CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Iran tuyên bố trả thù Mỹ vụ Tướng Soleimani bị sát hại

Iran tuyên bố trả thù Mỹ vụ Tướng Soleimani bị sát hại - Ảnh 1.

Người dân Iran phản đối Mỹ (nguồn: ĐCSVN)

Iran sẽ trả thù như thế nào?

Thông Tấn Xã Việt Nam phân tích, tấn công vào các lực lượng và cơ sở Mỹ tại Iraq là khả năng cao nhất. Tehran đã có hơn 15 năm xây dựng mạng lưới rộng khắp giữa các nhóm vũ trang và chính trị gia ở Iraq. Đầu tuần này, trước khi ông Soleimani bị giết, Iran đã nhanh chóng huy động các nhóm ủy nhiệm ở địa phương, tiến hành biểu tình dữ dội trước Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Và lúc này, họ sẵn sàng ném găng tay thách đấu.

Trong cuộc không kích giết chết ông Soleimani, Mỹ cũng đã sát hại người đứng đầu lực lượng dân quân thân Iran, Kataib Hezbollah, ông Abu Mahdi al-Muhandis và một số nhân vật cấp cao khác của Iran ở Iraq. Kataib Hezbollah chịu trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ. Tất nhiên, cái chết của ông ta sẽ không thể được để yên. Các lực lượng vũ trang thân Iran ở Iraq sẽ tức giận trả thù cho lãnh đạo của họ.

Trong khi đó, việc giết ông Suleimani chỉ có khả năng củng cố hơn "bàn tay" chính trị của Iran. Nhiều chính trị gia Iraq có mối quan hệ chặt chẽ với Iran, sẽ đứng trước áp lực cao hơn phải hất cẳng lực lượng Mỹ khỏi đất nước.

Các lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan và Syria cũng đối mặt rủi ro, dù họ đều phòng vệ tốt trước các mối đe dọa từ IS và Taliban. IRGC và các tổ chức ủy nhiệm có thể tấn công các đại sứ quán Mỹ và nhiều mục tiêu khác liên quan tới chính phủ. Năm 1983, nhóm Hezbollah từng đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Beirut và các doanh trại Thủy quân lục chiến Mỹ tại đây làm 220 binh sĩ và hàng chục công dân Mỹ khác thiệt mạng.

Chưa hết, thường dân Mỹ cũng đối mặt nguy hiểm. Một số nhóm ủy nhiệm của Iraq thiếu năng lực tấn công vào các mục tiêu được bảo vệ cao, vì thế họ có thể nhắm vào các mục tiêu thường dân.

Mặc dù Iraq nhiều khả năng sẽ tấn công trả đũa, nhưng quy mô và phạm vi của phản ứng đáp trả sẽ rất khó dự đoán. Phe cứng rắn ở Tehran đã kêu gọi phải buộc Mỹ trả giá. Ngoài ra, một cuộc xung đột với Mỹ có thể là cách hiệu quả để làm chệch hướng sự chú ý tới nền kinh tế đang sụt giảm kéo theo các cuộc biểu tình ở nước này.

Tuy vậy, Iran từ lâu đã thừa nhận sức mạnh quân sự yếu hơn Mỹ, và giới lãnh đạo hiểu rằng nếu đối đầu tổng lực, họ chỉ có thể gánh thất bại. Trong nhiều năm đối đầu, Tehran thường chỉ thông qua các tổ chức ủy nhiệm để chống Mỹ. Chưa rõ cách thức này có được sử dụng để trả đũa cho cái chết của Tướng Suleimani hay không.

Trong một diễn biến khác, theo báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, tại Tehran, hàng nghìn người biểu tình đã tràn ra đường để phản đối Mỹ, coi hành động của Mỹ là một "tội ác". Những người biểu tình mang theo di ảnh của Thiếu tướng Qassem Soleimani và hô vang khẩu hiệu: "Nước Mỹ chết đi".

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA cho biết những cuộc biểu tình tương tự đã xảy ra tại các thành phố Arak, Bojnourd, Hamedan, Hormozgan, Sanandaj, Semnan, Shiraz và Yazd.

Tin tức về cái chết của Thiếu tướng Soleimani, một trong những quan chức quyền lực nhất Iran, cũng khiến người dân nước này tập trung về quê nhà ở Kerman của ông để chia buồn.

Iran tuyên bố trả thù Mỹ vụ Tướng Soleimani bị sát hại - Ảnh 2.

Người biểu tình đốt cờ Mỹ và Anh ở Tehran. Ảnh AP

Mỹ Chuẩn bị gì cho căng thẳng leo thang?

Vậy chính quyền Mỹ chuẩn bị thế nào cho sự leo thang căng thẳng. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, điều mà Mỹ cần nhất lúc này là sự phối hợp của các đồng minh, những lực lượng cần thiết để ngăn chặn Iran, giúp bảo vệ các cơ sở Mỹ và chia sẻ gánh nặng. Thật không may là chính quyền Tổng thống Trump đã gây hiềm khích với nhiều đồng minh truyền thống thuộc NATO, Australia và các nước khác

Ở Trung Đông, chính quyền Mỹ đã từ chối trả đũa sau khi Iran tấn công một cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, ám chỉ thông điệp rằng Vương quốc này phải tự mình đảm bảo an ninh. Mỹ cũng đứng nhìn Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE thực hiện các mục tiêu chéo nhau tại những quốc gia như Syria và Libya, thay vì tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình. Vì thế không rõ liệu lúc này các đồng minh có còn hào hứng sát cánh với Washington hay không.

Chính Tổng thống Trump đã không giấu diếm mong muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông. "Chúng ta đang rút đi. Hãy để người khác chiến đấu trên vùng cát vấy máu này. Công việc của quân đội chúng ta không phải là làm sen đầm của thế giới", ông tuyên bố.

Tuy nhiên, bằng cách ám sát Tướng Soleimani, Mỹ có thể phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Họ có thể tiếp tục ở lại Trung Đông với một lực lượng tương đối hạn chế triển khai ở Iraq, Syria và Afghanistan, và như thế sẽ rất dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của Iran. Hoặc Mỹ có thể rút quân thêm nữa, tự làm suy yếu ảnh hưởng của mình và trao cho Iran thêm quyền lực trong khu vực.

Thông tin trên tờ Một Thế Giới, trang CNBC dẫn bốn nguồn tin quan chức cho biết gần 3.500 binh sĩ thuộc sư đoàn dù 82 của Mỹ chuẩn bị được triển khai đến Iraq, Kuwait và một số quốc gia khác – bổ sung cho 700 quân đồn trú Kuwait hiện tại – nhằm đối phó mối đe dọa tại khu vực. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu công dân nước này lập tức rời khỏi Iran.

Không chỉ Mỹ, Đại sứ quán Pháp tại Iran cũng ban hành khuyến cáo: "Trong ba ngày Iran để tang tướng Soleimani, công dân Pháp nên tránh tụ họp, hành xử thận trọng, không chụp ảnh nơi công cộng".

Lời đe dọa trả đũa từ chính quyền Tehran còn khiến một đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Trung Đông và là kẻ thù hàng đầu của Iran lo ngại. Đội ngũ quan chức quốc phòng Israel vừa tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Trước đó Thủ tướng Benjamin Netanyahu lên tiếng ủng hộ chiến dịch không kích mà Mỹ thực hiện.

CT (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh