THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:31

Giá đất ‘trên trời’, gia đình lao động nhập cư ‘nhắm mắt làm liều’ để có nhà ở

Nhắm mắt làm liều

Anh Đoàn Thanh Nhàn, quê TP An Nhơn, tỉnh Bình Định, vào TP.HCM lập nghiệp đã 7 năm nay, nhưng phải nhờ đến khoản tiền bạc tỷ hỗ trợ từ cha mẹ nên cuối năm ngoái mới mua được một lô đất rộng 80 m2 trong một dự án ở huyện Bình Chánh. Hiện anh đang xây nhà với tổng chi phí dự kiến không dưới 1 tỷ đồng nữa.

Không may mắn khi có gia đình hỗ trợ như anh Nhàn, ở cách đó không xa là một “khu quy hoạch” tự phát, với mấy chục căn nhà diện tích chỉ 25-40 m2 xây không phép, mỗi căn một kiểu, khiến cả xóm trông rất xập xệ, nhếch nhác.

Mới đây, trong khi căn nhà đang dần thành hình của anh Nhàn “bình an vô sự” thì khu nhà gần đó bị chính quyền địa phương phá bỏ vì xây dựng không phép. Những gia chủ mặt mày thất thần, khóc lóc sướt mướt vì xót của. Một người phụ nữ khoảng 40 tuổi than thở: “Vô Sài Gòn làm ăn cực nhọc, mồ hôi nước mắt không biết bao nhiêu mà kể mới có được căn nhà, vậy mà giờ bị đập mất, gia đình tôi biết sống ở đâu, làm gì để sống trong những ngày tới?”.

Một căn nhà xây không phép đang xây dựng ở huyện Hóc Môn

Đó chỉ là một trong rất nhiều “khu dân cư” tự phát được xây dựng trong những năm qua ở các quận, huyện vùng ven TP.HCM. Chủ nhân của những căn nhà ở đó phần lớn là công nhân lao động nghèo hoặc người lao động tự do từ các tỉnh khác đến Sài Gòn lập nghiệp.

Anh Sơn – quê Nghệ An, chủ một căn nhà 30m2 ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết: “Vợ chồng tôi vô Sài Gòn được 8 năm, trước đây toàn đi ở thuê nên cuộc sống không ổn định, nhất là con cái phải liên tục chuyển chỗ học mỗi khi chuyển nhà trọ. Tích cóp mãi, cộng với tiền vay mượn từ họ hàng chúng tôi mới có được 600 triệu đồng để mua miếng đất này. Tuy diện tích nhỏ và ở vùng hẻo lánh, nhưng căn nhà đó quả thực là niềm mơ ước lớn lao của vợ chồng tôi”.

Những căn nhà “3 chung” (chung giấy chứng nhận QSDĐ, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà) thực chất là biến tướng nhà không phép tại ấp 6, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).

Anh Sơn nói rằng, mảnh đất anh mua là đất nông nghiệp. Vì không rành rẽ “đường đi nước bước” nên khi tìm mua đất, anh phải “cậy nhờ” đến những người môi giới. “Khi chỉ tôi mua lô đất này, tay môi giới nói rằng mặc dù là đất nông nghiệp, nhưng vẫn được xây nhà và về sau vẫn có thể làm sổ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở). Tin lời hắn tôi mới mua. Vả lại, mình cũng chỉ có chừng đó tiền, trong khi đất có đầy đủ giấy tờ khu vực này toàn bạc tỷ, mình lấy đâu ra. Ai ngờ khi đã mua rồi, lên xã hỏi thì mới được biết đất đó nằm trong quy hoạch, không được phép xây cất. Mặc dù vậy, do quá bí bách về nhà ở cho gia đình nên sau đó tôi vẫn cứ… xây đại căn nhà cấp 4. Thôi thì cứ chấp nhận ở như vậy, chừng nào chính quyền họ nói gì thì mình tính sau, chứ không còn cách nào khác”, anh cho biết.

Những ngày qua, gia đình anh lo lắng thực sự khi thấy cán bộ địa chính của xã lui tới xem xét, còn một số người hàng xóm “đồng cảnh ngộ” thì rỉ tai nhau “sắp có đoàn kiểm tra của thành phố xuống, có khả năng bị đập nhà”.

Tiền mất tật mang vì “cò”

Không chỉ dừng lại ở lo lắng như gia đình anh Sơn, những ngày qua đã có nhiều căn nhà không phép của các gia đình lao động nhập cư ở xã này bị đập bỏ. Theo nhiều người dân trong vùng, chuyện xây nhà không phép trên đất nông nghiệp không còn là chuyện lạ ở đây. “Nhiều người dân nhập cư vô đây làm ăn, có được ít tiền nhờ “cò” dắt đi tìm đất mua để cất nhà. Không có kinh nghiệm về đất đai nên “cò” nói gì họ tin nấy, không hỏi người dân “cố cựu”, cũng chẳng hỏi ủy ban xã. Rõ ràng là khu đất nông nghiệp đã quy hoạch để chuẩn bị cho dự án đô thị hóa, vậy mà họ vẫn cứ “cắm đầu” mua. Mà cả mấy trăm triệu một lô chỉ 30-40m2, đâu có ít tiền”, chị Quỳnh My, nhân viên một doanh nghiệp BĐS hoạt động ở khu vực này, chia sẻ.

Cưỡng chế phá bỏ nhà xây không phép ở huyện Bình Chánh

Hỏi một số chủ nhà xây không phép ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, họ nói rằng, “cò” không chỉ giới thiệu chỗ để mua đất, mà còn “bao” luôn cả việc xây dựng. “Họ khẳng định rằng, việc xây nhà của chúng tôi sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào. Để chúng tôi tin tưởng, họ còn đưa ra rất nhiều giấy tờ, hợp đồng của nhiều khách hàng khác.

Đang trong tình trạng bí về nhà ở, tiền chỉ có chừng đó, nên chúng tôi “nhắm mắt” xuống tiền. Đúng là chỉ ít lâu sau căn nhà được xây dựng xong, chẳng thấy cán bộ nào xuống “hỏi thăm”, nhưng ở chẳng được bao lâu thì chính quyền địa phương ra thông báo buộc tháo dỡ. Không chỉ riêng tôi, mà 4 gia đình khác ở quanh đây cũng chung cảnh ngộ”, anh Mai Văn Thới, quê Quảng Ngãi, kể.

Gia đình anh Thới hiện đã dọn đi chỗ khác để thuê nhà, nhưng vẫn có một số gia đình vì quá khó khăn, đành dựng lều ở tạm ngay trên “tàn tích” ngôi nhà của chính mình.

Một gia đình vẫn cố dựng lều "bám trụ" sau khi nhà bị cưỡng chế giải tỏa

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có mối liên hệ giữa “cò” đất với một số cán bộ, nhân viên ở UBND các xã, phường, nơi có nhiều công trình xây dựng không phép mọc lên. Chính nhờ “có quan hệ” nên những đối tượng “cò” mới “dàn xếp” để người mua đất có thể xây dựng nhà trót lọt. Theo báo cáo từ Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, hầu như năm nào tại 2 huyện Bình Chánh và Hóc Môn cũng xảy ra tình trạng xây dựng không phép. Đã có không ít cán bộ, nhân viên của chính quyền quận, huyện, xã, phường bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố vì những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, xây dựng.

Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, kể cả khi nhiều căn nhà xây không phép đã bị phá bỏ, nhiều gia đình người lao động nghèo nhập cư rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Bởi nhu cầu nhà ở của họ là vô cùng bức thiết, trong khi ngoài việc “liều mạng” mua đất giá rẻ để xây nhà không phép, họ gần như không có giải pháp nào khác để lựa chọn.

 

Giải pháp nào để người lao động nhập cư có nhà ở?

Thực trạng này không khỏi khiến những người có trách nhiệm của thành phố nhận thấy cần có những điều chỉnh để giảm bớt thiệt hại cho người dân. Như ý kiến của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: “Theo quy hoạch sử dụng đất, đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn, chỉ tiêu cho phép về mật độ xây dựng rất ít. Trong khi đó, quy mô dân số phát triển “nóng”, nhu cầu nhà ở tăng đột biến, buộc nhiều người phải chấp nhận xây dựng không phép, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì họ chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhất vì tài sản bị đập bỏ. Từ việc này, cần xem xét lại quá trình quy hoạch cho hợp lý hơn”.

Cần có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề nhà ở cho các gia đình lao động nhập cư

Ở góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề xuất giải pháp đầu tư loại hình nhà ở cho thuê có thời hạn dài, giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của các gia đình người lao động. “Để ổn định lâu dài, người lao động có thể thuê những dự án nhà ở dài hạn. TP HCM đã có doanh nghiệp thực hiện mô hình cho thuê 20 năm, 49 năm và mỗi tháng người thuê chỉ trả từ 2 triệu đồng trở đi hoặc trả một khoản rồi trả góp dần”, ông Châu cho biết.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh