CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:45

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tố cáo

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu

Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tố cáo, các đại biểu đánh giá, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc ban hành Luật tố cáo (sửa đổi) là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo. 
Cho ý kiến, nhất trí sửa đổi Luật Tố cáo, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị, bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua email điện tử, điện thoại, fax… bên cạnh hai hình thức “truyền thống” là bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Theo ĐB, điều này là cần thiết trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay. “Thực tế, tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại chúng ta vẫn tìm ra được nguồn gốc nội dung”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, nếu không chấp nhận hình thức tố cáo qua các phương tiện thông tin phổ biến hiện nay như fax, email điện tử, điện thoại, mạng thông tin điện tử… thì nguồn tin nhận được không đầy đủ, kịp thời, số cán bộ công chức vi phạm pháp luật bị xử lý không đầy đủ.

“Trong điều kiện hiện nay, nếu hệ thống tiếp nhận tố cáo của Nhà nước không phát huy được tác dụng thì những người tố cáo dễ dàng đưa nội dung tố cáo đó lên mạng xã hội hay các trang web không chính thức”, nữ ĐB tỉnh Bình Thuận nói.

Các hình thức tố cáo này đã được Luật Phòng, chống tham nhũng quy định và cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chỉ thị số 50 ngày 17/12/2015 của Bộ Chính trị.
Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nói: Tôi rất ủng hộ áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này, đó là biểu hiện của một Nhà nước văn minh, tiên tiến. Nhưng thực tế, chúng ta không quản lý hết được tên miền, số điện thoại và hộp thư điện tử.

“Chỉ trong vòng 2 phút thôi đã tạo ra được một hộp thư email điện tử, tạo ra thông tin tố cáo gửi đến các cơ quan Nhà nước, sau đó không tìm ra được người tố cáo đó là ai. Vì vậy, chúng ta không có cơ sở để xác định được nội dung tố cáo đó có thật hay không để xử lý”, ĐB Sơn nói.

Theo ĐB Sơn, khi có đơn tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn tố cáo, đồng nghĩa phát sinh mối quan hệ pháp lý giữa người tố cáo và người chịu trách nhiệm giải quyết đơn tố cáo.

“Nếu là đơn nặc danh thì chúng ta thiếu mất 1 chủ thể ở trong câu chuyện này”, ông Sơn nhấn mạnh, nếu đơn thư nặc danh có căn cứ, có cơ sở, chứng cứ thì đây là một nguồn tài liệu để phục vụ quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.

“Trường hợp này phải được xử lý bằng trình tự thủ tục khác, mà trình tự thủ tục đó đã được điều chỉnh bởi Luật Thanh tra nên không cần thiết quy định trong dự thảo luật này”, ĐB TP Đà Nẵng nói.
Theo Tổng Thanh tra, tố cáo nặc danh, có nội dung tố cáo không chính xác, bịa đặt, vu khống thì sẽ không được xem xét.

“Trường hợp có nội dung rõ ràng, kèm theo chứng cứ thì được xem xét, xử lý phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu công tác quản lý, nhưng không xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo”.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ người tố cáo, tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, còn chung chung, hình thức, chưa chặt chẽ, cần quy định cụ thể, chi tiết cơ chế, biện pháp bảo vệ, chế tài xử lý…

“Tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung vào nội dung dự thảo”, Tổng Thanh tra kết thúc giải trình.

Theo quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo (tố cáo nặc danh).

 

ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận)

Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.

Tại tờ trình nêu rõ, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Qua thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều ĐBQH nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác.

“Qua ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện tố cáo và cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền tố cáo, Ban soạn thảo có thể mở rộng hai hình thức. Cụ thể, thư điện tử có ký tên, có chữ ký điện tử sẽ được xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo. Ngoài ra, các hình thức điện tử khác, công nghệ thông tin truyền thông khác, phải xác định rõ họ tên, địa chỉ và nội dung thông tin rõ ràng sẽ được xử lý theo quy trình này”, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nói.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh