Phòng đều có chuyện tiêu cực ở các mức độ khác nhau.

Do đó, để tinh giản biên chế thật sự có hiệu quả thì phải có cơ chế giám sát quá trình tinh giản với nguyên tắc công khai, minh bạch và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tham  nhũng, tiêu cực, lợi dụng chủ trương này để trục lợi. Nếu không có một lộ trình cụ thể với chỉ tiêu rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị thì mục tiêu vẫn còn quá xa vời.

Nỗi lo bệnh ung thư từ thực phẩm bẩn

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.200 người chết vì HIV, còn ung thư là 75.000 người chết, trong số 150.000 người mắc mới. Riêng ung thư gan đã giết chết gần như 100% người bệnh. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chắc chắn một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện trạng này, là vấn đề nhiễm độc thực phẩm.

Đang thiếu một “Nhạc trưởng” bảo vệ sức khỏe người dân trước sự “tấn công” của thực phẩm bẩn (Ảnh: Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ).

Chuối ngâm chất diệt cỏ, tôm bơm hóa chất, rau xài thuốc kích thích, trái cây ngâm thuốc độc hại; thịt gà nhúng hóa chất nhuộm màu và làm dai thịt… là những hiện tượng phổ biến từ miền ngược đến miền xuôi, trong Nam ngoài Bắc không đâu không có. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc khi sử dụng trong thực phẩm có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh. Nếu dùng lâu ngày có thể gây ung thư.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, 40/120 mẫu rau được lấy tại một số chợ ở Hà Nội có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Khảo sát tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội cho thấy nhiều mẫu rau có tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao, vượt ngưỡng cho phép khoảng 10%. Thực trạng đáng kinh hãi này khiến cho nghịch lý phân công lao động xã hội bị đảo lộn, nhà nhà lo trồng rau sạch trên sân thượng, trên ban công hay dải phân cách ven đường… trở về thời kỳ kinh tế tự cung tự cấp. Ai cũng mệt mỏi vì thực phẩm bẩn vì lo mắc bệnh, nhất là lo ung thư. Ung thư không chỉ có thể giết chết người bệnh mà còn làm khánh kiệt kinh tế, bởi chi phí điều trị ung thư rất tốn kém.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh ung thư, nhưng nguyên nhân chính là do đột biến gen. Lý do đầu tiên là trong ăn uống của chúng ta hiện nay thực phẩm đã bị nhiễm hóa chất, nhiễm tia xạ. Những thực phẩm này có khả năng gây ra những đột biến gen…

Không lẽ Nhà nước và xã hội bó tay, thụ động trước nạn thực phẩm bẩn?! Thực tế nghiêm trọng hiện nay đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu và chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn. Ta không chỉ chống lại việc người Việt tự đầu độc lẫn nhau mà chống lại cả những thực phẩm độc hại từ nước ngoài thâm nhập vào nước ta. Hiện nay thực phẩm bẩn có xuất xứ nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam, nên ngăn chặn ngay từ biên giới là một nhiệm vụ cấp bách.

Còn vấn đề người Việt tự đầu độc lẫn nhau thì trước hết phải tăng cường quản lý nhà nước, phải có một “nhạc trưởng” và cần những chế tài xử phạt đủ sức răn đe, hình sự hóa đối với hành vi tạo ra thực phẩm bẩn. Cơ quan thực thi phải kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Bên cạnh đó, theo quy định Luật Bảo vệ người tiêu dùng : Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Làm sao để mỗi người dân, mỗi người tiêu dùng nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, không ngại đấu tranh trực diện với những nhà sản xuất, những cơ sở chế chế biến thực phẩm bẩn, từ tố cáo, khởi kiện đến tẩy chay để ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay.

Phí và lãng phí

Thực tế thu phí và lệ phí hiện nay khá phức tạp, rõ nét nhất là phí giao thông. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, với mỗi lượt xe khách (40 ghế ngồi) Hà Nội – TPHCM,  họ phải chi khoảng 1,5 triệu đồng/lượt cho các trạm thu phí trên QL1, cả đi cả về là 3 triệu đồng, cao gấp đôi, gấp ba mấy năm trước.  Với 5 xe chạy thì nhà xe mỗi ngày mất 15 triệu đồng. Sở dĩ số tiền phải chi cho các trạm thu phí hiện nay cao như vậy là do lượng trạm BOT xuất hiện nhiều. Riêng từ Hà Nội vào đến Ninh Bình chưa đến 100 km nếu 3 năm trước đây mỗi lượt xe khách qua trạm Đồng Văn hết 50.000 đồng, thì nay mất hơn 350.000 đồng/lượt cho trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ – Ninh Bình.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị việc thu phí và lệ phí phải hợp lý, không thể thu phí để bù đắp cho tham nhũng

Ngoài các trạm hiện có, đoạn QL1 từ Hà Nội – Cần Thơ còn có 14 trạm phu phí BOT đã và đang hình thành. Nếu tính giá 2.500 đồng/km như trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đang tính cho xe khách từ 40 chỗ trở lên thì số tiền từ Hà Nội vào đến Cần Thơ sắp tới sẽ là 4,2 triệu cho 1.700 km. Như vậy, phí các dự án BOT thu trên các tuyến quốc lộ quá cao. Có những dự án làm hoàn toàn trên nền đường cũ và nhà đầu tư chỉ rải thêm một lớp mặt đường cũng thu phí cao khiến người dân bất bình. Phí cao dẫn đến giá thành vận tải cao, ảnh hưởng đến đầu vào của nền kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập còn nhiều khó khăn của người dân.

Vì thế thảo luận về dự án Luật Phí và lệ phí tại Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đề nghị phải giám sát chặt chẽ việc thu phí để bảo đảm quyền lợi của người dân. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cảnh báo, việc thu phí, lệ phí phải tương xứng với chất lượng dịch vụ công mà Nhà nước, tổ chức cung cấp. Nếu quan hệ này không cân xứng thì thuế và lệ phí sẽ trở thành công cụ tận thu, là gánh nặng cho người dân.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị những dịch vụ hành chính thuần công thì Nhà nước không thu phí, lệ phí; ngược lại, những dịch vụ mang tích công ích thì đóng góp như quy định. “Dịch vụ hành chính thuần công là nhiệm vụ của chính quyền thì chính quyền phải có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ dân. Bởi dân đã đóng thuế lấy tiền nuôi bộ máy hành chính, thì không có cớ gì đến xin con dấu, chữ ký thôi cũng phải đóng phí. Những việc đó dân đương nhiên phải được hưởng, Nhà nước không nên thu bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào”, ông Tám đề nghị.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đề nghị, dự luật phải tuân thủ theo nguyên tắc là phí, lệ phí phải thu hợp lý không thể là thuế thu nhập trá hình giảm thu nhập của người dân; không bù đắp cho tham nhũng, lãng phí nhằm tránh việc sử dụng tiền thuế của dân yếu kém sau đó tìm cách huy động phí, lệ phí của người dân. Ông Nghĩa cũng cho rằng, quy định nguyên tắc xác định mức thu phí đảm bảo bù đắp chi phí, đảm bảo công bằng là không phù hợp. Nếu chỉ vì hiệu quả hoạt động của bộ máy kém mà lại đi bắt người dân phải đóng phí, lệ phí cao là không được.

Trong lúc ngân sách eo hẹp, dùng nhiều giải pháp để không bỏ sót khoản thu là điều dễ hiểu nhưng thắt chặt việc thu mà lỏng lẻo, dễ dãi việc chi là điều người dân khó chấp nhận. Lãng phí vẫn là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm qua chưa thuyên giảm và đáng buồn là lại có chiều hướng trầm trọng hơn. Lãng phí đất đai, lãng phí nguồn lực và dễ thấy nhất là lãng phí trong đầu tư.

Đơn cử vài dẫn chứng như Bảo tàng Hà Nội được khánh thành vào tháng 10/2010 với chi phí xây dựng 2.300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dù chi phí xây dựng là rất cao, nhưng đến nay bảo tàng này vẫn vắng tanh do hiện vật nghèo nàn. Nhà máy thép hơn 1.700 tỷ đồng từng là niềm tự hào của Hà Tĩnh đang bị bỏ hoang. Công trình Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam được xây dựng tại Đồng Mô, Hà Nội với số tiền đầu tư đến 3.200 tỷ đồng, được khai trương vào tháng 10/2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng ngày thường chẳng có khách nào ghé thăm và xuống cấp rất mau chóng…

Nhưng các công trình hoành tráng vẫn đang và sẽ tiếp tục mọc lên bất chấp khó khăn từ phía Nhà nước. Bình Dương xây dựng khu trung tâm hành chính 1.400 tỷ đồng, Đà Nẵng xây xong khu trung tâm hành chính đồ sộ 2.200 tỷ đồng, Đồng Nai xây dựng trung tâm hành chính 2.200 tỉ, Khánh Hòa dự định xây dựng khu trung tâm hành chính 7.000 tỷ đồng, Hải Phòng dự định gần 10.000 tỷ đồng…  Có thể, việc xây dựng đó được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là lấy từ tài sản công, từ việc đổi đất công lấy cơ sở hạng tầng, trong khi đó gánh nặng nợ xấu, nợ công và bội chi ngân sách đang đè nặng lên thực trạng nền kinh tế cả nước hiện nay.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam đã là 110 tỷ đô la, nếu chia cho 90 triệu người dân thì mỗi người đang phải gánh 1.200 đô la. Người dân mong sao Luật tiết kiệm, chống lãng phí được thực thi nghiêm chỉnh, để chắt chiu đồng vốn lo cho quốc kế dân sinh và phát triển xã hội, không chi cho những công trình ngàn tỉ xa hoa, trong giai đoạn khó khăn này.

Theo BẢO CHÂN/Phaply.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh