Giá dầu leo thang, chỉ số Dow Jones mất điểm vì tình hình Trung Đông căng thẳng
- Huyệt vị
- 21:26 - 04/01/2020
Theo tờ Vietnamplus (TTXVN), trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 233,92 điểm, hay 0,8%, xuống 28.634,8 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 23 điểm, hay 0,7%, xuống 3.234,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 71,42 điểm, hay 0,8%, xuống 9.020,77 điểm. Tuy nhiên, cả ba chỉ số đều bứt lên khỏi các mức thấp trong phiên.
Theo Dow Jones Market Data, mức giảm trên của chỉ số Dow Jones và S&P 500 là mạnh nhất kể từ ngày 3/12 và của chỉ số Nasdaq Composite là mạnh nhất kể từ ngày 2/12.
Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 mất 0,2% và chỉ số Dow Jones giảm hơn 0,1%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,2%.
Khả năng Iran đáp trả mạnh mẽ có thể khiến các nhà giao dịch vẫn lo ngại trong những ngày tới.
Mặt khác, số liệu về hoạt động chế tạo của Mỹ được công bố ngày 3/1 yếu hơn dự báo cũng cho thấy những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.
Theo Viện quản lý nguồn cung, chỉ số nhà quản lý mua hàng của lĩnh vực này tháng 12/2019 giảm xuống mức 47,2, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009, so với mức 48,1 của tháng 11/2019, có nghĩa hoạt động chế tạo vẫn tiếp tục giảm.
Trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu bị xáo trộn sau vụ Qasem Soleimani bị Mỹ tiêu diệt, giá dầu đã tăng hơn 3%, thông tin trên tờ Thời Đại.
Giá dầu đã tăng kỷ lục trong tháng 9 sau khi các cuộc tấn công vào hai cơ sở dầu của Ả Rập Saudi đã cắt giảm sản lượng trong một thời gian ngắn ở đất nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Theo nhà đồng sáng lập DataTrek Research, Nicholas Colas, những "cú sốc" về giá dầu gây thiệt hại nhiều nhất đối với nền kinh tế Mỹ. Ông cho rằng, giá dầu tăng là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thoái đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Gia tăng xung đột xảy ra ở khu vực Trung Đông cũng sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới các thị trường dầu, vàng cũng như chứng khoán và tài chính trên toàn cầu.
Cũng theo Thời Đại, các nhà phân tích cho rằng nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Động còn gây ra phản ứng dây chuyền đối với các nền kinh tế Nam Á bởi nguồn kiều hối từ các lao động làm việc tại nước ngoài.
Các nước Nam Á hiện có tổng cộng gần 20 triệu người lao động làm việc tại Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Oman và Bahrain với nguồn kiểu hối lên tới 131 tỷ USD năm 2019.