THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:44

Gắn camera ở tất cả các trường mầm non để giám sát bạo hành trẻ em

 

Chiều 27/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về vụ việc bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh bạo hành trẻ được báo chí phản ánh trước đó. Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu bức xúc: “Xem clip, tôi không hiểu những người đánh trẻ có còn chút nhân tính nào hay không. Không thể chấp nhận tình trạng này xảy ra thêm một lần nào nữa”.

Vụ bạo hành trẻ em tại trường Mầm Xuân (ảnh cắt từ clip báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh).

 

Được biết, sáng 27/11, UBND Q.12 đã phối hợp cùng UBND P. Hiệp Thành, Phòng GD&ĐT Q.12 trực tiếp tới cơ sở Mầm Xanh để thông báo sắp xếp cho các cháu tới học tại trường mầm non Họa Mi 2 gần đó. Theo đại diện Q.12, tới chiều nay đã có 7 phụ huynh đăng ký thăm khám cho con tại bệnh viện. Cũng theo đại diện UBND Q.12, cơ sở mầm non trên có giấy phép hoạt động, vừa được gia hạn vào năm 2016. Chủ cơ sở là bà Mỹ Linh có bằng Sư phạm mầm non, trong khi hai bảo mẫu chưa đạt chuẩn.

Thượng tá Nguyễn Quốc Hải - Phó trưởng Công an Q.12 cho biết, qua điều tra và thu thập chứng cứ, nhận thấy vụ việc đã đủ yếu tố cấu thành tội "Hành hạ người khác".

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu chỉ đạo, cần phải xử lý dứt điểm, tới nơi tới chốn những sự việc như ở cơ sở Mầm Xanh. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị gắn camera ở tất cả các trường mầm non trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.

Trung tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) nhận định, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng liên tiếp các vụ bạo hành trẻ xảy ra mặc dù đã bị phản ánh, xử lý trong quá khứ. “Thứ nhất là hành động diễn ra nhiều ngày không được phát hiện. Thứ hai, chế tài xử lý của pháp luật không đủ sức răn đe. Thứ ba là ý thức pháp luật kém. Thứ tư là trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của những người làm công tác bảo mẫu kém”, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.

Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, theo Trung tá Hiếu, chính quyền, các cơ quan chức năng, các đơn vị này phải làm tròn trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Đối với lực lượng công an cơ sở, phải làm tốt, đẩy mạnh các công tác nắm bắt tình hình, xây dựng các tai mắt xung quanh các cơ sở trông giữ trẻ để người dân chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện các cơ sở trông giữ có biểu hiện bất thường. Người dân, thông qua công tác giáo dục, thông tin tuyên truyền để mọi người hiểu được quyền của trẻ em. Chủ cơ sở cũng biết, giáo viên cũng hiểu biết rất sâu về quyền trẻ em, từ đó sẽ không dám vi phạm. Khi xảy ra vấn đề bạo hành thì nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức năng. Theo chuyên gia tội phạm học, đối với chính bố mẹ của phụ huynh học sinh, cần ý thức được quyền của con em mình. Thường xuyên kiểm soát, kiểm tra tình trạng sức khỏe, tinh thần của con để phát hiện kịp thời những bất thường xảy ra với con em mình. Các phụ huynh học sinh tại một cơ sở nên có sự liên lạc, kiểm tra với nhau để đảm bảo an toàn cho con em mình, tránh việc bị bạo hành mà bố mẹ không biết.

Để phòng ngừa, theo Trung tá Hiếu là tăng cường kiểm tra đột xuất thường xuyên đối với các cơ sở mầm non, lắp đặt các camera nối đường truyền trực tiếp tới công an sở tại để kiểm tra, giám sát hoạt động của camera.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh