CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:25

Đừng nghĩ về hưu là xong

Xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu

Báo cáo của Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức).

Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù không được ghi tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức như đã thể hiện tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo Luật là phù hợp. Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy định việc xử lý đơn tố cáo với cán bộ đã nghỉ hưu sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ

Đề nghị xử lý cả trường hợp đã nghỉ hưu nếu vi phạm 

Thảo luận tại tổ, đại biểu Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật này chưa đề cập đến việc xử lý đơn tố cáo với những cán bộ đã nghỉ hưu với lý do trong Luật Cán bộ công chức, viên chức chưa quy định việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, người dân và một số đại biểu mong muốn phải xử lý cả các trường hợp này nếu có vi phạm. Thực tế thời gian qua, một số trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm đã bị xử lý.

Theo ông Hải, cái khó hiện nay là với những người nghỉ hưu, theo quy định thì họ không còn là cán bộ ở cơ quan đó nữa. Do vậy, khi cơ quan của người cán bộ này nhận được tố cáo về các vi phạm hành chính của người cán bộ đó trong quá trình công tác trước kia, lúc này, ai là người ký kết luận kỷ luật cán bộ đó, có quyền ký kỷ luật hay không là vấn đề phải tính tới.

“Đối với người nghỉ hưu bị tố cáo về vi phạm hành chính, chúng ta cần có quy định cụ thể về xử lý trong luật này, giao một cơ quan nhất định thụ lý, xử lý vấn đề đó thì mới đảm bảo được việc thực thi luật tố cáo đầy đủ, toàn diện, không để lọt sai phạm, không để những người cán bộ có nhiều vi phạm rồi khi nghỉ hưu thì hạ cánh an toàn" Phó giám đốc Công an Hà Nội  nhấn mạnh.

Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng dẫn ý kiến phản ánh “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trước khi về hưu ký bổ nhiệm cán bộ rất nhiều, nên nếu không có cơ chế giải quyết câu chuyện này thì bỏ sót. Vừa qua, Thường vụ Quốc hội cũng đã xử lý một số cán bộ đã về hưu.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, sửa luật Luật Tố cáo cũng cần bổ sung đối tượng công chức đã nghỉ hưu để giúp nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức, có tính răn đe, tránh lợi dụng quy định của pháp luật. Ông Thanh cho rằng, nếu một số đại biểu cho rằng cần phải sửa Luật Cán bộ công chức thì phải sửa và nên bổ sung đối tượng cán bộ công chức đã nghỉ hưu.

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề này nhưng đây là chủ trương và thực tế chúng ta đã xử lý cán bộ về hưu, tuy chưa sửa Luật Cán bộ công chức nhưng Quốc hội đã có nghị quyết. “Phải làm thế để tất cả cán bộ công chức khi thi hành nhiệm vụ luôn có tinh thần trách nhiệm, đừng nghĩ thôi tôi còn 2 năm nữa là về hưu, về xong thì thôi” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh