THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:35

GDP năm 2017 tăng kỷ lục đạt 6,81%

 

Một trong những chỉ tiêu kinh tế quan trọng được quan tâm là tăng trưởng GDP liệu có đạt được mức mà Quốc hội đã phê duyệt hay không. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%. 

“Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016 khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.

Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. 

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (0,79 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 8,98% so với mức tăng 6,70% của năm 2016, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07% (mức tăng cao nhất kể từ năm 2011), đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Tính chung cả năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016.

Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%.

Có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2017, trong đó chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân năm giảm 2,6% so với năm 2016 (chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống); các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

 

 

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh