CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:55

Tạo nhiều việc làm mới: quan trọng hơn cả tăng trưởng GDP

 

Sáng 1/4, thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội (KTXH) 5 năm qua và kế hoạch giai đoạn 2016- 2020, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với những thành tựu, hạn chế mà Chính phủ báo cáo. Các ĐB đánh giá, tình hình KTXH của đất nước 5 năm qua có những chuyển biến nhất định, sức mạnh của nền kinh tế được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện so với những năm đầu nhiệm kỳ; lao động (LĐ) việc làm, an sinh xã hội (ASXH), chính sách người có công được thực hiện tốt… Tuy nhiên, theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) tình trạng tham nhũng, lãng phí lan rộng, không chỉ đơn lẻ ở một cấp, một ngành, mà đã thành “thông lệ” ở một số ngành. Đây cũng là phiên thảo luận về tình hình KTXH sau cùng của Quốc hội khoá XIII.


Dấu ấn đảm bảo an sinh xã hội

ĐB Bùi Mạnh Hùng cho rằng, thời gian tới cần đặt vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu bởi việc này nguy hiểm đến sự hưng thịnh của quốc gia. Về chống lãng phí thì kết quả và giải pháp rất yếu. “Tôi chưa thấy ai bị sa thải, bị xử phạt vì lãng phí”, ông Hùng nêu. Cùng với đó, ông Hùng bày tỏ quan ngại nợ công ngày càng cao. “Nhưng sự tăng trưởng kinh tế chỉ hợp lý khi xuất phát từ sức mạnh nội lực nền kinh tế”, ĐB Hùng khẳng định.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, tham nhũng lớn, tham nhũng vặt khắp nơi. Không những thế, ĐB Tiến thẳng thắn đề cập về việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển KTXH, “nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện là những rào cản, barie làm vô hiệu hóa”…

Bên cạnh các vấn đề tham nhũng, lãng phí, nhiều ĐB khác tỏ ra khá điềm tĩnh và lạc quan khi nhìn vào các thành quả về ASXH, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công… đạt được trong 5 năm qua. ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, trong bản đánh giá bổ sung cần phân tích làm rõ hơn những lĩnh vực mà ngành LĐ-TB&XH đã làm tốt.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương đánh giá cao công tác an sinh xã hội, áp ứng được các mục tiêu giảm nghèo bền vững, chú trọng giảm nghèo nhanh ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt các vùng khó khăn...

Trong 5 năm qua, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), chúng ta đã triển khai thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển thiên niên kỷ của LHQ. Trong bản đánh giá bổ sung kết quả KTXH giai đoạn 2011- 2015, cho thấy ASXH được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7- 2%, riêng các huyện nghèo giảm 5%. Tạo việc làm cho trên 1,62 triệu người.

“Như vậy chúng ta tiếp tục phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là chính sách với người có công; tập trung giải quyết việc làm, nhất là khu vực nông thôn. Trong công tác giảm nghèo, đáp ứng được các mục tiêu giảm nghèo bền vững, chú trọng giảm nghèo nhanh ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt các vùng khó khăn”, ĐB Cương ghi nhận. 

Về điều này, tại phiên thảo luận ở hội trường, cũng được ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh thêm: “Chính phủ đã điều chỉnh mở rộng phạm vi đối tượng cho vay hộ nghèo; nâng mức vay, kéo dài thời hạn cho vay, góp phần giảm nhanh hộ nghèo của cả nước. Ngân sách nhà nước chi cho ASXH tăng lên (năm 2012 chiếm 5,86% GDP, đến nay chiếm gần 7%)- là cơ sở để Chính phủ tập trung đầu tư có trọng điểm hơn, quan tâm hơn đến các vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo”. 

Cùng với đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng bày tỏ sự vui mừng về việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giảm nhanh sự chênh lệch giàu nghèo. Chuẩn nghèo thay đổi phương thức công tác nghèo đa chiều, nhằm tiếp tục nâng cao mức sống cho người dân, đặc biệt, ông Lợi nhấn mạnh: “các chính sách xã hội về nhà ở cho người nghèo, người có công được quan tâm giải quyết, không ngừng được cải thiện. QH đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội cho người có mức lương thấp, đem lại niềm tin cho nhân dân”.

Tạo nhiều việc làm mới: quan trọng hơn cả tăng trưởng GDP

Tuy nhiên, ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đang đặt ra cho QH và Chính phủ giai đoạn 2016- 2020. “Tăng trưởng kinh tế chậm và chưa bền vững; Tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn giai đoạn trước; năng suất LĐ thấp, trong khi tiền lương tăng bình quân 8%/ năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; chi phí nhân công, giá thành sản phẩm chiếm 18,3% cao hơn các nước trong khu vực, cho thấy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta là rất thấp”, ĐB Lợi lo lắng. 

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, quan tâm tạo việc làm, phải là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển KTXH 

Cùng với đó, theo ĐB Lợi, chất lượng nguồn nhân lực có tăng nhưng không đáng kể, và LĐ Việt Nam giai đoạn tới sẽ phải đối mặt với dịch chuyển nhân sự nội khối AEC, TPP, đòi hỏi Chính phủ phải nghiên cứu, đánh giá chủ trương, cam kết LĐ, có các chính sách phù hợp, đáp ứng cho LĐ thời hội nhập cả về các cơ chế chính sách lẫn “nội lực hóa” các tiêu chuẩn quốc tế.

Về điều này, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng cho rằng, thất nghiệp, thiếu việc làm đang là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế. Do đó, ông đưa ra khuyến nghị, trong giai đoạn 2016- 2020, để giải tỏa áp lực này, nền kinh tế phải tạo ra hàng chục triệu việc làm mới trong 5- 10 năm tới. Và theo ĐB “đây phải là 1 nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển KTXH hàng năm và 5 năm”. ĐB Lộc nhấn mạnh: “Chất lượng nguồn lực ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, và ổn định chính trị- thậm chí, chỉ tiêu về nhiệm vụ này còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ tăng trưởng GDP hay tăng thu ngân sách”, và đây phải được coi là “yêu cầu sống còn của nền kinh tế”. Để làm được điều này, theo ĐB Lộc, Chính phủ phải xác định được lộ trình và các chỉ tiêu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chứ không phải “đẻ ra”rồi để đấy, nhưng lại “mẹ hát con khen hay” như lâu nay vẫn diễn ra…

Về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tới (2016- 2020), Chính phủ đặt chỉ tiêu:

 Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất LĐ xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm...

Về xã hội: đến năm 2020, tỉ lệ LĐ nông nghiệp trong tổng LĐ xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ LĐ qua đào tạo đạt khoảng 65- 70%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm…

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh