THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:20

Gặp mặt 20 nhà giáo dục nghề nghiệp xuất sắc

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng tặng hoa nhà GDNN

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng tặng hoa nhà GDNN

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh, 20/11 là ngày đặc biệt với mỗi người dân Việt Nam.Việc tôn vinh nhà giáo luôn nằm trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Trong sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống GDNN, nhà giáo GDNN phát huy được lợi thế của mình trước đòi hỏi của xã hội.Góp phần đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, thích ứng với đòi hỏi của thị trường trong bối cảnh 4.0

Chia sẻ về niềm đam mê đối với nghề,  thầy Ngô Chí Phương – Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thủy sản Bắc Ninh cho biết: Tôi đã có trên 20 năm làm nghề giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực thủy sản. Nghề của chúng tôi là “Nghề quần đùi áo bông, cho cá đẻ vào mùa đông”. Tôi chỉ mong ước con cháu mình sau này mưa nắng biết chui vào nhà, nghề của chúng tôi mưa nắng phải ra ao vì mưa nắng dẫn tới dịch bệnh chết rất nhiều, độ mẫn cảm cao với thời tiết, mưa là chết, 2-3 giờ đồng hồ hàng tấn tôm chỉ còn vỏ.

Thầy Phương tâm sự về duyên đến với nghề nuôi trồng thủy sản: “Khi tôi  ngồi trên ghế nhà trường, thầy hỏi sau này có ai muốn làm thầy giáo thủy sản hay không? Tôi không nghĩ sau đó vài năm làm thầy giáo thật. Tôi không bao giờ phải hối hận vì lựa chọn này vì cái nghề làm thầy giáo thủy sản vất vả, nhưng rất vinh quang. Vinh quang khi dạy nhiều lớp dạy nghề, 1 năm trên dưới 2000 người, 20 năm hơn 4 vạn người. Học trò đặc thù, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tuy nghề khó khăn nhưng có rất nhiều niềm vui: cho con cá đẻ thành công, mang đến sản phẩm mới cho người sử dụng, dứt khoát tuần nào cũng ăn cá, mỗi con cá mình ăn là giúp cho người  nông dân.”

Cô Hà Thị Thu Quỳnh - Cao đẳng y tế Đồng Nai chia sẻ: Tôi đã công tác trong nghề được13 năm, trước đây nhiều người nói rằng nghề giáo vô cùng nhàm chán vì có 1 giáo án sử dụng đi sử dụng lại. Quá trình đứng trên bục giảng tôi rất tự hào khi được chăm sóc người phụ nữ ở những giai đoạn khác nhau trong hành trình làm mẹ suốt cuộc đời (chăm sóc sức khỏe sinh sản). Ngoài việc là 1 giảng viên truyền đi kiến thức, kỹ năng thì còn phải truyền đi nhiệt huyết và sự yêu thương với người bệnh tới học sinh Có một chữ để mình làm nghề tới ngày hôm nay là chữ “tâm”, nhờ đó mà vượt qua mọi gian nan và vững vàng đến giờ.

Thầy Trương Trí Thông – Trường Cao đẳng Kiên Giang - Thầy giáo duy nhất của miền Tây Nam bộ tham dự buổi gặp mặt. Thầy hiện đang công tác và giảng dạy nghề Du lịch khách sạn nhà hàng. Thầy tâm sự: trước khi đến với nghề giáo tôi làm việc tại KS Mường Thanh Cần Thơ. Cuối năm 2018 về công tác  tại Trường Cao đẳng Kiên Giang. Ban đầu về trường chưa bắt nhịp kịp công việc giảng dạy, tuổi thì ngang các sinh viên, thậm chí nhiều thầy cô khuyên nên về làm nghề để lo cho gia đình chứ đừng làm nghề giáo. Nhưng vì đam mê nên tôi vẫn quyết tâm theo nghề. Tôi rất tâm đắc với chương trình cao đẳng 9+, tính nhân văn, học sinh vừa học tiếp chương trình THPT, vừa có bằng trung cấp nghề. Qúa trình công tác tôi nhận thấy có một số khó khăn nhất định, đối với học sinh hệ chuyển tiếp về tâm sinh lý đang không rõ ràng. Trong quá trình giảng dạy nghề du lịch tôi thấy, cần  cho sv đi thực tế nhiều hơn....

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các nhà GDNN xuất sắc

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các nhà GDNN xuất sắc

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng biểu dương thành tích mà giáo dục nghề nghiệp đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng mong rằng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát huy những thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý, góp phần thiết thực vào đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; các thầy, cô giáo không ngừng cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, sứ mệnh và vị thế của các thầy, cô giáo đóng vai trò then chốt cho dù trong thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi về quan niệm so với truyền thống nhưng vai trò truyền cảm hứng từ các thầy, cô giáo thông qua con đường giáo dục của các thầy, cô giáo thì không một tiến bộ nào xóa bỏ được. Cho dù quá trình dạy học được thực hiện bằng hình thức nào thì có những mối quan hệ và giá trị bất biến - đó chính là vai trò của của các thầy, cô giáo. Trong thời đại sáng tạo tri thức, vai trò của các thầy, cô giáo càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực người học, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp và kết nối người học và doanh nghiệp...

Trong giáo dục nghề nghiệp, nếu như trước đây người học thường tập trung vào tư duy đơn ngành, điêu luyện một nghề thì ngày nay, họ hướng tư duy liên ngành và tính chuyên nghiệp trong khi hành nghề. Do vậy, các thầy, cô giáo không có cách nào khác là phải thay đổi cách tiếp cận, liên tục nâng cao năng lực và luôn nỗ lực khẳng định mình. Vẫn biết sự thay đổi khiến các Thầy/Cô vất vả hơn nhiều nhưng chúng ta phải chấp nhận nếu như không muốn tự đánh mất vai trò của mình trong quá trình đào tạo nghề.

Quang cảnh buổi gặp mặt

Quang cảnh buổi gặp mặt

Thứ trường nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật trình độ cao, là mục tiêu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các thầy giáo, cô giáo trong toàn hệ thống cần phải nỗ lực hơn nữa, luôn luôn trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, phát huy sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của chúng ta cần tập trung hơn nữa, mở rộng quy mô, cơ cấu ngành nghề hợp lý và đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển đội ngũ Nhà giáo đủ về lượng, đảm bảo về cơ cấu và chất lượng".

Văn Lý

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh