40 năm chữa bệnh cứu người
- Dược liệu
- 14:36 - 31/07/2015
Mẹ hết bệnh, con ở lại làm công quả
Bên trong, cư sĩ Nguyễn Văn Có đang bắt mạch cho một bệnh nhân. Sau khi hỏi han triệu chứng kỹ càng, anh tư vấn cách ăn uống rồi bảo bệnh nhân ra ghế ngồi, đợi một lát sau sẽ có thuốc.
Mỗi cư sĩ một khi bước vào hội đều có lời thệ trước bàn thờ tổ rằng, sẽ giúp đạo cứu đời. Nguyễn Văn Có đã nguyện hiến trọn đời mình trong câu phát nguyện. Cư sĩ Có cho biết: “Trước đây tôi làm nghề thợ hồ, cuộc sống vất vả cực nhọc, lại luôn phiền não. Từ khi đưa mẹ vào đây bốc thuốc và bớt bệnh, tôi thấy nơi đây thật có ích cho đời và xin ở lại làm công quả luôn. Tôi được nơi đây cho đi học nhiều năm ở Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương rồi về đây. Ở đây, tôi thấy tâm mình thật bình yên”.
Trên chiếc bàn dài giữa phòng, một hàng dài người đang thoăn thoắt gói vỏ cây, lá cây khô vào những tờ giấy báo lớn. Họ cũng là những người đi khám bệnh bốc thuốc, thấy công việc ý nghĩa, ở lại học thêm và làm công quả luôn.
Ông Mai Văn Hơ đang bắt mạch cho một bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG LÊ
Người đương bỏ thuốc vào bao tên Hoàng A Sáng. Vốn là công nhân đi xà lan, tình cờ theo chân người bạn đến đây, thấy thích, ông Sáng quyết định bỏ sông nhảy lên bờ, ngược xuôi tìm cây thuốc. Thường thì ông săn thuốc trên miệt Bình Long, Lộc Ninh. Mùa nào khan hiếm, chuyến lữ hành có thể sang tận đất Campuchia. Năm 12 tháng, Hoàng A Sáng vào rừng quá nửa. Hơn năm năm gắn bó với phòng thuốc, ông Sáng đã nhớ trên 200 vị thuốc Nam. Khổ cực của những chuyến đi đã được niềm vui khỏi bệnh của khách thập phương làm tan biến.
Cũng đến khám bệnh một lần rồi quyết định gắn bó đời mình ở đây luôn là bà Nguyễn Thị Dương, người lo việc bếp núc trong hội. Bà ở đây ai sai gì làm nấy, miễn thấy mình còn có ích. Nghe bảo hiện tại bà đỡ lên nhiều, lúc mới vào cứ la hét loạn xạ, phá phách khắp nơi.
Điểm tựa của người khốn khó
Hưng Khánh Tự khám bệnh, bốc thuốc miễn phí. Vào những ngày cuối tuần, hội quán tiếp gần 300 người, thường trực hội là ông Mai Văn Hơ cùng các cư sĩ phải làm việc từ 7 giờ sáng đến tận 4 giờ chiều mới xong việc. Nếu không có đội ngũ những người thiện nguyện, khó mà đáp ứng hết lượng người đến khám.
Khách đông, phải ăn trưa vội để khám tiếp nhưng không vì vậy mà các cư sĩ bỏ sót một phiếu hoặc khám ẩu cho bất kỳ ai, bởi làm như vậy cũng đồng nghĩa với việc tước đi chút niềm tin nhỏ nhoi của những người lao động khốn khó.
Đang chờ đến lượt mình khám, chị Lê Mỹ Hạnh (30 tuổi, An Giang), công nhân KCN Nam Tân Uyên, cho biết: “Tôi bị thiếu máu xưa giờ, thường xuyên chóng mặt trong giờ làm, đi bệnh viện bác sĩ kê toàn thuốc mắc tiền mà vẫn không hết. Đến đây các thầy bắt mạch, cho thuốc miễn phí rồi khuyên nên ăn nhiều rau củ. Tôi uống được mười mấy thang, thấy khỏe người lên và bớt chóng mặt hẳn”.
Ông Mai Văn Hơ, thường trực hội quán, ngồi kê toa thuốc cho bệnh nhân, nói: “Đâu có phải bệnh nào cũng chữa hết. Ở đây, cư sĩ chúng tôi chỉ chữa từ thiện bảy loại bệnh: cảm cúm, ho hen, tiêu chảy, kiết lỵ, điều kinh, phong thấp, tiêu độc thôi”. Nhưng ngoài khoảng sân chật kín kia, từ bướu cổ, đau răng, suy nhược đến ung thư, phong thấp nhức mỏi, thứ bệnh gì thiên hạ cũng tìm đến nơi đây cầu cứu.
May mắn thay cây cỏ ở đây chỉ biết cứu người, nếu không chữa được thể xác, nó cũng đủ sức bồi bổ tinh thần cho những ai đương tuyệt vọng.
Quá trưa, khách thập phương vẫn còn đông. Kẻ áo quần sang trọng, xe hơi đời mới, lấy thuốc rồi vội vàng bỏ những tờ tiền xanh đỏ vào thùng hảo tâm. Kẻ xăm trổ đầy mình, dáng người to lớn nhưng lại rụt rè khúm núm, nở một nụ cười ngượng nghịu khi đến lượt mình bắt mạch. Nhìn cảnh đó tôi hiểu hết ý nghĩa của hai từ “tịnh độ” mà các cư sĩ nơi đây đang theo: Cứu giúp cho tất cả, không phân biệt sang hèn.