THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:17

Đừng quên tôi - người chuyển giới

Bài 3: Phân biệt đối xử với người chuyển giới luôn là nặng nề nhất 

Phân biệt đối xử

Người chuyển giới tại Việt Nam từ lâu đã hiện diện rõ nét ở trong xã hội, đặc biệt là ở thành thị, nơi mà người chuyển giới tụ hội về để mong tìm được một cơ hội sinh sống tốt hơn và môi trường cởi mở hơn. Dưới góc nhìn của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), chuyên gia Lương Thế Huy cho rằng: “Trong hiểu biết trước nay của xã hội, người chuyển giới thường gắn liền với hình ảnh những người nam ăn mặc như nữ, đa phần làm các công việc giải trí hoặc việc làm không được xã hội đánh giá cao để kiếm sống. Tuy vậy, bức tranh về người chuyển giới lớn hơn rất nhiều, và chân dung thật sự của người chuyển giới cũng là một khoảng trống vô hình mà chúng ta đã bỏ sót từ lâu”.

Theo kết quả nghiên cứu của iSEE, số người chuyển giới tại Việt Nam khoảng 270.000 người, nhưng sự phân biệt đối xử với người chuyển giới luôn nặng nề nhất, khiến họ gần như “tê liệt” không thể tham gia vào cuộc sống với tư cách một công dân bình đẳng. “Người chuyển giới là một hiện thực. Họ muốn, cần và phải được sống đúng là chính mình. Chúng ta không có quyền chối bỏ nguyện vọng chính đáng của người khác, nhất là khi nó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mình. Cái làm chúng ta khó chịu, có chăng là phải mở rộng khả năng dung nạp sự đa dạng hơn”, chuyên gia Huy nhấn mạnh.

Số liệu thống kê của iSEE cho thấy, tính đến tháng 9/2015, đã có 61 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật, các nước đang thay đổi theo xu hướng thừa nhận quyền thay đổi giới tính trên giấy tờ ngay cả khi không cần phẫu thuật. Đây cũng là xu hướng hiện tại trên thế giới. Do vậy, trong quá trình làm việc với ban soạn thảo và các cơ quan lập pháp, iSEE đã kiến nghị tập trung vào hai vấn đề: Thứ nhất, quyền đổi tên cần thật sự tạo thuận lợi hơn, không cần phụ thuộc vào tình trạng cơ thể. Thứ hai, quyền chuyển đổi giới tính cần được hợp pháp hóa để phù hợp với bản dạng giới của mỗi người, để họ có thể sống đúng với giới tính mà mình thể hiện.

Người chuyển giới bị bạo hành như... cơm bữa

Đó là chia sẻ của chuyên gia Phan Thanh Nhàn (Trung tâm Open grup – chuyên nghiên cứu, trợ giúp người chuyển giới bị bạo hành). Cũng theo chuyên gia Nhàn, người chuyển giới bị bạo hành ở mọi độ tuổi, mọi ngành nghề mà họ làm việc, chỉ vì mong muốn được sống đúng, sống thật với bản thân mình mà họ đối mặt với trăm ngàn cay đắng. Ví dụ: Bạo hành học đường. Họ sẽ bị các bạn khác trong lớp kỳ thị, tách biệt, thậm chí còn đánh hội đồng chỉ vì “hơi khác mọi người”, dần dần học hành sa sút, và rất nhiều người không chịu nổi phải bỏ học từ nhỏ, điều này là một thực trạng tại Việt Nam, rất ít người chuyển giới học hết phổ thông, những hệ lụy khác sẽ bắt đầu từ đó, trình độ thấp không xin được việc tốt là câu chuyện không khó gặp.

Bạo hành gia đình. Người ngoài, hàng xóm, láng giềng đã kỳ thị và thúc đẩy gia đình tạo áp lực hay bạo hành đối với con cái của họ. Con mình sinh ra sao mình không thương, tuy nhiên vì họ thương con họ nhiều quá, họ mong muốn tương lai con họ có công ăn việc làm ổn định, họ đặt hy vọng vào đứa con mà họ sinh ra quá lớn, để rồi chính điều đó đã thúc đẩy họ “dạy dỗ” con mình, uốn nắn con mình bằng roi mây, bằng bạt tai,... thậm chí có những ông bố bà mẹ cực đoan hơn là “dọa” tự tử, hoặc tự làm đau bản thân mình nếu đứa con họ không chịu thay đổi.

Bạo hành từ công việc của họ. Nhiều chủ cơ sở biết rằng người chuyển giới không thể kiếm được việc tốt, cho nên họ tuyển với mục đích là trả lương bèo bọt, không chế độ đãi ngộ, cũng không cần hợp đồng lao động,... Thậm chí có người làm ở các nhà hàng thường xuyên bị khách hàng bạt tai, đánh đập, bạo hành khi phát hiện họ không phải là “gái xịn” hay “trai xịn”.

Chuyên gia Phan Thanh Nhàn phân tích: Khi một người đã phẫu thuật chuyển giới rồi mà giấy tờ họ vẫn còn ở giới tính cũ, không thay đổi được đúng như giới tính hiện tại của họ thì đồng nghĩa là người đó bị tước quyền công dân mất rồi, xem như là người không quốc tịch, bởi vì giấy tờ tùy thân là một người khác chứ không phải họ. Và nếu như vậy thì các dịch vụ xã hội phục vụ con người cũng bị tước đoạt, ví dụ một người trong giấy tờ là nam mà hình dạng là nữ có được mua bảo hiểm y tế không? Đi máy bay du lịch chẳng hạn có được hay không? Có được tham gia bầu cử không? Chưa kể đến mua nhà mua đất, mua bảo hiểm nhân thọ, họ khó mà xin được việc tốt, lúc này họ chỉ còn có thể làm những nghề quen thuộc: Hát lô tô ở hội chợ, đám ma, hớt tóc, diễn kịch... và nhiều khi thất nghiệp sẽ phát sinh các tệ nạn cướp giật, lừa đảo, mại dâm,... Rõ ràng không thừa nhận người chuyển giới sẽ làm tăng tỷ lệ tệ nạn xã hội chứ không phải là kiểm soát nó.

Người chuyển giới đang khao khát quyền chuyển đổi giới tính.


Quyền chuyển đổi giới tính cần được thừa nhận

Với tư cách cá nhân, luật sư Nguyễn Thị Lê (Cty Luật TNHH Fanci) hoàn toàn đồng tình và ủng hộ quan điểm “thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính” trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bởi quan điểm này một mặt đảm bảo quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013 và thông lệ quốc tế.

Về mặt pháp lý, luật sư Lê cho rằng: Mặc dù, Bộ luật Dân sự hiện hành chưa trực tiếp thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, tuy nhiên quyền này đã được gián tiếp thừa nhận tại các quy định về “quyền xác định lại giới tính” (Điều 36), cho phép “cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính” hay quyền xác định lại họ tên (Điều 27). Tuy nhiên sự thừa nhận này chỉ giới hạn ở những người “liên giới tính” hay nói cách khác là những người “bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác” về giới tính. Việc giới hạn này xuất phát từ cách hiểu chưa thật đầy đủ về chuyển đổi giới tính với tư cách quyền của công dân và chưa phù hợp với thực tiễn xã hội của vấn đề chuyển giới. Tại các văn bản pháp luật hiện hành đang hiểu “người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác” và “người đã hoàn thiện về giới tính” một cách chủ quan, cơ học dẫn đến những quy định này đã không còn phù hợp với thực trạng phát sinh trong đời sống xã hội về việc chuyển giới. Cần phải có sự điều chỉnh đầy đủ và hoàn thiện hơn để điều chỉnh vấn đề này.

Còn về thực tiễn, luật sư Lê cho biết thêm: Khi công dân được sinh ra, việc xác định giới tính không phải do ý chí chủ quan của người đó mà do cha, mẹ, người thân xác định qua những đặc điểm bên ngoài, chủ yếu là bộ phận sinh dục. Vì vậy, việc xác định chính xác nhất mình ở giới nào hoàn toàn phải được xác định bởi chính công dân đó, theo mong muốn, ý chí chủ quan và quyết định của họ.

Trên thực tế có thể sẽ xảy ra trường hợp có khiểm khuyết về giới tính nhưng không có nhu cầu xác định lại giới tính, nhưng có người dường như không có khiếm khuyết bên ngoài lại có nhu cầu chuyển giới. Vì vậy, việc hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh một cách hiệu quả và phát huy hiệu lực là cần thiết. 

Tại buổi thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (diễn ra ngày 24/10) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu rõ, việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội... Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh