CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:20

Giải Cánh diều vàng 2015: Phim thương mại áp đảo

 

Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Tính đến thời điểm hiện tại có 19 phim truyện điện ảnh, 22 phim truyền hình, 37 phim tài liệu và 7 công trình nghiên cứu, phê bình điện ảnh tham gia dự giải Cánh diều vàng 2015. So với mọi năm, Cánh diều năm nay trao muộn hơn nhưng BTC giải cho biết chủ ý nhằm tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất phim Tết tham gia. Nhưng đến nay, con số 19/40 phim truyện điện ảnh của cả tư nhân và Nhà nước sản xuất trong năm 2015 tham gia tranh giải Cánh diều cũng là một điều đáng tiếc.

19 phim truyện điện ảnh tham dự giải năm nay phong phú về đề tài, trong đó nhiều bộ phim nghệ thuật từng đoạt giải ở kỳ LHP Việt Nam lần thứ 19, như:

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Người trở về”, “Cuộc đời của Yến”... Nổi bật trong mùa giải Cánh diều lần này là sự tham gia hùng hậu của các hãng phim tư nhân với những bộ phim thương mại áp đảo, ước tính chiếm 2/3 trong danh sách phim dự giải như: “Quyên”, “Gái già lắm chiêu”, “Trúng số”, “Mỹ nhân”, “Đời như ý”, “Siêu trộm”, “Bộ ba rắc rối”, “Ngày nảy ngày nay”, “Trót yêu”, “Bảo mẫu siêu quậy”, “Cầu vồng không sắc”. Bên cạnh đó cũng có những bộ phim được không ít khán giả đặt kỳ vọng sẽ tạo nên thành tích trong mùa giải năm nay, như: “Trên đỉnh bình yên”, “49 ngày”, “Nhà tiên tri”, “Người trở về”, “Đường xuyên rừng”, “Ám ảnh”… Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những dự án làm phim độc lập năm qua, dù rất phong phú và gặt hái thành công ở những LHP quốc tế, thu hút sự chú ý của khán giải trong nước, như “Cha, con và…” (đạo diễn Phan Đăng Di), “Một thành phố khác” (nhà làm phim Phạm Ngọc Lân)… lại không tham gia giải Cánh diều.

Không ít người yêu điện ảnh cảm thấy tiếc nuối khi bộ phim khuynh đảo phòng vé đầu năm 2016 với doanh thu gần 100 tỷ đồng sau một tháng công chiếu -“Em là bà nội của anh” lại không có mặt trong danh sách 19 phim điện ảnh tranh giải Cánh diều vàng 2015... Mặc dù được làm lại từ một phim nổi tiếng nhưng theo báo giới Hàn Quốc, “Em là bà nội của anh” còn hấp dẫn hơn cả bản gốc tại thị trường Việt Nam khi thu hút 1,4 triệu lượt khán giả đến rạp, đánh bật doanh thu các bộ phim Việt trước đó như “Để mai tính 2”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… lập kỷ lục phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam tính đến thời điểm này và được giới làm nghề đánh giá khá cao về chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, theo quy định phim chuyển thể, lấy ý tưởng từ nước ngoài thì không được tham dự giải thưởng của điện ảnh Việt Nam.

Cảnh trong phim  “Cuộc đời của Yến”.

Cánh diều vàng là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam nhằm tổng kết hoạt động sáng tác điện ảnh và truyền hình hàng năm.  Là một trong những giải thưởng điện ảnh lớn nhất và được coi là giải “Oscar của Việt Nam” với tiêu chí giải thưởng đề cao giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật và có tác động xã hội tích cực của tác phẩm.

Theo BTC, năm nay, ngoài giải Cánh diều vàng, giải Cánh diều bạc và Bằng khen cho nhiều thể loại phim như: Phim truyện nhựa, phim truyện video, phim truyền hình nhiều tập, phim khoa học...; Các tác phẩm sẽ được trao giải Công trình nghiên cứu, Lý luận, Phê bình điện ảnh và Truyền hình; giải cá nhân cho các thành phần sáng tác như: biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sỹ, nhạc sỹ, người làm âm thanh; giải Báo chí - phê bình Điện ảnh cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất do các nhà báo thuộc Câu lạc bộ báo chí điện ảnh bình chọn.

M.VŨ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh