THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:12

Giải quyết việc làm cho hơn 30.000 người lao động tại 69 làng nghề

 

Trong kế hoạch triển khai, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối đa dạng và ổn định, một số sản phẩm làng nghề có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của tỉnh và quan trọng nhất là tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 

Phát triển làng nghề cũng là giải pháp để người lao động có việc làm ổn định

 

Nhìn lại công tác phát triển làng nghề nông thôn ở Phú Thọ trong những năm qua có thể thấy, năm 2015 toàn tỉnh có 69 làng nghề nông thôn được công nhận, tổng số lao động trong các làng nghề là 30.740 lao động (tăng 14.550 lao động so với năm 2011), tổng doanh thu của các làng nghề là 1.141,15 tỷ đồng.

Trong con số ấn tượng ấy có thể kể đến nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (có các sản phẩm như: chè, bún, bánh, mì) với 38 làng nghề giải quyết việc làm cho 16.685 lao động, tổng doanh thu cả nhóm năm 2015 đạt 452,75 tỷ đồng. Hay như nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ (chuyên về như đồ gỗ, mây tre đan, dệt may...) cũng tạo được dấu ấn và chiếm vị trí quan trọng với 20 làng nghề, giải quyết việc làm cho 10.125 lao động và doanh thu cả nhóm năm 2015 đạt 488,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

phát triển làng nghề tại Phú ThọPhát triển làng nghề nông thôn đã góp phần tăng giá trị sản xuất hàng hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

 

Nhìn chung, các việc phát triển làng nghề nông thôn đã góp phần tăng giá trị sản xuất hàng hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đã đạt được, ngày 3/11/2016 UBND tỉnh Phú Thọ có kế hoạch số 5025/KH-UBND tiếp tục đẩy mạnh phát triển làng nghề. Theo đó, tỉnh yêu cầu cần phải chú trọng thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các nghề, làng nghề; Tăng cường đào tạo kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công, tổ chức các hoạt động hỗ trợ thiết kế cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, có biện pháp khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, tập huấn...; Chủ động tìm kiếm, phối hợp với các chương trình, dự án quốc tế để thu hút các chuyên gia và các tình nguyện viên về phát triển ngành nghề nông thôn, các chuyên gia về phát triển sản phẩm, chuyên gia kỹ thuật sản xuất và thị trường nhằm hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy các cơ sở dạy nghề và các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cũng khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất phát triển sản xuất, phát huy thế mạnh của mỗi làng nghề, phát triển mô hình liên kết sản xuất nhằm tập trung đầu mối quản lý và thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất và làng nghề về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các nhãn hiệu sản phẩm của làng nghề; Khuyến khích các làng nghề chủ động đa dạng hóa và đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu cho mọi đối tượng tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng ở từng khu vực thị trường, nhất là người tiêu dùng nước ngoài.  

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh