CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:24

Gia đình là nơi nuôi dưỡng trẻ tốt nhất

 

Mong muốn mọi trẻ em đều được sống trong gia đình

Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 170 nghìn trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Trên 22 ngàn trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc trẻ tập trung.

 

Trẻ em cần sự chăm sóc của gia đình, cộng đồng.

 

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, cần hạn chế mức tối đa việc chăm sóc thay thế trẻ em ở trong các cơ sở nuôi dưỡng tập trung mà ưu tiên chăm sóc thay thế tại gia đình. Điều này được quy định rất rõ trong Luật Trẻ em 2016 và trong Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Nghị định này cũng quy định chi tiết đối tượng trẻ em được nhận chăm sóc thay thế, quy trình chuyển đổi môi trường chăm sóc thay thế cho trẻ em, đặc biệt là chuyển đổi môi trường chăm sóc thay thế từ các cơ sở chăm sóc tập trung, cơ sở bảo trợ xã hội về gia đình.

Để trẻ em có được sự chăm sóc từ cộng đồng, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Đà Nẵng triển khai mô hình thí điểm chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại gia đình.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc chăm sóc thay thế hiện nay vẫn còn một số những khó khăn như: Nhận thức của cộng đồng về chăm sóc thay thế trẻ em còn hạn chế do hình thức chăm sóc này vẫn còn mới tại Việt Nam nên cộng đồng chưa tham gia nhiều, chủ yếu việc nhận nuôi trẻ vẫn chỉ là do người thân họ hàng, số lượng đối tượng là người khác trong cộng đồng chưa được áp dụng nhiều. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tại cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội còn thiếu các kiến thức, kỹ năng trong việc đánh giá trẻ em và gia đình nhận chăm sóc thế, kỹ năng giám sát đánh giá quá chăm sóc thay thế trẻ em tại các gia đình.

Qua thực tế kinh nghiệm của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới cho thấy, hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em bởi các cá nhân, gia đình, họ hàng hoặc các gia đình không có quan hệ họ hàng nhưng có tấm lòng thương yêu trẻ là hình thức chăm sóc tốt nhất, đảm bảo được nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Do đó, Cục trưởng Cục Trẻ em mong muốn, trong thời gian tới, nhận thức về vấn đề chăm sóc thay thế tại gia đình cho trẻ em sẽ có nhiều chuyển biến, để trẻ em được chăm sóc, yêu thương tốt nhất.

Sống trong môi trường gia đình, trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện

Theo Tổ chức Care For Children, khoảng 8 triệu trẻ em trên toàn thế giới hiện đang sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Hàng triệu trẻ sống trong các trại trẻ mồ côi và dưới các dạng chăm sóc tập trung khác thuộc nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em sống tại các trại trẻ mồ côi phải đối mặt với những thách thức to lớn về mọi mặt trong quá trình phát triển. Các cơ sở trợ giúp xã hội cũng là một thách thức về mặt quản trị và xã hội đối với các Chính phủ vì chúng làm hạn chế sự phát triển kinh tế-chính trị-xã hội của quốc gia.

Thay vì tập trung vào các trại trẻ mồ côi, Dự án của Care For Children được thiết kế nhằm giúp phát triển có hệ thống bao phủ trên phạm vi toàn quốc và trở thành một hệ thống phúc lợi tổng thể dành cho trẻ em, với mục đích giúp cho hàng nghìn trẻ em dễ bị tổn thương được đưa về sống tại các gia đình địa phương, được yêu thương và bảo vệ an toàn.

Ông Thomas Abbott, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, tổ chức Care For Children cho biết, Dự án Thí điểm mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và dễ bị tổn thương được triển khai tại Việt Nam trong 12 năm gồm 4 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Care for Children cùng với các đối tác thuộc Chính phủ khởi động dự án thí điểm với một số các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để thiết lập nên các mô hình thí điểm và xây dựng tài liệu, chương trình đào tạo về chăm sóc thay thế cho toàn quốc. Giai đoạn 2 sẽ triển khai toàn quốc thông qua một chương trình đào tạo chiến lược…

Khi trẻ sống trong môi trường gia đình, các em sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tinh thần, trẻ hòa nhập tốt hơn, chỉ số IQ, EQ phát triển tốt hơn khi được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng khi mà trẻ chưa có cơ hội được chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình thay thế.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh