THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:44

Rủi ro khó lường về Trung Ðông trước nguy cơ xung đột toàn diện

Theo phóng viên TTXVN Cuộc không kích nhằm vào nhân vật quyền lực thứ 2 ở Iran cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng tự tin trong việc sử dụng sức mạnh quân sự

Căng thẳng tại Iraq xuất phát từ vụ quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích tại Iraq và Syria, nhằm vào nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah (KH) gồm chủ yếu là các tay súng người Hồi giáo dòng Shi'ite thân Iran, thành viên lực lượng bán quân sự Hashd al-Shaabi khiến 25 tay súng thuộc một nhánh của lực lượng này thiệt mạng hôm 29/12/2019. Phía Mỹ cho rằng KH đã gây ra vụ tấn công bằng rocket nhằm vào một căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh Kirkuk, miền Bắc Iraq ngày 27/12 làm một nhà thầu người Mỹ thiệt mạng và nhiều quân nhân Mỹ bị thương.

Rủi ro khó lường về Trung Ðông trước nguy cơ xung đột toàn diện - Ảnh 1.

Xe ô tô bốc cháy sau vụ không kích do Mỹ tiến hành tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 3/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cũng theo tờ Người lao động đăng tải, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 3/1 cam kết "trả thù tàn khốc" sau khi Mỹ không kích đoạt mạng Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

"Tất cả kẻ thù cần biết rằng con đường thánh chiến của người Hồi giáo sẽ tiếp tục với động lực gấp đôi và một chiến thắng chắc chắn đang chờ đợi những chiến binh trên con đường này" - ông Khamenei khẳng định, đồng thời tuyên bố quốc tang trong 3 ngày để tưởng nhớ Thiếu tướng Soleimani, được xem là "kiến trúc sư" của phần lớn chính sách Iran tại Trung Đông.

Trong khi đó, thủ lĩnh Hezbollah, ông Sayyed Hassan Nasrallah, tuyên bố phong trào này sẽ tiếp tục đi theo con đường mà Thiếu tướng Soleimani đã lựa chọn. Gọi cuộc không kích của Mỹ là "tội ác nghiêm trọng", ông Nasrallah khẳng định "trừng phạt là trách nhiệm của mọi chiến binh thánh chiến".

Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc trong một tuyên bố xác nhận Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad - Iraq, "để bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài bằng cách đoạt mạng Thiếu tướng Soleimani".

Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định họ lấy mạng Thiếu tướng Soleimani vì ông là người "tích cực lên kế hoạch tấn công nhân viên ngoại giao và quân nhân Mỹ tại Iraq nói riêng và Trung Ðông nói chung". Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Soleimani là người phê chuẩn các cuộc tấn công nhằm vào Ðại sứ quán Mỹ ở Baghdad hồi đầu tuần này.

Theo Sputnik, cuộc không kích của Mỹ khiến tổng cộng 10 người thiệt mạng, trong đó có ông Abu Mahdi al-Muhandis, Chỉ huy phó của Lực lượng Huy động Nhân dân Iraq (PMF).

Hãng tin AP nhận định cái chết của Thiếu tướng Soleimani và ông al-Muhandis có thể là bước ngoặt mới trên bàn cờ chính trị Trung Đông, đánh dấu một sự chuyển biến đáng chú ý của chính sách Mỹ đối với Iran sau nhiều tháng căng thẳng, từ "duy trì sức ép tối đa" bằng lệnh trừng phạt kinh tế chuyển sang đáp trả quân sự. Cuộc không kích nhằm vào Thiếu tướng Soleimani còn cho thấy Tổng thống Donald Trump ngày càng tự tin trong việc sử dụng sức mạnh quân sự.

"Đợt không kích này không đơn thuần là một cú đấm khiến Iran "chảy máu mũi". Nó là một hành động phô diễn sức mạnh quân sự, một hành vi khiêu khích công khai có thể châm ngòi cho một cuộc chiến khác ở Trung Ðông" - chuyên gia phân tích Stephen Innes, Công ty AxiTrader (Úc), khẳng định.

Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp đặt câu hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi ra lệnh không kích hay không.

"Thiếu tướng Soleimani là kẻ thù của Mỹ. Điều này không cần bàn cãi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là - theo nhiều nguồn tin - phải chăng Mỹ vừa đoạt mạng nhân vật quyền lực thứ hai của Iran khi chưa được Quốc hội cho phép, dù biết rằng hành động này có thể châm ngòi một cuộc chiến khốc liệt trong khu vực?" - Thượng nghị sĩ Chris Murphy viết trên mạng xã hội Twitter.

THANH MẠNH (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh