Gặp người đúc 1.000 tượng mẹ Âu cơ làm quà tặng APEC
- Văn hóa - Giải trí
- 14:06 - 25/07/2018
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề đúc đồng
Chúng tôi có dịp về thăm cơ sở đúc đồng nổi tiếng của gia đình nghệ nhân Nguyễn Bá Châu vào những ngày cuối tháng 7. Nhâm nhi chén trà, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu tâm sự: Nghề đúc đồng là nghề gia truyền có từ nhiều đời nay của gia đình ông. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc tưởng phải bỏ nghề, nhưng từ tình yêu nghề, sự sáng tạo đã giúp nhiều thế hệ trong gia đình ông “thổi hồn” vào những tuyệt tác được “thượng đế” trong và ngoài nước đón nhận.
Ông Châu kể, nghề đúc đồng của gia đình đã lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ. Bản thân ông thành công đến ngày hôm nay cũng là nhờ vào sự “truyền lửa” của bố mình trước đó. Ông vẫn nhớ như in kỷ niệm vào năm 1969, khi đó ông mới 7 tuổi, bố ông đang là Chủ nhiệm HTX đúc đồng Thiệu Trung thì được Phòng Công thương của huyện giao đúc pho tượng đồng Bác Hồ theo mẫu do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ tạc bằng đất. Ông kể: “Bố tôi cùng với mười mấy gia đình lần đầu tiên đúc pho tượng đồng nặng 470 kg. Bố tôi chỉ đạo trực tiếp nấu rất nhiều nồi đồng nhỏ và rót vào khuôn với sự cẩn trọng cao độ. Hiện bức tượng Bác Hồ vẫn đang lưu giữ tại UBND huyện Thiệu Hoá”.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu bên tác phẩm 1.000 tượng mẹ Âu cơ
Trước đây, nghề đúc đồng ở xã Thiệu Trung chủ yếu sản xuất các đồ gia dụng, thị trường tiêu thụ hẹp, mẫu mã chưa hấp dẫn nên vào những năm 1987 – 1988, nghề đúc đồng tại địa phương này gần như mai một và gặp khó khăn trong một thời gian dài. Đến năm 2000, từ các trống đồng khai quật được ở nhiều nơi trong cả nước, ông Châu đã mạnh dạn làm thử trống đồng và đã thành công.
Lúc đầu ông làm trống cỡ nhỏ có đường kính khoảng 20cm, sau này hàng trăm chiếc trống đồng khác đã được ra đời – ông chính là người đầu tiên ở làng nghề đúc đồng Thiệu Trung làm thành công trống đồng sau hàng nghìn năm lịch sử bị thất truyền và tặng sản phẩm đầu tay cho UBND tỉnh Thanh Hoá. Từ đó, nghề đúc đồng truyền thống ở địa phương này bất đầu được khôi phục, sản phẩm trống đồng ông sản xuất được nhiều nơi trong cả nước đặt hàng, nghề đúc đồng truyền thống của xã Thiệu Trung cũng phát triển mạnh từ đó, nhiều sản phẩm mới cũng được ra đời.
Năm 2001 nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã mở 3 lớp đào tạo, truyền lại nghề cho 300 học sinh là con em trong xã, giờ đây nhiều học trò được ông đào tạo trở thành nghệ nhân nổi tiếng, trong đó có cả con trai ông là Nguyễn Bá Quý hiện đang chờ để được phong tặng danh hiệu nghệ nhân.
Nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Bá Châu là nhắc đến những sản phẩm tinh hoa, những tuyệt tác có một không hai. Nhiều sản phẩm ông “thổi hồn” đã được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, như trống đồng kỷ lục lớn nhất Việt Nam: Trống cao 1,6 m, rộng 2,4 m đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai; sản phẩm đôi tượng thần đèn ngồi quỳ là 1 trong 30 báu vật quý của Việt Nam được xác lập kỷ lục Guinness là sản phẩm mới nhất Việt Nam, hiện đang được lưu giữ tại chùa Đông Sơn, phường Hàm Rồng TP.Thanh Hoá. Ngoài ra, ông còn đúc trống đồng ngang 2 mặt có đường kính 1,4m, trống đánh kêu to như trống da hiện vật này đang được lưu giữ tại Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng, TP.Thanh Hoá.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã “thổi hồn” vào những tuyệt tác mẹ Âu cơ có một không hai.
Tác giả của 1.000 tượng mẹ Âu cơ làm quà tặng cho APEC
Năm 2017, Việt Nam tổ chức các sự kiện APEC với 21 nước tham gia. Tượng mẹ Âu cơ được Chính phủ Việt Nam lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự hội nghị Cấp cao APEC. Hàng chục nghệ nhân đến từ mọi miền của đất nước đã được mời đến để đúc mẫu và tuyển chọn. Đơn vị nắm giữ bản quyền độc bản Việt Nam đưa ra tiêu chí, đúc mẫu tượng mẹ Âu cơ và công bố rộng rãi đến các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực đúc đồng ở các làng nghề ở các tỉnh như: Nam Định, Huế, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Ngũ Xá…
“Nhiều nghệ nhân vào cuộc làm thử nhưng không thành công. Tôi là người làm cuối cùng, khi đúc xong mấy pho tượng mẫu, ban tổ chức hội nghị Cấp cao APEC 2017 đưa ra so sánh với sản phẩm của các đơn vị cùng đăng ký thi tài và tôi may mắn được lựa chọn” - ông Châu tự hào. Vượt qua hàng chục nghệ nhân trong cả nước, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu được giao trọng trách đúc 1.000 tượng mẹ Âu cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự hội nghị Cấp cao APEC.
Theo nghệ nhân Châu, tượng mẹ Âu cơ là pho tượng rất có ý nghĩa, được thiết kế đứng trước biển với 3 người con, tượng trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phía sau thân tượng ban đầu thể hiện cánh đồng lúa nhưng cuối cùng được thiết kế dải trứng, nòng nọc tượng trưng cho việc duy trì giống nòi. Mẹ Âu cơ đội mũ lông chim, đeo khuyên tai, vòng cổ, mặc áo yếm, váy thổ cẩm; các con đóng khố… Tất cả các pho tượng được làm phương pháp đúc thủ công.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu bên những tuyệt phẩm để đời.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu tâm sự, là người duy nhất được lựa chọn, ông rất vui!. Đây là niềm vinh dự rất lớn, xong trách nhiệm cũng rất nặng nề. Ông Châu xác định trong số 1.000 tượng mẹ Âu cơ, không được phép để lỗi bất cứ pho tượng nào, phải cẩn trọng từng chi tiết. Không xứng danh là một nghệ nhân, 1.000 pho tượng mẹ Âu cơ lần lượt được ra đời đúng như kỳ vọng của đơn vị đặt hàng. Sau khi hoàn thiện, có rất nhiều người tâm đắc, ngưỡng mộ, ngợi khen sản phẩm bức tượng mẹ và ngỏ ý muốn mua nhưng ông Châu không thể bán, tặng. Ông bảo, đó là bức tượng độc bản, độc quyền, không ai được sản xuất. Mỗi pho tượng đều được đánh số từ 0001 đến 1.000. Tượng cao 30 cm, nặng 2,6 kg/1 tượng được đúc bằng 66% nguyên liệu đồng và vàng, 34% hợp kim.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu trao đổi với PV về những nét hoa văn, độc đáo trên trống đồng.
Trao đổi với PV, ông Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho biết: “Nghề đúc đồng ở Thiệu Trung đã có từ nhiều đời nay, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu là một trong những nghệ nhân đúc đồng có nhiều tài năng, kinh nghiệm được các bậc cao niên trong làng nghề của xã đánh giá cao. Nghệ nhân Châu cũng chính là người đã vực dậy làng nghề truyền thống đúc đồng trong lúc khó khăn nhất. Ông còn là người truyền nghề cho hàng trăm lao động trong xã, đa phần họ đều đã trưởng thành và sống tốt với nghề, trong số đó có nhiều người đã trở thành nghệ nhân. Nghề đúc đồng không phân biệt độ tuổi lớn nhỏ, nhưng phải nói lao động đang là bài toán của địa phương khi số người trẻ đam mê với nghề đúc đồng ngày một giảm”.
Cũng theo ông Lạc, để nghề đúc đồng truyền thống của địa phương ngày càng phát triển, xã cũng đã được tỉnh phê duyệt và cho quy hoạch trên diện tích 5,7 héc ta cho cụm làng nghề, trong đó có cả nghề mộc, cơ khí… Nghề đúc đồng có 22 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ từ 10-20 lao động, thu nhập từ nghề đúc đồng chiếm hơn 50% tổng thu nhập trên địa bàn xã.
Còn ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội di sản văn hoá Lam Kinh ghi nhận và đánh giá cao tâm sức của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu. Đây là niềm vinh dự của những nghệ nhân đúc đồng truyền thống xứ Thanh. Những thành quả của nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã đóng góp quan trọng vào sự hồi sinh, phát triển làng nghề đúc đồng truyền thống theo phương pháp thủ công Trà Đông.