THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:57

Nhiều loại phí, lệ phí cần loại bỏ

“Ma trận” phí, lệ phí

 Theo dự thảo Luật Phí và lệ phí, sẽ còn 51 loại phí và 39 lệ phí. Trong khi đó, Pháp lệnh hiện nay quy định có 73 loại phí và 42 loại lệ phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện pháp lệnh, con số thực tế không dừng ở đó. Nhà báo Nguyễn Anh Bình (Trưởng đại diện Báo Kinh tế nông thôn tại Hà Tĩnh) chia sẻ thực tiễn hiện tượng “lạm thu” thông qua loạt bài “Gánh nặng dân nghèo” của ông, vốn thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Sự lạm thu này, theo nhà báo Anh Bình, thể hiện sự “ấu trĩ” của cơ sở trong thu các khoản phí, lệ phí, xuất phát từ chính những quy định không minh bạch. “Địa phương đã “đẻ” ra các loại phí mà không kịp đặt tên khiến người dân nghèo... hồn xiêu phách lạc. Luật cần “niêm yết” các khoản thu để tránh tình trạng lạm thu theo kiểu “trên không biết, dưới tung hoành”, hậu quả là dân gánh chịu”, ông Bình nói.

Gánh nặng phí, lệ phí được người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế “kêu” nhiều lần, ở nhiều diễn đàn. Đơn cử như chuyện một con gà “cõng” đến 14 loại phí kiểm dịch. Không chỉ có bất cập chuyện... con gà “cõng” nhiều phí, mà ôtô cũng đang là đối tượng “cõng” nhiều khoản phí, lệ phí. Theo số liệu thống kê, khi mua và sử dụng một chiếc ôtô tại Việt Nam, ngoài 3- 4 loại thuế, người tiêu dùng còn phải trả thêm 11 loại phí. “Không thể thống kê tất cả mọi khoản thuế, phí và lệ phí đang tồn tại trong các đạo luật và văn bản dưới luật, nhưng chỉ cần thống kê các loại phí, lệ phí mà con gà, ôtô, xe máy... phải “cõng” cũng đủ thấy gánh nặng đang đặt lên vai người dân, doanh nghiệp”- nhóm tác giả PGS, TS Lê Xuân Trường và PGS, TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) phân tích.

Chăn nuôi đang chịu nhiều loại phí, lệ phí.

 PGS, TS Vũ Sỹ Cường cho biết, ngành nông nghiệp đã rà soát bỏ được mấy chục khoản thu do các đơn vị sự nghiệp, địa phương ban hành. Nếu áp dụng luật theo hướng này sẽ hạn chế “đẻ” ra các khoản thu mới, nhưng cũng có hạn chế là nếu khoản thu không hợp lý về thực tiễn vẫn phải thu, hoặc những khoản thu hợp lý mới phát sinh, nhưng chưa được thu ngay vì phải chờ Quốc hội phê duyệt.Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù dự thảo đã đề nghị bỏ 19 loại phí có tính chất giá dịch vụ ra khỏi danh mục phí, lệ phí, nhưng còn có những khoản cần nghiên cứu thêm. Theo PGS, TS Lê Xuân Trường, nên bỏ khỏi danh mục khoản “Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất” vì đã có “Lệ phí trước bạ” có tính chất thu này. Việc bỏ khoản lệ phí này sẽ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và dân cư.

Nhà nước không ôm đồm, bảo đảm minh bạch

Nếu như thuế còn nhằm bảo đảm sự công bằng xã hội thông qua việc điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, khi đó người giàu, thu nhập cao sẽ phải san sẻ để giúp đỡ người nghèo, gánh vác trách nhiệm xã hội; thì các khoản phí, lệ phí cũng nhằm bù đắp chi phí cho các cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của đất nước. Tuy nhiên, các khoản thuế, phí, lệ phí cùng với các khoản đóng góp khác hiện nay quá nhiều, vượt sức chịu đựng của đa số người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Điển hình là dự thảo với hơn 1.000 loại phí và lệ phí về nông nghiệp vừa được trình lấy ý kiến Quốc hội khiến các chuyên gia và người dân không khỏi giật mình.

Một vấn đề quan trọng khác được nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến, đó là luật phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. PGS, TS Vũ Sỹ Cường lưu ý, phải quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý phí, lệ phí. Cùng với đó, cần bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm báo cáo chính xác số phí được thu bao gồm cả phần chi phí để lại cho tổ chức thu phí. Không thể để tình trạng người dân không được hưởng gì từ việc đóng phí. Dự thảo Luật Phí và lệ phí trình Quốc hội tới đây là một dịp rà soát toàn diện việc thu phí, lệ phí đã thực hiện suốt 13 năm qua. 

Trao đổi về điều này, PGS, TS Lê Xuân Trường khẳng định: Việc nâng từ pháp lệnh lên luật thể hiện tính pháp lý cao hơn, bảo đảm công khai, minh bạch hơn, bảo đảm sự đồng bộ của chính sách, pháp luật cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nhà nước không nên ôm đồm, mà mở rộng xã hội hóa cung cấp dịch vụ cho xã hội. Nhà nước chỉ thực hiện khi thị trường không làm, hoặc làm không hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm công bằng hơn trong cung cấp dịch vụ công. 

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh