CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:31

Gặp lại nghệ sỹ điện ảnh Tuệ Minh

Mang tâm trạng ấy chúng tôi đã tìm đến nhà riêng của bà ở khu Vạn Bảo- Ba Đình, Hà Nội.  

Hơn một năm nay, NSƯT Tuệ Minh mắc chứng tai biến nên việc đi lại, vệ sinh cá nhân đến giao tiếp đều rất khó khăn. Thật may nhà có bác  giúp việc nhanh nhẹn, hoạt bát và kiêm luôn cả nhiệm vụ “phiên dịch” cho khách.

Khi chúng tôi đến, bà đang nằm trên giường đọc cuốn Văn mới 2010- 2011, bác giúp việc đỡ bà ngồi dậy và giới thiệu rằng đây là cuốn sách gối đầu giường của bà. Bà đọc đi đọc lại hàng ngày, có lần bảo bác đọc lại cho bà nghe, bởi trong cuốn sách ấy có một truyện ngắn bà viết về chuyện tình giữa bà với nhà văn Nguyễn Đình Thi.

NSƯT Tuệ Minh bên nhà văn Nguyễn Đình Thi NSƯT Tuệ Minh bên nhà văn Nguyễn Đình Thi 

Hỏi bà: Chắc bà nhớ ông nhiều lắm? Bà gật đầu: Tôi sống với ông ấy 20 năm, ông ấy mất cũng đã hơn 10 năm rồi. Người già thường hay hoài niệm mà…Đã từng đọc truyện ngắn Anh và Em trong cuốn Văn mới, nên tôi bảo bà: Dù chỉ là những lát cắt nhỏ, nhưng đó  giống như hồi ký hoặc một tự truyện về cuộc tình của bà vậy.

Song như thế vẫn là chưa đủ, chuyện tình của bà có khi phải viết thành một thiên tiểu thuyết cũng chưa hết. Bà gật đầu cười và bảo rằng bà đã từng không thích kể về cuộc sống riêng tư, lại càng không muốn đưa chuyện riêng lên báo. Và mắt bà bỗng ngấn lệ. Có lẽ đúng vào lúc bà đang nằm gặm nhấm lại ký ức thì có người đã vô tình góp phần chạm mạch hoài niệm ấy…

 Tôi hỏi bà: Hẳn là lúc quyết định gắn bó cuộc đời với một người đàn ông tài hoa, nhưng đa đoan như nhà văn Nguyễn Đình Thi, cũng không phải là điều dễ dàng? Bà im lặng, mắt nhìn xa xăm lắm, hoặc cũng không muốn nhắc lại nữa…

Chỉ biết rằng trong câu chuyện tình của bà, tôi nhớ như in chi tiết hai ông bà quen nhau từ trong kháng chiến chống Pháp. Khi ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi người mẹ vợ và 2 con nhỏ mồ côi mẹ cho đoàn của bà để đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy bà chỉ coi ông Thi như một người anh cả. Thậm chí ông Thi còn gả chồng cho bà, một người chồng có học, tử tế, có tâm hồn nghệ sĩ...

Mãi đến sau này khi bà và ông Nguyễn Đình Thi đã thành vợ chồng (năm 1983), ông mới thổ lộ rằng ông “đã cảm mến, đã thầm yêu trộm nhớ bà từ lâu lắm rồi”. Nhưng vì lúc đó bà Tuệ Minh còn trẻ đẹp, hồn nhiên quá, còn ông Thi thì đã là người đàn ông góa vợ, nên ông có chút mặc cảm rằng ông không có quyền…

Vậy là họ về chung sống với nhau những năm cuối đời của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Và rồi 20 năm gắn bó,  thời gian không phải là nhiều, song với bà thì đó chính là quãng thời gian đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Điều hạnh phúc mà cũng có thể coi là một sự nuối tiếc, ấy là phải cho tới sau khi nhà văn Nguyễn Đình Thi mất, bà mới cảm nhận được hết tình cảm của một người chồng lớn tuổi dành cho mình. Rằng khi không còn ông bên cạnh, bà đã mất đi một điều to lớn, thiêng liêng đến nhường nào…

NSƯT Tuệ Minh giờ đang trong giai đoạn dưỡng bệnh NSƯT Tuệ Minh giờ đang trong giai đoạn dưỡng bệnh .

Tôi biết về nghệ sĩ ưu tú Tuệ Minh chủ yếu qua sách báo, phim ảnh. Nghệ sĩ Tuệ Minh (SN 1938) là người Hà Nội, một tiểu thư đài các yêu kiều. Bà cũng tự nhận mình là một phụ nữ “tiểu tư sản”.

Tên tuổi nghệ sĩ điện ảnh Tuệ Minh gắn liền với những bộ phim: Một ngày đầu thu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ Thánh, Vợ chồng anh Lực, Dòng sông âm vang…Và trên sân khấu, diễn viên Tuệ Minh cũng có nhiều vai diễn để đời, đặc biệt là nhân vật Phượng trong vở kịch Cách mạng của nhà văn Nguyễn Khải…Bà được phong tặng danh hiệu NSƯT từ đợt đầu tiên.

Trong mắt công chúng, bà là người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng và đa tài. Cho đến bây giờ, hẳn nhiều người ở thế hệ 6X và 7X vẫn còn nhớ chất giọng trong trẻo và truyền cảm của NSƯT Tuệ Minh trong chương trình Đọc truyện đêm khuya và Đọc truyện Thiếu nhi trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam một thời.

Sống bên cạnh nhà văn Nguyễn Đình Thi, bà cũng được truyền và “ngấm” cảm hứng sáng tác.…Bà đã ghi lại câu chuyện tình, chuyện đời của hai người trong những tác phẩm văn xuôi và thơ. Ấy  là bài thơ Người Hà Nội trở về Hà Nội, bài Chiều đông. Còn truyện ngắn Anh và Em nói tới ở trên được bà viết trong hai năm 2009- 2010.

Hơn một năm nay phải nằm bẹp một chỗ. Hàng ngày phải ăn cháo theo chế độ dinh dưỡng riêng. Nằm lâu một chỗ, nên lúc nào bà cũng chỉ mong có người đến trò chuyện cùng. Căn hộ tập thể bà đang ở nhỏ xinh, nhưng dường như nó luôn rộng thênh thang bởi nhà chỉ có 2 người đàn bà. Một chủ nhà và một người giúp việc.

Bà có hai người con gái riêng, nhưng họ đều bận rộn với công việc và cuộc sống, thi thoảng mới trở về. Vì vậy mà thú vui hàng ngày của bà là đọc sách báo, rồi lên mạng “chat”  với các cháu ngoại đang ở bên Pháp.

 Khi tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh chân dung bà, người nghệ sĩ già chậm rãi ngồi dậy sửa sang lại phục trang, đầu tóc. Bà chọn một chỗ ngồi thật ưng ý rồi mới đồng ý cho bấm máy. Tôi hiểu, dù thế nào đi nữa, bà muốn hình ảnh mình luôn đẹp đẽ trước công chúng. Hơn thế, phàm đã là phụ nữ, thì ai cũng thích được khen xinh, khen trẻ, cho dù họ chẳng còn trẻ khỏe…

Được biết, từ những đóng góp của bà cho điện ảnh, Hãng phim truyện Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Hội đồng cấp Bộ xét tặng danh hiệu NSND cho bà, nhưng lần nào cũng không đủ phiếu. Trước đó, ở đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 7 năm 2011, bà cũng không có tên trong danh sách xét tặng NSND.

 Hỏi về chuyện này, bà chỉ cười buồn: Âu cũng là chuyện đời, chuyện lòng người. Nhưng những đồng nghiệp của bà thì không bỏ cuộc, lần xét tặng thứ 8 này, Hãng phim truyện Việt Nam lại tiếp tục đề nghị Hội đồng cấp Bộ xem xét những đóng góp cống hiến của NSƯT Tuệ Minh. Khi chia tay, bà nói chậm rãi từng tiếng rằng dù thế nào đi nữa, mong ước lớn nhất nhất của người nghệ sĩ chính là chỗ đứng xứng đáng của họ trong lòng khán giả.

Giang Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh