“Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022": Giữ nguyên bản các giá trị di sản độc đáo
- Văn hóa - Giải trí
- 16:52 - 12/11/2022
“Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, đạo diễn Lê Quý Dương đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn lễ khai mạc và lễ hội đường phố. Festival năm nay có sự tham gia của 15 tỉnh thành trên cả nước. Mỗi tỉnh thành chọn một loại hình di sản để trình diễn.
Chương trình "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" sẽ có 5 hoạt động đặc sắc được diễn ra trong 3 ngày gồm: Chương trình khai mạc Festival; Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống; Chương trình lễ hội đường phố; Chương trình đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng đương đại và Chương trình bế mạc Festival.
Chương trình khai mạc sẽ được tổ chức vào hồi 20h ngày 17/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế. Lễ bế mạc vào 20h ngày 19/11 tại Phố cổ Hoa Lư.
Lễ khai mạc sẽ giới thiệu những nét di sản đặc trưng của Ninh Bình và các tỉnh, thành theo chủ đề: Di sản Ninh Bình, Di sản Thăng Long – Hà Nội, di sản vùng Bắc Bộ, di sản vùng Trung Bộ, di sản Tây Nguyên, di sản Nam Bộ và tiết mục chào mừng các đoàn quốc tế.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, trong lễ khai mạc khán giả sẽ được xem các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc của nhiều địa phương như: Chèo, xẩm, trình diễn trống nhảy Kim Sơn (Ninh Bình), múa rối nước Thăng Long (Hà Nội), múa rối cạn (Hải Phòng), quan họ Bắc Ninh, hát chầu văn (Hà Nam, Nam Định), trò Xuân Phả (Thanh Hóa), dân ca Ví dặm Nghệ An, múa cung đình “Lục cúng Hoa Đăng” (Huế), tái hiện di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử các tỉnh thành phía Nam, Hoa Lư vang mãi ngàn năm (Ninh Bình)…
Một trong những điểm nhấn trong lễ khai mạc là phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của 71 người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam.
Lễ hội đường phố diễn ra vào ngày 18/11 tại khu vực Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình. Tham gia diễu hành sẽ có 26 đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố, đoàn hoa hậu du lịch thế giới… Lễ hội đường phố sẽ có nhiều hoạt động biểu diễn sôi động như: Múa rồng, múa lân, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn hoạt cảnh “Cờ lau tập trận”, hát xẩm, nghệ thuật trống nhảy, hát múa Ải Lao, khèn Lào…
Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Festival Ninh Bình là câu chuyện của kết nối di sản. Với sự tham gia của 15 tỉnh thành trên địa bàn cả nước về tham dự Festival lần này, trong quá trình xây dựng kết cấu nội dung và sáng tác hệ thống kịch bản cho các chương trình của Festival, tôi đã chủ động chọn phương pháp tôn trọng và giữ nguyên bản các tiết mục của từng tỉnh thành về tham dự Festival như những hạt nhân cốt lõi của từng tiết mục, qua đó cố gắng giữ được tính nguyên gốc, mộc mạc và độc đáo, đa dạng của các giá trị di sản được giới thiệu tại Festival. Từ chương trình nghệ thuật Khai mạc, Triển lãm tới Lễ hội đường phố và Bế mạc, phương pháp tiếp cận này nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ kết cấu nội dung của Festival.
“Nhóm nghệ sĩ dàn dựng chính của Festival gồm biên đạo múa NSND Hồng Phong; Nhạc sĩ, NSƯT Hồ Trọng Tuấn cùng thống nhất quan điểm và nguyên tắc dàn dựng Festival này là phải giữ tính nguyên bản độc đáo đặc sắc của từng tỉnh, thành phố. Chúng ta đừng lo ngại rằng tổ chức Festival di sản là xưa cũ, nhàm chán. Làm di sản rất thú vị, số lượng di sản rất đặc sắc và rất lớn nên nó tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng rất lớn.” - đạo diễn Lê Quý Dương nói.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, UBND tỉnh Ninh Bình hết sức tâm huyết và mong mỏi, “Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022” là dịp hội ngộ và lan toả của hệ thống các di sản văn hóa trên khắp các vùng miền của cả nước, hướng tới tầm nhìn tương lai. Kỳ vọng, Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022 tổ chức định kỳ 2 năm một lần, phát triển thành một Festival di sản Quốc gia và Quốc tế và trở thành thương hiệu văn hoá di sản của quê hương Ninh Bình.