Du lịch làng nghề: Giàu tiềm năng, nghèo du khách
- Huyệt vị
- 04:53 - 25/10/2016
Manh mún, tự phát
Trong xu thế hội nhập và mở cửa, việc phát triển du lịch làng nghề là một trong những hướng đi của nhiều quốc gia. Bởi du lịch làng nghề không chỉ không chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội mà du lịch làng nghề còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng và cách sáng tạo sản phẩm thủ công của mỗi vùng, mỗi địa phương. Mỗi làng nghề đều chứa đựng bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng và thống nhất của văn hóa Việt. Thông qua du lịch làng nghề cũng là cách mang lại lợi ích kinh tế, khôi phục phát triển làng nghề cũng như giới thiệu sinh động về đất, nước và con người của mỗi vùng, miền, địa phương tới du khách trong và ngoài nước.
Ở Việt Nam, ngành du lịch và các địa phương đang nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng đầu tư khôi phục, bảo tồn, phát triển các vùng làng nghề, xây dựng tuyến du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm nhằm thu hút du khách, qua đó vừa giới thiệu bức tranh muôn vẻ của làng quê đất nước, vừa đẩy mạnh hoạt động kinh tế thông qua "xuất khẩu tại chỗ" các mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề ở nước ta vẫn còn thiếu chiến lược, kém hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, yếu kém lớn nhất của du lịch làng nghề là thiếu chiến lược lâu dài. Nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu, hầu như không được chú ý từ các cấp, bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, tại các làng nghề này chưa có những điều kiện để trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan nghèo nàn. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng. Bên cạnh đó, một số làng nghề hướng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông và môi trường còn nhiều bất cập.
Cần sự vào cuộc của các bên
Có thể thấy tiềm năng phát triển du lịch làng nghề là rất lớn, nhưng thế mạnh này lâu nay vẫn chưa được khai thác tốt vì nhiều lý do. Thực tiễn cũng cho thấy, với nhiều làng nghề, nhiều người thợ thủ công, những biện pháp, giải pháp mà cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương nêu ra là rất nhiều, có điều, để triển khai thực hiện, áp dụng vào thực tế thì họ lại không biết bắt đầu từ đâu.
Theo ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mặc dù phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa và xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn. Điểm chung của các làng nghề là thường nằm ở trung tâm hoặc gần đô thị lớn, trục giao thông đường bộ, đường sông, do đó rất thuận tiện cho việc xây dựng tuyến du lịch làng nghề. Tuy nhiên, những làng nghề đã thu hút nhiều du khách chỉ mang tính tự phát. Nguyên nhân chính là các ban, ngành liên quan thiếu sự phối hợp cần thiết trong xây dựng, quy hoạch du lịch làng nghề.
Còn TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để du lịch làng nghề phát triển, cần sự vào cuộc của nhiều bên. Các làng nghề cần có những phòng trưng bày hoặc những bảo tàng nhỏ của làng xã, giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, xuất xứ của sản phẩm và sự thay đổi mẫu mã qua các giai đoạn, những câu chuyện xung quanh những sản phẩm, ví dụ như bảo tàng nghề gốm cổ ở xã Kim Lan, Bảo tàng gốm tư nhân ở Bát Tràng, Hà Nội....
Về phía các hiệp hội, hội cần giới thiệu, quảng bá những mô hình phát triển du lịch làng nghề có hiệu quả, tổ chức những hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát hiện tiềm năng phát triển du lịch tại mỗi làng nghề; thực hiện các hoạt động sự kiện như hội chợ, triển lãm, thi tay nghề, tôn vinh nghệ nhân, các hoạt động văn hóa, Lễ Hội... nhằm tạo nên những dấu ấn vùng miền đặc sắc thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch bởi hệ thống giao thông liên xã, huyện, tỉnh là những công việc ngoài tầm với của cộng đồng các làng nghề, nhưng lại có tính quyết định cho việc phát triển du lịch làng nghề. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường cần có chính sách hạn chế những nghề gây ô nhiễm tại các làng nghề.