THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Khóc trước Chủ tịch tỉnh để xin xây nhà ở cho công nhân

Ông Phạm Văn Tứ (áo trắng) và công nhân Công ty Thuận Phong đang sản xuất bánh tráng xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: C.H

4 năm, ước muốn cho công nhân một… chốn nương thân

Ông Tứ phát biểu: “Ngày xưa gia đình tôi rất nghèo, tôi từng đi làm thuê. Tôi không có được hôm nay nếu không có cách mạng và những người công nhân (CN) gắn bó với tôi. DN tôi phát triển được là nhờ CN… Biết được tỉnh có khu đất quy hoạch làm nhà ở xã hội, dành cho người có thu nhập thấp, cách đây 4 năm, tôi đã xin tỉnh được mua lại, rồi xin cấp hoặc cho thuê, nhằm xây dựng khu nhà ở cho CN. Tất cả chỉ mong muốn giúp CN thoát kiếp ở trọ tồi tàn. Vậy mà giờ đây, ước nguyện tự bỏ tiền xây nhà ở cho CN, tôi vẫn chưa làm được, vì chưa có đất…”. Ông Tứ đã bật khóc ngay trước mặt ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh - cùng đại diện các sở, ban, ngành và DN khác ở tỉnh Tiền Giang.

Thật vậy, Cty Thuận Phong (KCN Mỹ Tho, xã Trung An, TP.Mỹ Tho) có khoảng 1.600 CN, chuyên sản xuất - xuất khẩu bánh tráng, bún tươi, hủ tiếu… sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… Đại đa số CN phải thuê nhà trọ. Hằng tháng, Cty Thuận Phong trợ cấp tiền thuê nhà trọ cho CN hàng trăm triệu đồng (bình quân 200.000 đồng/CN/tháng). Mặc dù vậy, trước cảnh sống tồi tàn của cả ngàn CN tại các phòng trọ (diện tích 16-20m2), từ năm 2013, ông Tứ đã gửi văn bản xin UBND tỉnh Tiền Giang “xin chia lại” 2ha đất trong số 18ha của Quân khu 9 giao lại UBND tỉnh quản lý (ở xã Trung An, TP.Mỹ Tho), để “thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở CN”. Tuy nhiên, thời gian kéo dài hơn 4 năm, mong ước có đất để xây nhà ở cho CN của ông Tứ vẫn… mù khơi.

Nhiêu khê, đỏ mắt với… 1,9ha đất xây nhà ở cho CN (?)

Không hề nản chí, vào tháng 11.2016 và ngày 12.2.2017 vừa qua, ông Tứ tiếp tục gửi đơn tới UBND và cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang “xin cấp/thuê đất xây nhà ở miễn phí cho CN”. Theo ông Tứ: Năm 2016, UBND tỉnh Tiền Giang đã có quy hoạch chi tiết khu đất 18ha nói trên. Trong đó, có 3,1ha dành làm khu nhà ở xã hội, nhà ở CN. Cty Thuận Phong đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương cấp hoặc thuê 19.490m2 đất tại khu vực trên. Sau đó, Cty Thuận Phong xây dựng khu nhà ở miễn phí cho CN Cty Thuận Phong. Trong đó, bao gồm 6 block nhà cao tầng (1 trệt, 4 lầu), với 184 căn hộ (90m2/căn). Tổng diện tích sàn xây dựng là 4.721,1m2. Ngoài ra, khu dự án nhà ở CN này còn có nhà để xe (555,3m2), nhà ăn tập thể (566m2), công viên cây xanh, khu thể thao đa năng (6.932,6m2), sân đường nội bộ (6.682,7m2) v.v…

Trong bối cảnh Nhà nước và xã hội chưa thể lo được nhà ở cho CN, với việc Cty Thuận Phong đầu tư xây nhà ở miễn phí cho CN, cần phải khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ. Lạ lùng thay, khi Cty Thuận Phong xin chủ trương giao đất xây nhà ở CN, ngày 6.11.2013, UBND tỉnh Tiền Giang đã ra văn bản số 5133/UBND-CN, với nội dung: “… không chấp thuận đề nghị của Cty Thuận Phong về xây dựng nhà ở cho CN”.

