Giải thưởng Cánh diều vàng 2015: “Sạn” sẽ được nhặt kỹ?
- Văn hóa - Giải trí
- 13:50 - 08/04/2016
“Cánh diều vàng” - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam lâu nay được xem là một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất ở nước ta, đựợc những người làm nghề và công chúng nồng nhiệt đón nhận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vị thế của giải thưởng này đang “xuống dốc không phanh” và không ít người đặt câu hỏi đầy hoài nghi “có nên tiếp tục tổ chức giải Cánh diều?”.
Còn nhớ, ở mùa giải trước, những lùm xùm đáng tiếc trong cách tổ chức, trao giải cũng như khâu hậu cần luộm thuộm đã làm giảm uy của một giải thưởng tầm cỡ quốc gia. Nói không ngoa, Cánh diều vàng vẫn được trao theo kiểu “ao làng” khi lên sóng trực tiếp cùng MC lúng túng như “gà mắc tóc”, âm thanh lúc được lúc mất, phần phát biểu của đại diện BTC dài lê thê, chiếm hết thời gian mà đáng lẽ nên dành cho các nghệ sĩ được vinh danh nói lên tâm tư của mình. Những “hạt sạn” trong khâu tổ chức vẫn có thể chấp nhận được nếu như chính những người trong nghề nồng nhiệt tham gia. Song, đạo diễn lễ trao giải Cánh diều vàng 2014 - nghệ sĩ Quyền Linh, từng nói anh đã “mất ăn mất ngủ” khi không mời được nghệ sĩ tham gia đêm trao giải, nỗi lo này thường trực và lớn hơn cả nỗi lo đi tìm kinh phí.
Sự thờ ơ của chính những người làm điện ảnh đối với một giải thưởng mang tính chất nghề nghiệp có thể nói là “nỗi buồn” lớn của ngành điện ảnh nước nhà. Vì sao lại nên nỗi? Phải chăng giải thưởng chưa thành công công với việc “đãi cát tìm vàng” để tôn vinh được những tác phẩm đáng được tôn vinh, chưa thực sự để những người trong nghề cũng như công chúng tâm phục, khẩu phục?.
Những năm gần đây, thị trường phim nhựa Việt đã khởi sắc do các đạo diễn từ nước ngoài trở về mang theo luồng gió mới cho những người yêu điện ảnh, khán giả cũng đã có thói quen đến rạp phim nhiều hơn, nhu cầu đỏi hỏi cũng khắt khe hơn về chất lượng phim. Ngoài ra, bài toán doanh thu, tính thương mại, kinh phí, sức cạnh tranh… buộc các nhà làm phim đều phải tính toán kỹ lưỡng và đầu tư cẩn trọng hơn. Nhưng vì sao họ vẫn chưa mặn mà với Cánh diều? Có lẽ một trong những nguyên nhân là giải Cánh diều vàng được tổ chức để trao cho các tác phẩm của năm trước đó, nhưng thực tế, trong các bộ phim được trao giải có những phim chưa kịp công chiếu, thậm chí có những phim được sản xuất trước đó 3 năm.
Không thể phủ nhận Giải Cánh diều lâu nay chưa tạo được hiệu ứng khán giả, trong đó có việc nhiều phim không đến được với công chúng một cách rộng rãi. Chính vì vậy, năm nay, thông tin của BTC Cánh diều vàng 2015 về việc chiếu phim truyện điện ảnh dự giải cho người xem, là tín hiệu tích cực trong công tác tổ chức giải thưởng. Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, Giải Cánh diều vàng năm nay sẽ được tổ chức ấm áp, chuyên nghiệp hơn, sẽ không có những “hạt sạn” đáng tiếc như mùa giải năm ngoái. Ngoài 18 phim điện ảnh, giải Cánh diều năm 2015 còn có 24 phim truyền hình, 37 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 33 phim ngắn và 6 công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh.
Cảnh trong phim “Người trở về”.
Tiêu chí để phim giành giải thưởng là có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
Trong số các phim truyện nhựa dự giải như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Người trở về”, “Quyên”, “49 ngày”, “Bộ ba rắc rối”, “Ngày nảy ngày nay”, “Ám ảnh”,” Siêu trộm”, “Trên đỉnh bình yên”, “Cuộc đời của Yến”, “Nhà tiên tri”… sẽ không khó dự đoán đâu sẽ là chủ nhân của các Cánh diều vàng 2015. Có thể thấy 3 ứng viên sáng giá nhất là: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Người trở về”, “Trúng số”.
Trong 3 ứng cử viên sáng giá, “Người trở về” chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh, kể về số phận một nữ bác sĩ thời hậu chiến với những nỗi đau trên cơ thể và sự tuyệt vọng trong tình yêu. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là hiện tượng của điện ảnh trong nước, được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạt doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Phim còn được xếp vào danh sách 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm và giành giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Trong khi đó, “Trúng số” của đạo diễn Dustin Nguyễn, cũng giành được nhiều thiện cảm của người yêu điện ảnh. Đây cũng là cơ sở để công chúng có quyền hi vọng Cánh diều vàng năm nay sẽ thực sự bay cao.
Trong lịch sử của giải Cánh diều vàng, có thể điểm danh “Trò đùa của Thiên lôi” được trao Cánh diều bạc 2003, đến 2007 vẫn chưa ra mắt khán giả. “Chuyện của Pao” được trao Cánh diều vàng 2005 khi chưa công chiếu. “Lọ lem hè phố” đoạt giải Phim có số lượng khán giả mua vé nhiều nhất của Cánh diều vàng 2006, được công chiếu từ 2004. Tương tự các phim “Hải quỳ”, “Đi trong giấc ngủ”, “Có một chuyến đi”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Đường thư”, “Cầu ông Tượng” dù tham dự Cánh diều vàng từ những năm trước, nhưng tới 2007 vẫn chưa đến với khán giả. Điều đáng nói, những phim đoạt giải cao nhất tại Cánh diều vàng: “Người đàn bà mộng du” (2003), “Thời xa vắng” (Cánh diều bạc, không có Cánh diều vàng – giải 2004), “Chuyện của Pao” (2005) đều là những phim thất bại về doanh thu. “Áo lụa Hà Đông” - một trong hai phim đoạt Cánh diều vàng 2006, là phim tư nhân đầu tiên đoạt giải, cũng là phim đầu tiên thành công về mặt thương mại. |