Giá thịt lợn tăng “phi mã”, nhiều thực phẩm, hàng quán tăng giá theo
- Huyệt vị
- 15:58 - 30/11/2019
Từ đầu tháng 11 đến nay, giá thịt lợn liên tục tăng nhanh. Tại nhiều địa phương, giá lợn hơi vượt mức 75.000 đồng/kg, thậm chí có nơi xuất bán với giá 80.000 đồng/kg. Mức giá cao kỷ lục này đẩy giá thịt lợn tại các chợ dân sinh ở Hà Nội lên mức rất cao, dao động từ 140.000 - 170.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng cao khiến cho các dịch vụ ăn uống chế biến từ thịt lợn cũng tăng theo. Những sản phẩm được chế biến từ thịt lợn như giò, chả, nem, xúc xích, ruốc… trung bình có mức tăng 20.000 - 40.000 đồng/kg.
Tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ ăn trên địa bàn Hà Nội, mức tăng giá phổ biến vào khoảng 3.000 – 7.000 đồng/suất. Bún mọc tăng khoảng 5.000 đồng/bát, dao động quanh mức 30.000 – 40.000 đồng/bát; bánh mì Doner kebab đang từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc đã tăng lên thành 25.000 đồng/chiếc; bánh mì pate chả ở mức 15.000 đồng/chiếc nay tăng giá lên 20.000 - 25.000 đồng/chiếc; bún chả đang có giá 25.000 đồng/suất đã tăng giá lên 30.000 – 35.000 đồng/suất...
Lý giải về việc tăng giá, chủ các quán ăn cho biết, đối với những món ăn mà nguyên liệu chủ yếu được chế biến từ thịt như: Bún chả, bánh mỳ kẹp thịt hay cơm bình dân không thể không tăng giá vì giá thịt tăng quá nhiều. Trước đây thịt lợn bán buôn cho các nhà hàng chỉ có giá từ 70.000 – 90.000 đồng/kg nhưng nay đã tăng lên thành 130 - 160.000 đồng/kg. Dù biết lên giá thì dễ mất khách nhưng nếu không tăng thì cửa hàng không có lãi vì chi phí đầu vào cao quá.
Các quán cơm bình dân cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng/suất. Bởi theo các chủ cửa hàng, nếu không tăng giá bán thì các chủ cửa hàng cũng phải rút bớt lượng thức ăn ở mỗi suất, để đảm bảo đủ chi phí và có chút lãi. "Với mức tăng 5.000 đồng/suất cơm bình dân, các chủ cửa hàng vẫn bị giảm lợi nhuận so với trước vì giá thịt quá cao. Cửa hàng phải "bấm bụng" để giữ khách", anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ cửa hàng cơm bình dân tại quận Cầu Giấy cho hay.
Không chỉ dịch vụ ăn uống tăng giá, các loại thực phẩm khác cũng đồng loạt tăng giá. Giá ngan tăng từ 55.000 đồng/kg lên thành 65.000 đồng/kg; giá vịt từ 45.000 – 50.000 đồng/kg tăng lên thành 60.000 đồng/kg; giá gà ta từ 80 - 90.000 đồng/kg tăng lên thành 120.000 đồng/kg; Khoảng 2 tuần nay, mỗi kg cá tăng thêm khoảng 10.000 đồng. Cụ thể, cá chép có giá 70.000 – 80.000 đồng/kg; cá trắm có giá 80.000 – 90.000 đồng/kg; cá rô phi có giá 55 – 60.000 đồng/kg… Thịt bò cũng có mức tăng từ 5.000- 10.000 đồng/kg.
Thịt lợn tăng giá nhưng với nhiều gia đình, dù muốn tiết kiệm chi phí bữa cơm gia đình cũng không thể bỏ món thịt lợn để chuyển sang các loại thực phẩm khác. Chị Mai Anh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, hai đứa con chị thích ăn thịt ba chỉ rán với sườn xào chua ngọt. Bình thường, đây là hai loại thịt đắt nhất, nay giá tăng cao khủng khiếp. Mỗi kg ba chỉ các chợ dân sinh bán 160.000 đồng, còn sườn thăn 170.000 đồng. So với các loại thực phẩm khác thì thịt lợn chiếm phần lớn trong bữa ăn hàng ngày.
Thông thường mỗi tuần gia đình chị ăn khoảng 4 ngày thịt lợn, còn lại là thịt gà, cá, thịt bò. Tính chung chi phí riêng tiền thức ăn hết khoảng 6 triệu đồng, trong đó, riêng tiền thịt lợn chiếm khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Giá thịt lợn tăng như hiện nay, mỗi tháng chị phải chi thêm tiền mua thức ăn khoảng 1 triệu đồng. "Dù thịt lợn đắt cũng không thể không mua mà chỉ có thể mua giảm lượng thịt mỗi bữa và mua thêm cá, gà để đảm bảo bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, hiện các mặt hàng thực phẩm khác cũng đang tăng giá theo giá thịt lợn nên hàng tháng tôi phải tốn thêm một khoản không nhỏ để đảm bảo chất lượng bữa ăn gia đình", chi Mai Anh nói.
Liên quan tới giá lợn tăng cao thời gian qua, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá lợn thịt một số nơi tăng cao phần chính không phải là do thiếu nguồn mà bởi khâu lưu thông và công tác thông tin… có vấn đề. Trong đó, đã có biểu hiện một bộ phận hộ chăn nuôi "găm hàng", tiểu thương thổi giá lợn lên cao vượt giá chủ lưu.
Để bình ổn giá cả mặt hàng thịt lợn, bảo đảm nguồn cung về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ ngành cần nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ tái đàn. Liên quan tới giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trên cơ sở an toàn sinh học, cần tập trung tăng đàn tối đa. Đối với các địa phương, không chờ hết dịch mới tái đàn, vì dịch tả lợn châu Phi sẽ còn tồn tại một thời gian dài.
Tuy nhiên, cũng không vì thiếu thịt mà tái đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát. Song song đó, bổ trợ thêm nguồn cung từ các loại thực phẩm khác. Cụ thể, nguồn cung gia cầm tăng 13,5%, gia súc ăn cỏ tăng 4,2%-4,5%, thủy hải sản tăng 6,5%. Do đó, thời gian tới nguồn cung có thiếu nhưng không nhiều và giá cũng sẽ không tăng đột biến. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, Ban Chỉ đạo 389 và Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn ra nước ngoài, cũng như nhập khẩu lợn không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ trong nước. Các bộ ngành tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn ngành hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan về tình hình giá thịt lợn và bình ổn thị trường mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ NN&PTNT triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh tình trạng lợi dụng đẩy giá lên cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.