Đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến
- Văn hóa - Giải trí
- 17:45 - 29/10/2022
Quyết định được Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký ngày 28/10 nêu rõ, việc đổi tên theo đề nghị của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cục Di sản văn hóa. Như vậy yếu tố được Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (con cháu vua triều Nguyễn) cho rằng không đúng lịch sử, là "thứ phi" của vua Gia Long, đã được bỏ khỏi tên gọi di sản.
Cùng với việc điều chỉnh tên gọi, một số thông tin trong hồ sơ di sản quốc gia của lễ hội này cũng được điều chỉnh theo hướng làm sâu sắc hơn những giá trị đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cư dân biển đảo; lược bỏ các yếu tố mới, không xác thực về lịch sử theo yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Trước đó, ngày 4/4, lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong hồ sơ để xét công nhận di sản quốc gia với lễ hội này, có những thông tin khiến Hội đồng Phúc tộc và một số nhà nghiên cứu bức xúc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Ngày 20-6, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về thư kiến nghị của Hội đồng Phúc tộc Việt Nam rút lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Trong đó khẳng định việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất gọi tên di sản là lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, cùng một số chi tiết trong hồ sơ đề cập tới truyền thuyết của bà "có thể gây hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử".
Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể di sản "tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam", bộ đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với chủ thể của di sản nghiên cứu điều chỉnh tên gọi chính thức của di sản tại hồ sơ và các thành phần kèm theo cho phù hợp, tránh dùng tên gọi có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử.