Loạn giá thị trường ô tô vì đề xuất thu thuế, phí, lệ phí
- Công nghệ mới
- 15:28 - 28/07/2015
Về nguyên tắc, cuối năm nay, Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), từ nay đến năm 2018, các loại xe của ASEAN đưa vào Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0%.
Trước sự cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu ôtô, đặc biệt là ôtô cá nhân cùng với việc hạ tầng giao thông được cải thiện với hàng loạt các cao tốc và mạng lưới đường quốc lộ, tỉnh lộ chất lượng cao đã và đang được xây dựng đã tạo ra một hy vọng về cơ hội sở hữu ôtô giá rẻ với đông đảo người tiêu dùng Việt Nam.
Rất tiếc, hy vọng đó đang mỗi ngày một xa với những đề xuất về các loại thuế, phí không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận thương mại quốc tế. Đó là các loại thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế Giá trị gia tăng (VAT), lệ phí trước bạ (LPTB), phí đăng ký… tác động không nhỏ đến giá ôtô; mà các loại thuế phí này có thể được điều chỉnh tăng tùy ý.
Dĩ nhiên, việc tăng các loại thuế, phí để đáp ứng yêu cầu bức thiết của việc thu ngân sách, trong bối cảnh bội chi ngân sách năm đã lên đến 7,2% kế hoạch, cùng với tiến độ chậm của việc xây dựng hạ tầng giao thông là chấp nhận được.
Tuy nhiên, có một thực tế là những đề xuất về thuế phí không được đưa ra một cách tổng thể cùng với lộ trình mà thường xuyên thay đổi, trong khi thị trường ôtô vẫn đang hoạt động mạnh mẽ với khối lượng nhập khẩu, với lượng tiêu thụ tăng hơn so với những năm trước làm cho người tiêu dùng và ngay chính các doanh nghiệp kinh doanh ôtô cũng không lường được phía trước ra sao.
Và thị trường ôtô đang có một sự loạn giá và diễn biến khá bất bình thường. Những đề xuất về thuế không rõ ràng Trước tiên, đó là đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách tính thuế TTĐB với ôtô nhập khẩu.
Dự thảo Nghị định thực hiện Luật thuế TTĐB bổ sung, dự kiến áp dụng từ 1-1-2016, có đưa ra cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ, sẽ thay đổi ở thời điểm tính.
Cụ thể, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ 24 chỗ trở xuống sẽ là giá bán ra của nhà nhập khẩu, chưa có thuế GTGT. Với phương pháp mới này, thì xe nhập khẩu sẽ phải cộng thêm các chi phí như: cước vận chuyển nội địa, chi phí bán hàng, quảng cáo và cả lợi nhuận của nhà nhập khẩu vào, rồi mới tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, ngoài việc bổ sung thêm phần thu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nội địa cho ôtô nhập khẩu, chính các nhà sản xuất lắp ráp ôtô trong nước cũng sẽ bị thiệt hại bởi những điều chỉnh khác của Bộ Tài chính trong Dự thảo. Chẳng hạn như, giá tính thuế cho ôtô sản xuất trong nước sẽ phải là giá bán ở các cơ sở hạch toán phụ thuộc trực tiếp bán ra sản phẩm. Nếu ô tô bán qua hệ thống đại lý, giá do nhà máy giao (trong đó đã bao gồm chi phí hoa hồng cho đại lý) thì giá tính thuế sẽ là mức giá này, chưa trừ hoa hồng. Nếu ô tô sản xuất trong nước bán qua các cơ sở thương mại thông thường, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là giá của nhà máy sản xuất nhưng không được thấp hơn 5% mức giá bán cao nhất của các cơ sở thương mại (chưa có thuế GTGT).
Với những sửa đổi này, theo tính toán, giá xe nhập khẩu sẽ tăng thêm khoảng 10% so với hiện nay, còn với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, giá cũng tăng từ 2-5% tùy loại.
Đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình với các điều khoản của dự thảo Nghị định này, nhưng mới đây, Bộ Tài chính đã có tuyên bố: Sẽ ban hành nghị định như dự thảo. Cũng không hiểu, nếu đã có ý chí từ đầu như vậy, Bộ Tài chính còn đưa dự thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp làm gì? Nhưng đó mới là cách tính thuế, còn mức thuế thì vẫn đang bàn.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực theo hướng giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe ưu tiên phát triển.
Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít, tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã trình dự thảo về Quyết định này. Theo đó, quan điểm của Bộ Công Thương là các dòng xe ôtô có dung tích từ 2.0 lít trở lên sẽ phải chịu tăng thuế thêm ít nhất là 15%. Dòng xe dung tích trên 3.0 lít, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phải áp dụng rất cao, dự kiến tăng khoảng 70%.
Bộ Công Thương cũng từng có phương án chia nhỏ các mức dung tích xe để áp thuế và đánh thuế cao nhất tới 195% cho xe có dung tích trên 6.0 lít, các dòng có dung tích dưới 1.5 lít sẽ chỉ áp thuế 30%, xe có dung tích từ trên 1.5-2.0, thuế suất có thể giữ nguyên là 45%.
Đó mới là thuế TTĐB, sẽ còn có khả năng tăng thuế VAT đối với các loại xe ôtô. Và lúc đó, không chỉ hy vọng về ôtô giá rẻ tan thành mây khói mà sau khi giảm thế nhập khẩu, giá xe sẽ tăng thêm ít nhất 20% và cao nhất tới 100% so với giá hiện nay.
Các loại phí và lệ phí cũng lộ dần khả năng tăng Hiện nay mức thu các loại phí, lệ phí khá ổn định. Lệ phí trước bạ với ôtô: Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với mức 12% giá trị xe (sau thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT); các tỉnh thành khác áp dụng mức 10%. Riêng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số mới được chia thành 3 khu vực, khu vực I (gồm Hà Nội, TP.HCM) mức 2 triệu-20 triệu đồng/lần/xe; khu vực II (gồm các thành phố trực thuộc Trung ương, trực thuộc tỉnh và các thị xã) và các vùng còn lại thuộc khu vực III, từ 150.000 đồng - 1 triệu đồng/lần/xe. Tuy nhiên, tất cả những mức thu này sẽ có sự thay đổi lớn trong thời gian tới.
Có thể nói TP.HCM đã đi đầu trong việc tăng các loại phí và lệ phí khi vào giữa tháng 7-2015 đã có đề nghị chính thức với Chính phủ để tăng phí đăng ký lần đầu với ô tô lên 550%.
Không những vậy, TP.HCM còn đề nghị tăng phí trước bạ (đăng ký mới), tăng phí đăng ký với các loại xe cá nhân mới, thu phí môi trường (trả cho việc dùng cá nhân gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn…), đồng thời chỉ cấp một số lượng xe giới hạn nhằm phù hợp với đường sá hằng năm. Khi đó, người chủ xe sẽ phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền chạy xe ra đường…
Đề xuất của TP.HCM sẽ là tiền đề để các địa phương tăng tất cả các loại phí, lệ phí đối với ôtô. Giá xe ôtô sẽ loạn Có một thực tế, theo các chuyên gia, giá xe ôtô cùng loại, cùng nhãn mác nhưng với các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khác nhau, hoặc kinh doanh ở các địa phương khác nhau sẽ có giá khác nhau. Như vậy, các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng sẽ rơi vào tình trạng loạn giá.
Các chuyên gia thị trường đã phân tích, hiện có 3 mô hình kinh doanh mà cả doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước lẫn nhập khẩu đang áp dụng, đó là nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) tách riêng với nhà phân phối và đại lý bán lẻ; tiếp đến là nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) với phân phối là một, chỉ tách riêng đại lý bán lẻ và thứ 3 là cả sản xuất (hoặc nhập khẩu) với phân phối, đại lý bán lẻ cùng thuộc về một doanh nghiệp, không tách riêng.
Với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt như trên, thuế được tính dựa trên giá bán ra từ nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) có hóa đơn xuất hàng cho nhà phân phối, vơi cùng một loại xe, với mỗi mô hình kinh doanh khác nhau, mức chịu thuế TTĐB cũng khác nhau và đương nhiên giá xe cũng khác nhau.
Với tình trạng các mức thu phí và lệ phí khác nhau tại mỗi địa phương, giá xe ôtô cũng sẽ khác nhau khi bán ở các địa phương khác nhau, trong khi xe được chạy khắp cả nước. Như vậy, không chỉ các doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng cũng đang ở một tương lai loạn giá.
Ngay trong thời điểm này, trước sự không ổn định về chính sách, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô cũng đã có những sự tăng giá, tăng lợi nhuận với các loại xe nhập khẩu. Chỉ khổ người tiêu dùng. Nên chăng, sớm có một chính sách tổng thể thống nhất trong cả nước đối với các loại thuế, phí và lệ phí với ôtô cùng lộ trình thực hiện song song với lộ trình giảm thuế nhập khẩu?/.