Cty Thuận Phong hiện có hơn 1.600 công nhân và đa số đều phải thuê nhà trọ để ở. Ảnh: CAO HÙNG

Ông Phạm Văn Tứ nói: “Một văn từ chối… vô cảm. Suốt thời gian qua, chúng tôi vẫn kiên trì tiếp xúc lãnh đạo tỉnh, mong xem xét lại… Nhưng đến nay, vẫn chưa được trả lời. Chúng tôi cam kết sẽ tự bỏ tiền ra để xây dựng nhà cho CN, với giá trị khoảng 100 tỉ đồng và không thu lại bất cứ khoản tiền nào từ CN”. Ông Tứ cho biết thêm, Cty Thuận Phong còn đầu tư sang tỉnh Bến Tre. Dù không nằm trong khu công nghiệp, nhưng chính quyền tỉnh Bến Tre vẫn cấp cho Cty 1,8ha đất sạch để xây dựng nhà ở cho CN tại tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, việc cấp 1,9ha đất để xây nhà ở cho CN ở tỉnh Tiền Giang, thì ngược lại, quá… nhiêu khê.

Giao đất cho DN xây nhà ở CN, vì sao khó khăn?

Ngay tại buổi tiếp xúc với DN vào sáng 29.4, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã đồng ý giao 1,1ha đất cho Cty Thuận Phong xây nhà ở CN. Tuy nhiên, theo đại diện Cty Thuận Phong, chỉ với 1,1ha đất (tức còn thiếu 0,8ha), dự án nhà ở CN của Cty không thể thực hiện. Vì thiết kế dự án phải đủ 1,9ha, thì khu nhà ở CN mới khả thi. Trên thực tế, khu đất 18ha dành một phần rất nhỏ (1,1ha) cho xây dựng nhà ở CN; trong khi đó, UBND tỉnh Tiền Giang lại dành tới 3,41ha cho xây dựng “nhà ở thương mại”, 0,51ha làm “đất thương mại - dịch vụ”, 1,1ha là “đất sử dụng hỗn hợp”…

Câu hỏi đặt ra: Tại sao không điều chỉnh cắt bớt một phần diện tích đất “nhà ở thương mại”, hoặc “đất thương mại - dịch vụ” hay “đất sử dụng hỗn hợp” để bổ sung, nâng diện tích đất nhà ở CN, đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở CN của Cty Thuận Phong, thay vì “đóng khung” chỉ 1,1ha? Phát biểu tại buổi tiếp xúc, không thấy ông Hưởng đề cập tới việc giảm diện tích đất tại các khu chức năng “đất ở thương mại” sang cho “nhà ở CN”. Trái lại, ông Hưởng cho rằng: “Vấn đề xây dựng nhà ở CN không đơn giản như ý kiến của Cty Thuận Phong. Đất này không thể đưa về cấp cho người lao động xây nhà được. Theo quy định về xây dựng, đất sạch của Nhà nước không thể giao cho riêng một DN”.

Trong khi đó, ông Tứ phát biểu: “Chính sách là áp dụng chung, không phải chỉ riêng tỉnh Tiền Giang. Tại sao ở Bến Tre, họ cấp cho DN tôi 1,8ha đất làm nhà CN, dù DN tôi không nằm trong khu công nghiệp. Chẳng lẽ Bến Tre họ cấp sai? CN Thuận Phong cũng là CN, tại sao lại có sự phân biệt? Nếu không lo cho CN, 100 tỉ đồng tôi bỏ ngân hàng kiếm lãi 600 triệu đồng/tháng. Đằng này, tôi đã dám bỏ 100 tỉ đồng xây dựng nhà cho CN ở miễn phí, mà có mảnh đất tí xíu, chính quyền lại đắn đo, không giải quyết; làm sao có thể nói là nỗ lực hết mình chăm lo cho đời sống của giai cấp CN?”.

Trả lời PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho rằng: “Chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến của cơ quan chức năng trong tỉnh, xem xét giải quyết 0,8ha đất còn lại cho dự án nhà ở CN của Cty Thuận Phong trong 15 ngày. Hết sức chia sẻ với các bức xúc của ông Tứ, nhưng đây là đất sạch do Nhà nước quản lý, nên mọi việc giao, cấp đất phải dựa trên căn cứ quy định của luật pháp”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh