CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Gã "giang hồ" cầm bút Nguyễn Trí

Và bây giờ, năm 2016, với nhà văn Nguyễn Trí, chuyện đùa không chỉ là cơm áo mà cả những món nợ vật chất lẫn tình thân.

Nhà văn Nguyễn Trí bây giờ nuôi hai cháu nội, con trai cai nghiện cùng vợ bệnh tim nặng mỗi tháng đều tốn 2-3 triệu đồng tiền thuốc. Đàn ông trong truyện Nguyễn Trí thường buồn, khổ, túng thiếu nhưng là người đàn ông chính trực. Có lẽ Nguyễn Trí cũng vậy…

Xin giảm án cho người giết con gái mình

Năm 2013, khi Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương, Nguyễn Trí là cái tên hoàn toàn lạ lẫm với giới viết lách. Trên báo trước đó, cái tên Nguyễn Trí lại xuất hiện ở những dòng tin tòa án, ký sự pháp đình về chuyện cha nạn nhân xin giảm án cho người giết con gái mình. Đó là vụ án năm 2009 về một người mẹ 17 tuổi phạm tội giết người ở Đồng Nai. Nguyễn Trí khi đó cùng vợ lội hơn 80 km đến tòa, vợ thì ngồi bên hành lang tòa cho con gái mới một tháng tuổi của phạm nhân uống sữa, còn Nguyễn Trí đứng bên trong xin giảm án cho người giết con gái 18 tuổi của mình.

Ngày đó anh xin giảm án cho cô gái bởi suy nghĩ con mình cũng đã mất, phạm nhân thì còn quá nhỏ, thiếu tình cảm của cha mẹ từ nhỏ nên manh động. Và hôm nay, khi hỏi anh có bao giờ gặp lại cô bé đó không, anh nói: “Có biết tin cháu nó đã ra ngoài hai năm, cháu vẫn có những suy nghĩ riêng nhưng tôi không trách gì cả, nên để mọi sự trôi qua…”.

Văn của Nguyễn Trí động đến tâm can người đọc không bởi chữ nghĩa bóng bẩy mà đó là thứ ngôn ngữ rất đời. Ảnh: NGUYỄN HIỆP

Khổ cực trăm bề trải lên trang văn

Nguyễn Trí là vậy, khổ cực trăm bề, đau khổ muôn vạn nhưng rồi đó là cuộc sống, nếu có u buồn thì cũng là những u buồn còn lại trên trang văn… Vì vậy mà trong truyện của Nguyễn Trí người đọc có thể tìm thấy một phần nào đó cuộc sống của anh.

Tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương đoạt giải thuở xưa là tên trong vô số nghề mà nhà văn này đã kinh qua: đãi vàng, đá quý, khai thác trầm hương. Anh còn làm nghề chặt củi đốt than, nấu đường lậu, cưa kéo, làm đồ tể, xe ôm, công nhân, cả dạy tiếng Anh “bồi”… và giờ là nhà văn kiêm bán tạp hóa; những nghề đó hầu hết đều có trong truyện của anh.

Nguyễn Trí đến với chữ nghĩa ở lứa tuổi không còn trẻ để mộng mơ nên văn Nguyễn Trí là văn hiện thực, thực đến đau lòng. Văn của Nguyễn Trí động đến tâm can người đọc không bởi chữ nghĩa bóng bẩy mà đó là thứ ngôn ngữ rất đời, đời như hơi thở mỗi ngày nhưng đằng sau đó là mênh mang nỗi buồn. Nỗi buồn lớn nhất trong văn Nguyễn Trí là tiền và tình người. Người nghèo buồn vì túng thiếu, như ông thầy Nam chuyên tụng đám ma trong truyệnBuồn ơi là buồn. Người giàu buồn vì dư dả tiền không biết làm chi, hai đứa con đem tiền chơi ma túy sốc thuốc chết, chồng cũng chết, còn mỗi “bà má ôm xác đứa con, úp mặt trên vầng ngực thanh xuân, bây giờ lạnh, lạnh lắm” trong truyện Khung tường trắng.

Ngòi bút nuôi sống cả nhà

Chuyện nghề mình kinh qua lên trang văn đã có, chuyện cuộc đời Nguyễn Trí cũng nằm nhiều trên trang văn. Nguyễn Trí có thể viết thật về những gia đình ly tán vì có người nghiện hút, chuyện trại cai nghiện ra sao… bởi đó là chuyện của chính nhà anh.

Vợ chồng Nguyễn Trí có bốn đứa con, xen kẽ từ đầu đến út là gái - trai, gái - trai. Giờ ngoài gái đầu và trai út có cuộc sống bình thường thì trai giữa và gái giữa là những trang văn buồn trong cuộc đời Nguyễn Trí. Con gái áp út đã bị giết năm 2009. Con trai thứ có vợ và hai đứa con nhưng nghiện hút. Vợ bỏ đi, con trai vào trại cai nghiện một thời gian giờ đang cai nghiện tại gia.

“Hai cháu nội tôi một đứa lớp 3, một đứa lớp 2 đang ở chung với ông bà nội. Hai đứa ngoan. Con dâu tôi cũng có một đời sống khác rồi nhưng mình phải thông cảm, không ai đứng chờ người chồng bê tha được” - Nguyễn Trí nói.

Nhiều người nói văn là người, câu đó đúng với vài nhà văn nhưng cũng không đúng với nhiều nhà văn. Nhưng với Nguyễn Trí may mắn là đúng. Anh có nghèo, có khổ nhưng Nguyễn Trí không sống hay nương nhờ vào sự thương hại của ai.

“Số phận được chủ trì bởi ai?”

Bây giờ đời sống thường nhật của gia đình Nguyễn Trí vẫn đủ chi tiêu với phần bán tạp hóa, viết văn và phần phụ giúp từ con đầu, con út; nhưng cả gia đình vẫn còn món nợ 200 triệu đồng khi nhà rơi vào diện giải tỏa xây cao tốc. “Tiền bồi thường giải tỏa không đủ cho phần mua đất tái định cư. Chi phí ăn học cho cháu, sinh hoạt phí, tiền thuốc mỗi tháng cho vợ cũng xoay được nhưng nợ hay đổ bệnh ra thì chẳng có gì” - nhà văn chia sẻ.

Trong một truyện ngắn Nguyễn Trí từng viết: “Mà nghèo thì đâu có ai đổ cho dốt, họ đổ cho số phận. Số phận được chủ trì bởi ai vậy kìa?”. Không biết số phận Nguyễn Trí ai chủ trì mà bốn phía mông mênh…

Kết thúc bi kịch cho độc giả đỡ nhàm chán

Trả lời cho câu hỏi vì sao truyện của anh hồi mới viết văn kết thúc có hậu hơn, bây giờ thì kết thúc bi kịch hơn, phải chăng cuộc đời anh bi kịch vẫn mãi là bi kịch nên anh không còn thích cái kết có hậu, Nguyễn Trí nói: “Cuộc sống xung quanh chúng ta mỗi ngày một buồn hơn. Thí dụ nhà tôi cạnh trường học, mở cửa trường mỗi ngày tôi thấy nữ sinh lớp 8 tới mua cả gói thuốc Jet. Các em không nghèo, bố mẹ các em làm ăn có nên cho tiền con vô tội vạ mà không biết con dùng đồng tiền như thế nào. Có lẽ tôi chứng kiến đời sống ngày càng tăm tối cho tuổi trẻ, từ đó khuynh hướng truyện nó thay đổi.

Dẫu vậy, truyện của tôi không phải bê hết sự thật, nó cũng có A và A’ để truyện lung linh hơn. Tôi thay đổi kết thúc truyện đôi khi cũng cho độc giã đỡ nhàm chán, miễn là kết thúc hợp lý”.

Theo Quỳnh Trang/PLO.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh