CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:52

Bổ sung quy định giải quyết tố cáo người đã nghỉ hưu, chuyển công tác

 

Báo cáo giải trình về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) trước Quốc hội sáng nay (29/5), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, Luật Tố cáo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 11/11/2011, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012. Sự ra đời của Luật Tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo, giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, qua hơn bốn năm triển khai thực hiện cho thấy, Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết trong nhiều trường hợp còn gặp vướng mắc nhất định như khi người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo cơ quan, tổ chức… Về thẩm quyền giải quyết tố cáo. Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo còn thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể trong việc xử lý đối với một số tình huống. Về tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp. Về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo. Về bảo vệ người tố cáo và về vấn đề xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)


Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu rõ, chính từ những hạn chế, bất cập đã dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác giải quyết tố cáo thời gian qua. Đồng thời tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì việc sửa đổi, bổ dung Luật Tố cáo là cần thiết.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến nhất trí việc bổ sung trong dự thảo Luật nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. ”Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tố cáo đối các đối tượng này mà pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể” – ông Nguyễn Khắc Định nói.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cần lưu ý việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo cần đặt trong bối cảnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền tố cáo; làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết tố cáo.

Một số nội dung mới được bổ sung như về điều kiện, cơ chế bảo vệ người tố cáo cần có sự đánh giá tác động cụ thể và sâu sắc hơn nữa, xác định rõ cơ quan chủ trì trong việc bảo vệ người tố cáo, cơ sở vật chất các điều kiện bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam và bảo đảm tính khả thi. 

Về các hình thức tố cáo được nêu trong dự thảo Luật, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… các ý kiến này cho rằng, vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hơn nữa, trong một số văn bản Luật hiện hành cũng ghi nhận các hình thức này, chẳng hạn Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử ... Đồng thời hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh