CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:54

Tăng cường phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái

Còn khoảng trống pháp lý

Tại tọa đàm “Phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái – Nhận diện cơ hội và thách thức” do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới -  gia đình- phụ nữ và vị Thành Niên (CSAGA) cùng với các tổ chức thành viên thuộc mạng lưới GBVnet thực hiện mới đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã được đưa ra thảo luận nhằm làm rõ vấn đề nêu trên.

Theo báo cáo thống kê 5 tháng đầu năm 2018 toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.

Trong khi đó, theo kết quả công bố của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), có nhiều quan niệm lầm tưởng cho rằng, hiếp dâm là do người lạ gây ra, nhưng từ kết quả nghiên cứu của Cơ quan Phụ nữ LHQ (UN Women) tại Thái Lan và Việt Nam phát hiện ra: Ở Việt Nam 86% nạn nhân cho biết có quen biết với nghi phạm, còn ở Thái Lan tỷ lệ này là 91%.

Đánh giá về thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bà Nguyễn Vân Anh- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, trẻ em gái có nguy cơ bị xâm hại tình dục nhiều hơn trẻ em trai.

Theo luật sư Lê Luân cho biết “một khó khăn khác trong xử lý vụ việc là nhận thức pháp luật có sự khác biệt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các khái niệm pháp lý về hành vi dâm ô trẻ em còn chưa rõ ràng”.

Và để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự nêu rõ những khái niệm chưa rõ ràng và quy định theo hướng mở rộng nguyên tắc xác định chứng cứ, cách thức thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Đồng quan điểm đó luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, Bộ luật Hình sự nên có quy định cụ thể về hành vi “dâm ô”; giảm độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với tội dâm ô trẻ em.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, tội dâm ô chỉ áp dụng cho người đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội dâm ô không phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh này.

Theo ông Nguyễn Trọng An, chuyên gia quyền trẻ em ” một trong những bất cập hiện này là, trong quy định của bộ luật hình sự cũng như trong ngành y chưa có thang phân loại mức độ tổn thương về tâm lý, tinh thần. Trong khi trên thực tế, các tổn thương về tinh thần là rất nặng nề, dẫn đến trầm cảm, tâm thần phân liệt, thậm chí nhiều trường hợp đã tự tử ”.

Thay đổi nhận thức của cộng đồng

Trong bối cảnh Việt Nam với quá nhiều định kiến giới, việc giải quyết những vụ bạo lực tình dục càng trở nên thách thức hơn đặc biệt khi hành lang pháp lý về những vụ việc này vẫn còn gặp nhiều khúc mắc và rào cản với chính nạn nhân cũng như các bên liên quan trong tiến trình giải quyết.

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường Đại học Ngoại Thương cho biết” ở một khía cạnh nào đó minh bạch hóa thông tin sẽ bảo vệ được nạn nhân, minh bạch cũng sẽ tạo ra sự công bằng trong quá trình xử lý các vụ việc, khiến thủ phạm phải chịu đúng hình phát với mức độ mà mình phạm tội. Bản thân mỗi người trong xã hội phải luôn nghĩ rằng những nạn nhân của bạo lực tình dục có thể là con em mình, có thể là chính mình và mỗi một người phải thay đổi nhận thức đó và không thể ngồi im trước những hành vi phạm tội đó”.

Theo Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết “ Công tác phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái hiện này vẫn còn đó rất nhiều thách thức, nếu mỗi người trong xã hội nếu không làm gì mà chỉ để lại những coment đổ lỗi cho nạn nhân thì đấy chính là đang góp phần vào việc tăng tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái. Điều này, thể hiện xã hội còn quá nhiều định kiến cần phải thay đổi”.

Tuy nhiên, cũng theo bà Vân Anh, đi đôi với những tồn tại và thách thứ thì hiện nay, cũng đã có những dấu hiệu tích cực, nhất là từ những sự lên tiếng của dư luận xã hội liên quan đến các vấn đề xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Công tác phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái đã thực sự được các cơ quan chức năng quan tâm đẩy mạnh.

Và để có thể làm tốt công tác phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái, tạo ra một xã hội an toàn cho phụ nữ và em thì rất cần sự chung tay của toàn thể xã hội.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh