THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:47

Quản lý thực phẩm chức năng: Chế tài còn thiếu và chưa đủ mạnh

Giá cả trên trời, chất lượng khó kiểm soát

Để chứng minh sự bùng nổ các sản phẩm thực phẩm chức năng trong những năm gần đây, TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, dẫn chứng: Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm thì đến năm 2010, đã  phát triển tới 1.626 cơ sở sản xuất với 3.721 sản phẩm, năm 2013 có 3.512 cơ sở sản xuất với hơn 6.800 sản phẩm thực phẩm chức năng. Đáng chú ý, sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chỉ là 1.333, còn lại hơn 5.500 sản phẩm là nhập khẩu, giá thành các loại thực phẩm chức năng kể cả nội và ngoại đều rất đắt. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đáng cho rằng, có 3 yếu tố khiến giá thực phẩm chức năng cao. Thứ nhất, do mức thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm tới 30%), thứ hai các nhà kinh doanh cũng muốn lấy lợi nhuận cao, thứ ba bản thân thực phẩm chức năng có hiệu quả, được sản xuất theo day chuyền khép kín hiện đại, áp dụng công nghệ nano, làm hóa lỏng nitơ để chiết xuất ra các hợp chất tự nhiên.

Một số thực phẩm chức năng trên thị trường.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50% được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều loại sản phẩm được doanh nghiệp quảng cáo không đúng với chức năng và chất lượng. Trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng, thì vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm. Qua kiểm tra 8 tháng năm 2015, lực lượng lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 2.000 vụ vi phạm. Riêng đợt cao điểm từ 15/7-15/8, đã xử lý trên 600 vụ, phạt hành chính 3,2 tỷ đồng, trị giá hàng thu giữ 10 tỷ đồng.

Lợi nhuận từ việc buôn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, cùng với việc còn thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ khâu nuôi trồng dược thảo đến cơ sở sản xuất, trang thiết bị cũng như các quy định về quản lý, đánh giá nguy cơ, bằng chứng khoa học... đang khiến ngành này phát triển tự do, người tiêu dùng khó thể biết chất lượng thực sự của các sản phẩm này.

Lực lượng Công an và Quản lý thị trường TP. Hà Nội bắt quả tang cơ sở chuyên sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn.

 

Xử lý vi phạm: Chế tài chưa đủ mạnh

Làm thế nào để quản lý chặt chẽ các quảng cáo “thổi phồng” sự thật về thực phẩm chức năng? Câu hỏi được đặt ra cho các nhà quản lý trong nhiều năm nay, chưa có lời giải thỏa đáng.  Ông Nguyễn Thanh Phong thừa nhận, việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay đang “thổi phồng”, không đúng với tính năng của sản phẩm. Để kiểm soát, lãnh đạo Bộ Y tế đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTT&TT) đề nghị xử lý những quảng cáo không đúng trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát vẫn hết sức khó khăn, do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực này rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, quy định quản lý việc sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam vẫn còn thiếu. Sản phẩm lưu hành trên thị trường chỉ dựa vào công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; việc đánh giá tính hiệu quả chủ yếu dựa vào bằng chứng kinh nghiệm thông qua tiếp xúc, từng trải trong áp dụng, mà thiếu những đánh giá về hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết, các mối nguy hại, độc tính gây ra. Mặc dù sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ, nhưng cho đến nay cơ quan chuyên môn vẫn chưa ban hành được tiêu chuẩn nào về thực phẩm chức năng. Các văn bản quản lý còn nhiều khiếm khuyết, quy định chung chung cho cả các loại thực phẩm. Yêu cầu điều kiện vệ sinh với các cơ sở sản xuất cũng rất đơn giản, từ nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ đến con người, không cần có trình độ kỹ thuật cao, cũng vẫn có thể sản xuất, chế biến.

Để quản lý chất lượng thực phẩm chức năng, theo ông Trần Đáng, cần áp dụng thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng (GMP). Hiện các nước EU, Canada, Nhật Bản, Australia, Thái Lan... đều quy định áp dụng bắt buộc áp dụng GMP cho sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm chức năng muốn nhập khẩu phải có chứng nhận GMP. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, áp dụng GMP không chỉ đảm bảo cho sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất an toàn, hiệu quả mà còn là công cụ để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu. Đồng thời xây dựng ngành thực phẩm chức năng ở Việt Nam trở thành ngành kinh tế - y tế, phát triển bền vững, lành mạnh vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành tiêu chuẩn về “Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng” sẽ được áp dụng vào năm 2018, khi đó chỉ những doanh nghiệp có đầu tư bài bản, sản phẩm mới được lưu hành trên thị trường.Thời gian từ nay đến năm 2018, Cục tiếp tục phối hợp các ngành chức năng liên quan tập trung rà soát, kiểm tra, xử lý mạnh tay các đơn vị vi phạm, công bố để người tiêu dùng được biết.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh