THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:58

Gia tăng buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389, Tổng cục Hải quan) cho biết: Tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm (TPCN, MP, DP) có chiều hướng gia tăng, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín thương hiệu của nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước. Chỉ tính từ 15/7 đến 15/10/2015, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.619 vụ việc vi phạm liên quan, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 21 tỷ đồng.

Vận chuyển lậu bằng chiêu “khoán trách nhiệm” 

Theo BCĐ 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng này nở rộ trên tuyến biên giới, các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, tổ chức tập kết hàng hóa tại khu vực giáp ranh, tìm thời cơ vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, tập kết hàng hóa vào nhà dân, chợ b; xé lẻ hàng hóa, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác để vận chuyển, cất giấu trong hành lý, cất giấu trong các hầm, sàn bí mật được gia cố trên xe tải, xe khách...  Thậm chí “khoán trách nhiệm” từng cung đường cho đối tượng vận chuyển thuê; lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, chế độ hóa đơn chứng từ để thu gom, hợp thức hóa hàng lậu. Sau đó vận chuyển về các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh,... và các địa phương lân cận. Đặc biệt, tuyến cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, các đối tượng trà trộn trong các lô hàng nhập khẩu thông thường, cất giấu trong hành lý, bưu phẩm, bưu kiện... không khai báo, khai sai số lượng, chất lượng, phẩm cấp, xuất xứ...

Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng.

Để ngăn chặn tình trạng trên và góp phần thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Phó Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 389 quốc gia đã yêu cầu phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là TPCN, MP, DP. Sau thời gian tập trung thực hiện cao điểm đấu tranh đã đạt một số kết quả, bóc gỡ nhiều đường dây buôn lậu, vận chuyển, làm giả số lượng lớn...

Xử lý hơn 3.619 vụ việc

Theo đó, các BCĐ 389 địa phương đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.619 vụ việc vi phạm liên quan đến TPCN, MP, DP; thu nộp ngân sách 21,622 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,713 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tịch thu chưa tiêu hủy 14,8 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng. ‘‘Nhiều vụ việc vi phạm đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, trong đó có một số địa phương có kết quả nổi bật như  BCĐ 389 TP. Hà Nội đã kiểm tra 799 vụ, xử lý 655 vụ, phạt hành chính 5,14 tỷ đồng, giá trị  hàng hoá thu giữ hơn 12 tỷ đồng, khởi tố 2 vụ và 3 đối tượng; BCĐ 389 TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 511 vụ, phát hiện, xử lý 423 vụ vi phạm (trong đó có 12 vụ buôn lậu; 12 vụ sản xuất và 399 vụ kinh doanh hàng giả); thu nộp ngân sách ước đạt 5,4 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy 3,7 tỷ đồng”

Tại tỉnh Lạng Sơn, trong đợt cao điểm các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra 234 vụ, phát hiện vi phạm và xử phạt 114 vụ với 106 đối tượng vi phạm, tiền phạt vi phạm hành chính 495,4 triệu đồng, tịch thu, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá  hơn 13,3 tỷ đồng với 42 danh mục mặt hàng tương đương trên 200.000 đơn vị sản phẩm (lọ, hộp, tuýp, gói..) TPCN, MP, DP các loại, chủ yếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về nhãn hàng hóa... Còn tại tỉnh Quảng Ninh, đã kiểm tra 112 vụ, phát hiện và xử phạt 112 vụ với 99 đối tượng vi phạm, tổng số tiền vi phạm hành chính hơn 547 triệu đồng, tịch thu, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng với hàng chục danh mục mặt hàng là TPCN, MP, DP chủ yếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về nhãn hàng hóa. Tại tỉnh Quảng Trị, qua kiểm tra xử lý 174 vụ, tổng trị giá hàng hóa tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,5 tỷ đồng.

BCĐ 389 Bộ Y tế cũng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 140 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 3,2 tỷ đồng; thu hồi và đình chỉ giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc TPCN, MP, DP hàng trăm đơn vị và dừng lưu thông hàng nghìn sản phẩm vi phạm các quy định quản lý nhà nước.

Như vậy, dưới sự chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia và sự vào cuộc đồng bộ phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương, của cơ quan báo chí, quần chúng nhân dân, tình hình vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN, DP, MP đã giảm. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng cũng được nâng cao, đặc biệt đối với các nhóm mặt hàng liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như TPCN, MP, DP.

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh