THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:09

Nhà ở cho công nhân: Nghịch lý thừa, thiếu

 

Thiếu tiện ích

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 61 nghìn công nhân, trong đó số lao động từ các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… chiếm hơn 40 nghìn người. Số còn lại là người Hà Nội, nhưng trong số này cũng có khoảng một nửa đến từ các huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức cách xa nơi làm việc, cho nên nhu cầu về chỗ ở của công nhân rất lớn.

 

 

Trước đây, các công nhân phải tự tìm thuê nhà trọ tại các xã chung quanh khu công nghiệp, chủ yếu là ba xã: Kim Chung, Hải Bối và Võng La, để thuận tiện cho công việc hằng ngày. Tuy nhiên, do số lao động tập trung quá lớn gần gấp ba lần số dân của xã, dẫn đến quá tải hệ thống hạ tầng cơ sở, xã hội của ba xã trên. Nhiều vụ việc mất an ninh trật tự, trộm cắp tài sản… thường xuyên xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư dự án thí điểm xây dựng nhà ở phục vụ công nhân tại xã Kim Chung. Dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một xây dựng 24 khu nhà năm tầng, với gần 1.000 căn hộ, tổng cộng gần 9.200 chỗ ở. Giai đoạn hai gồm ba khối nhà cao 15 tầng, với gần 550 căn hộ, đáp ứng hơn 2.350 chỗ ở cho công nhân. Ngoài ra, trong khu nhà ở còn một số hạng mục phụ trợ như nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, vườn hoa, thảm cỏ… Nhiều doanh nghiệp lớn như Canon, Panasonic, Fuji… đã thuê cả tòa nhà bố trí cho công nhân ở, giúp họ yên tâm, gắn bó lâu dài với công ty.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng đã phát sinh một số bất cập tại các khu nhà như: tình trạng thấm dột tại các tòa nhà như D1, D2, D3, C2, N2, nước sinh hoạt yếu, phòng đông người ở, phức tạp, không thuận tiện trong sinh hoạt, cho các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể, thủ tục đăng ký thuê trọ vào ở còn phức tạp, các công trình phụ trợ, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong các dự án nhà ở xã hội cho nhân tại các KCN còn hạn chế khiến nhiều công nhân không mặn mà với chung cư cho công nhân.

Anh Nguyễn Chí Dũng, quê Bắc Giang là công nhân Công ty Fuji chia sẻ lý do không lựa chọn ở trong dự án nhà ở công nhân: “Công nhân lao động phần lớn đều là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Họ có nhu cầu đi chơi, tụ tập, giải trí… mà các ban quản lý khu nhà khống chế thời gian đi về là việc khiến họ rất khó chấp nhận. Ngoài ra việc tiếp bạn bè, người thân đến thăm cũng bị giới hạn, kiểm soát hoặc phải vào khu tiếp khách riêng nên mất đi sự riêng tư. Đây chính là lý do tôi và nhiều công nhân khác lựa chọn các phòng trọ của dân để ở”.

Tăng nhu cầu căn hộ gia đình

Lý giải về việc còn tồn khoảng hơn 20% diện tích nhà ở xã hội thuộc giai đoạn 1 và 75% diện tích nhà ở trong giai đoạn 2 chưa đưa vào sử dụng, ông Trần Anh Dũng - Phụ trách Phòng Quản lý nhà thuộc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đơn vị quản lý các nhà xã hội KCN Bắc Thăng Long cho biết cho biết: Theo thiết kế của giai đoạn 1, khu nhà ở xã hội Kim Chung (hoàn thành năm 2013) có 24 đơn nguyên nhà 5 tầng gồm 1.084 phòng với 9.168 chỗ ở.

 

 

Tuy nhiên, trên thực tế, Xí nghiệp mới cho thuê 849 phòng (chiếm 78,3%) với 6.778 chỗ ở (gần 74%). Giai đoạn 2, Hà Nội tiếp tục xây dựng 3 khối nhà với 4 đơn nguyên 15 tầng (hoàn thiện trong tháng 9/2014) với 448 phòng. Trong đó, theo thiết kế, 2 tòa (CT1A và CT1B) dành cho hộ gia đình thuê và 2 tòa (CT2 và CT3) dành cho hộ độc thân thuê. Nhưng đến nay, Xí nghiệp mới tạm thời đưa vào khai thác và sử dụng 112 căn hộ tại tòa CT1A, 3 tòa còn lại vẫn chậm trễ trong việc phê duyệt giá thuê nhà và giá dịch vụ.

Đối với hơn 20% diện tích đơn nguyên nhà 5 tầng bị “ế”, theo ông Dũng, những căn hộ này được thiết kế quá rộng, dành cho 18 - 24 người/phòng. Theo kế hoạch, khi các khu nhà ở này đưa vào sử dụng thì kèm theo cả các công trình phụ trợ phục vụ dự án như nhà trẻ mẫu giáo, công viên cây xanh, bãi đỗ xe tập trung. Tuy quỹ nhà đã đưa vào vận hành nhưng các hạng mục trên vẫn chưa hề có. Đó là chưa kể đến thiết kế của khu nhà NO-01 và NO-02 khi đưa vào khai thác không phù hợp với thực tế. Đơn cử như một phòng ở sức chứa hơn 20 công nhân nhưng khu phụ lại quá nhỏ chỉ có 2 chậu rửa mặt, 2 bệ xí nên không đáp ứng được. “Công nhân đi làm theo ca, ví dụ 7h sáng tất cả đều dậy đi làm mà người này cứ chờ người kia để vào vệ sinh cá nhân thì sẽ muộn giờ”.

Ông Dũng cho biết thêm: Hiện có gần 400 đơn xin thuê trọ xếp hàng chờ chưa được xem xét, bố trí cho thấy nhu cầu về nhà ở xã hội đang rất lớn. Đáng chú ý là nhu cầu thuê nhà theo hộ gia đình công nhân đang tăng cao, xu hướng thuê trọ theo diện hộ đơn thân giảm mạnh.

 

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, hiện có khoảng 2,6 triệu công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp và hàng triệu công nhân, lao động tại nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các cụm công nghiệp nhỏ và vừa. Trong số đó, có tới khoảng 75% là các lao động ngoại tỉnh và ngoại huyện. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% trong tổng số 2,6 triệu lao động là có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Hiện có khoảng 87 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được xây dựng tại các khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ. Ngoài ra, có khoảng 64 dự án với quy mô khoảng 69.300 căn đang được triển khai. Tuy nhiên, đó vẫn là con số rất khiêm tốn và chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho khoảng 2,4 triệu công nhân còn lại.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh