THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:29

Giải thưởng Hội nhà Văn Việt Nam: Vì đâu “xuống giá”?

  

 

Những phen sóng gió

Có thể điểm qua một số “cột mốc” ồn ào trên hành trình giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam như sau: Năm 2003, nhà văn Hồ Anh Thái từ chối tặng thưởng của Hội cho tập truyện ngắn “Tự sự 265 ngày”. Năm 2006, nhà thơ Ly Hoàng Ly gửi thư đến Hội xin từ chối tặng thưởng dành cho tập “Lô Lô”. Lý do được Ly Hoàng Ly nói rõ trong thư từ chối: “Không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng trong các tác phẩm mà hội đồng đưa ra để bình bầu”. Cũng trong năm 2006, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ chối nhận giải thưởng của Hội cho tập thơ “Thương lượng với thời gian” khiến dư luận xôn xao.

Sự công phá dữ dội nhất được ghi nhận ở giải thưởng văn chương 2012, khi nhà văn từ chối nhận giải. Nhà văn Y Ban mở màn bằng thư ngỏ bày tỏ sự bức xúc về sự thiếu tâm, thiếu tầm của những người “cầm cân nảy mực” ở Hội Nhà văn Việt Nam, khi tác phẩm của chị “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” chỉ được tặng bằng khen. Viết thư ngỏ đồng nghĩa với việc Y Ban chối bỏ ghế ủy viên hội đồng văn xuôi tại thời điểm đó. Thư ngỏ của tác giả “Đàn bà xấu thì không có quà” hé lộ những lí do tế nhị, thí dụ: Y Ban cảm thấy “đang bị biến thành một con rối trong tay những kẻ vụ lợi, bè phái và dối trá”. Ngay sau “trái phá” mang tên Y Ban, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng viết thư ngỏ khi tiểu thuyết “Thế kỷ bị mất” của anh được chấm hạng bằng khen. Thư ngỏ có đoạn: “Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và cũng là để cho sự trung thực còn chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học”.

Câu chuyện muôn thuở gây tranh cãi trong giới chính là chuyện giải thưởng danh giá thường về tay ủy viên ban chấp hành hoặc những người có vai vế trong hội đồng chuyên môn. Thí dụ, năm 2016 giải thơ ca gọi tên Phó Chủ tịch Hội đồng thơ; giải văn xuôi gọi tên Chủ tịch Hội đồng văn xuôi. Tương tự, chuyện ủy viên ban chấp hành “rinh” giải không còn là chuyện mới. Có lần, bình luận về một mùa giải, nhà thơ Trần Nhương đã hóm hỉnh kết luận: Mới chỉ chưa đến nửa nhiệm kỳ Hội Nhà văn khóa mới mà có đến 4 ủy viên trong ban chấp hành Hội Nhà văn lần lượt được trao giải thưởng Hội Nhà văn thì mới thấy các ủy viên trong BCH của hội ta viết văn tài thật!

 

Những tác phẩm từng gây bão ở giải thưởng Hội Nhà văn: Thế kỷ bị mất.

 

Đã có giải “nhảm” nhất

Một nhà thơ,  phát biểu: “Những năm gần đây giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam không còn giá trị gì. Giải nhảm từ lâu rồi...”.

Người này tiếp tục “mách”: “Có ông trong hội đồng thơ có tác phẩm tranh giải, khi người ta chấm cứ ngồi đấy, không chịu ra, khiến bà thư kí phải nhắc: Nếu anh dự thi thì anh đi ra đi”. Nhà văn Y Ban cũng từng rơi vào trường hợp có chân trong hội đồng văn xuôi nhưng lại có tác phẩm tranh giải: “… Tôi có tác phẩm dự thi thì không được bỏ phiếu. Tôi đứng dậy ra về. Có nhà văn ái ngại hộ tôi bảo, thôi cứ ngồi nghe cũng được. Thú thật là tôi cũng muốn nghe mọi người nhận xét về mình như thế nào nhưng lại nghĩ thế là làm khó mọi người”.

Ngay chuyện bỏ phiếu của ban giám khảo cũng được Y Ban miêu tả cặn kẽ trong thư ngỏ năm ấy: “Mùa giải năm 2012 tôi có tác phẩm dự thi. Ngày bỏ phiếu tôi cũng được triệu tập đến. Có 5 thành viên hội đồng có mặt. Nhà văn Bão Vũ có bản nhận xét và bỏ phiếu qua email. Nhà văn Thái Bá Lợi xin bỏ sau. Nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu qua điện thoại. Chị Tuyên (văn phòng Hội nhà văn-PV) nghe điện thoại nói lại, anh Tuấn bảo anh ấy bỏ tất cho mọi người vì… chưa kịp đọc. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cầm điện thoại nói với nhà văn Trần Văn Tuấn: Không bỏ thế được đâu. Ông đọc ai rồi thì bỏ. Nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ một phiếu duy nhất cho “Thành phố đi vắng” (Tác giả: Nguyễn Thị Thu Huệ, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012-PV)”.

 

Trò chơi hủy diệt cảm xúc.

 

Giải không có điều tiếng chắc gì đã hay ?! 

Hỏi một vị có quyền “cầm cân nảy mực”, vị này nói: “Các ông ở trên không can thiệp đâu. Tôi nói tiếng nói của tôi chứ có nói tiếng nói của ai đâu. Nhưng “nắn vía” nhau thì cũng có thể có. Ví dụ, tôi bỏ phiếu cho bạn tôi là đương nhiên. Cũng có thể người ta quí nhau người ta bỏ phiếu cho nhau”. Khi phóng viên hỏi tiếp: “Theo anh những người tham gia hội đồng chuyên môn hoặc có chân trong ban chấp hành có nên gửi tác phẩm tranh giải?”. Vị này cho rằng: Những nhà văn “có thế” hoàn toàn có thể gửi tác phẩm tranh giải, bởi “những người ấy có được bỏ phiếu đâu” và khẳng định “giải của hội không trắng trợn đến mức như dư luận nghĩ”. Tuy nhiên, người từng có “quyền sinh, quyền sát” với giải văn chương danh giá cũng thừa nhận: Câu chuyện giải thưởng văn chương ở ta quá phức tạp, vì bây giờ “ván đã đóng thuyền” nên ông  không thể phát biểu khác được.

Chúng tôi cũng có cuộc trò chuyện với nhà văn Đình Kính, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, cũng là người ẵm giải thưởng Hội Nhà văn khi còn đang ngồi ghế BCH. Tác giả “Sóng chìm” nhìn nhận lạc quan: “Nhìn chung các mùa giải thưởng là tốt nhưng tất nhiên có những vấn đề này kia. Ban giám khảo nào thì giải thưởng đó mà”. Về hiện tượng giải thưởng hay rơi vào “những người có tóc”,  nhà văn Đình Kính cho rằng: “Có một thực tế thế này, tác phẩm của người ta tốt, không may người ta ngồi chấm giải nhưng người có tác phẩm tham dự có được tham gia bỏ phiếu  đâu. Những người đã vào ban giám khảo thì thường trình độ chuyên môn cũng khá hơn, khi người ta khá thì có tác phẩm hay. Khi có tác phẩm hay vào đây thì bị mang tiếng”. Nhưng nhà văn Đình Kính cũng phải công nhận: Nếu những người có tác phẩm xứng đáng nhưng lại ngồi ở vị trí nọ kia mà tự nguyện rút ra khỏi danh sách đề cử thì quí hóa quá, tuyệt vời quá. Tuy nhiên, theo Đình Kính nhà văn “có vai vế” dự giải cũng chẳng có vấn đề gì. Ngay cả dư luận cảm thấy phản cảm cũng không sao: “Giải nào chẳng có ồn ào, Nobel còn thế cơ mà. Nếu một giải thưởng không có tiếng ra, tiếng vào chưa chắc đã hay đâu. Cứ phải có ý kiến nọ, ý kiến kia một tí mới có không khí văn chương”. Ông còn đưa ra lí do khác: “Nhiều khi cả tập thể người ta tôn vinh anh mà anh từ chối có khi là khiếm nhã. Tập thể tôn vinh, anh cứ nằng nặc rút ra, không hẳn đã cao thượng”.

Một nhà văn phản đối quan điểm của Đình Kính: “Giải thưởng mà người ta bàn về nó thì nó có chuyện, còn giải thưởng nhảm, giải thưởng ngoài văn chương thì trao nó chối chứ hay hớm gì”. Vị này còn mở rộng vấn đề: Chẳng riêng gì giải Hội Nhà văn, một số giải có “màu” quốc tế khác cũng thế, như giải Asean, giải Mekong, rất đáng bàn về chất lượng. Mặc dù, Hội Nhà văn Việt Nam, sau thư ngỏ của Y Ban, từng lên tiếng khẳng định qui trình xét giải thưởng là công khai, minh bạch, hoàn toàn không có cái gọi là “lợi ích nhóm”, các tác giả có tác phẩm tham dự giải không tham gia hội đồng Sơ khảo, Chung khảo… nhưng không xoa dịu nổi dư luận. Bởi những người lên tiếng không tâm phục giải thưởng của Hội Nhà văn lại không phải ai xa lạ, mà chính là những người “nằm trong chăn”.

 

Ông Lê Tiến Thọ xin rút tên khỏi ba giải thưởng 

Dưới sức ép của dư luận và nghệ sĩ, chiều ngày 3/11, ông Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xác nhận đã có đơn gửi Ban thường vụ Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam xin rút tên cá nhân khỏi giải thưởng đối với ba tác phẩm sân khấu năm 2016 bao gồm: tác giả vở cải lương “Hoàng thúc Lý Long Tường” (giải A), tác giả vở dân ca Huế “Vụ án Lệ Chi Viên” (giải B), đạo diễn vở tuồng “Thoại Khanh – Châu Tuấn”. 

Ông Thọ cho rằng, quyết định rút không nhận giải thưởng cá nhân của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là cần thiết để phá đi một thông lệ quen thuộc lâu nay không chỉ ở Hội mà cả ở một số hội khác.

Dù ông Thọ rút tên cá nhân khỏi giải thưởng, nhưng những tác phẩm trên vẫn giữ nguyên các giải thưởng đã được trao cho các thành phần tham gia sáng tạo khác.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh