THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:18

Đừng quên tôi - người chuyển giới

Bài 2: Nước mắt người phụ nữ lăn dài trên gò má đàn ông 

 

Đau đớn phẫu thuật chuyển giới

Phẫu thuật chuyển giới là chuyện không đơn giản. Phải dùng hoocmon trước khi phẫu thuật, phẫu thuật xong rồi cũng phải mất nhiều năm trời mới hoàn thiện. Ở Việt Nam hiện chưa được phép phẫu thuật chuyển giới nên những người muốn phẫu thuật chuyển giới phải sang Thái Lan thực hiện. Mỗi lần như vậy... tốn kém không kể xiết.

Đấy là chưa kể đến việc phẫu thuật xong phát sinh nhiều lỗi, cô gái mang tên Lê Ánh Phong (tên thật là Lê Quốc Phong, trú tại Quảng Ngãi) chia sẻ: Sau ca phẫu thuật, vùng kín của cô luôn có xu hướng khép. Để nó không bị bít lại, cô phải thường xuyên luyện tập. “Hãy tưởng tượng mà xem, một vết thương đang trong quá trình lành lại nhưng ta không cho phép nó lành, ta phải dùng các biện pháp như cào cấu nó ra, mỗi ngày hai lần như vậy. Đau lắm chứ. Rất đau, nguy cơ nhiễm trùng và bị hoại tử rất cao, nhưng so với nỗi đau phải sống như một người đàn ông nó vẫn không là gì”, Ánh Phong tâm sự.

Lê Ánh Phong (tóc dài) sau phẫu thuật chuyển giới.

Mong người chuyển giới như mình có được lối thoát cũng như vững tâm hơn trong hành trình “tôi tìm tôi trong cơ thể tôi”, Ánh Phong nói: Thủa ban đầu biết giới tính thật của mình, Phong luôn cảm thấy lo sợ, sống khép kín, luôn hiện hữu ý niệm sẽ sống mặc cảm như vậy suốt đời, cuộc chiến nội tâm giữa định kiến xã hội và con người thực luôn diễn ra.

Khi quyết định sống đúng với giới tính, ban đầu, gia đình Phong ngăn cản gay gắt, mẹ cô còn bảo, “nếu nó chuyển giới mà đẻ được thì chẳng cấm làm gì”. Nói thì nói thế, song sau ca phẫu thuật chuyển giới thành công, bà đau đớn xem như đã mất đi một người con trai, cảm giác mất con, hẳn ai cũng hiểu là nó đau đến nhường nào.

Và rồi, từ những khát khao cháy bỏng, sau 1 năm dùng hoocmon, đến tháng 3/2012, Phong quyết định cùng anh trai và chị gái lên đường sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. Phong cho biết, ca mổ diễn ra trong khoảng 5 tiếng đồng hồ.

Phẫu thuật xong, máu từ vết mổ liên tục chảy ra. Khi không còn thuốc mê, toàn thân Phong đau ê ẩm. “Mất 4 - 5 ngày, tôi phải nằm trên giường bệnh cùng với kim tiêm, dịch truyền, sau đó, tôi bắt đầu dậy tập đi và tập... thông âm đạo. Mỗi lần bác sĩ dùng thuốc tiêm vào người, toàn cơ thể đau như có ai dùng dao cắt. Cả cơ thể nóng bừng bừng, phải nằm nghỉ ngơi một lúc mới điều hòa lại được. Sự đau đớn không lời nào có thể diễn tả được”, Ánh Phong tâm sự.

Chặng đường đến với giấc mơ thay đổi hình dạng đã là vô cùng khó khăn nhưng để gây dựng cuộc sống tốt đẹp sau khi tiến hành chuyển giới còn gian nan hơn rất nhiều, không kể đến vấn đề thủ tục hành chính, nhất là khi mọi giấy tờ của cô vẫn đề tên Lê Quốc Phong, giới tính nam... Dù vậy, trò chuyện với chúng tôi, Ánh Phong chia sẻ: “Nếu 25 tuổi chưa thể phẫu thuật thì đến 50, 60 tuổi tôi sẽ làm. Bởi tôi luôn nghĩ rằng, một ngày nào đó chết đi, tôi vẫn muốn được là một cô gái, một bà già chứ không phải là một người con trai hay một ông lão”.

Phạm Văn Pháp (áo hoa) trong thân hình một cô gái.

 

Dùng thuốc tránh thai thay hoocmon

Có người nói, “chỉ có con nhà giàu, có điều kiện, đổ đốn sinh hư mới chuyển giới”. Với người không biết, họ chỉ “ậm ờ cho qua chuyện”, nhưng với người biết thì khác, họ sẽ nói “không phải cứ con nhà giàu mới chuyển giới”. Chỉ là, người có tiền chuyển giới theo cách của người có tiền và ngược lại.

Trước tiên tôi muốn nói đến phương pháp chuyển giới của những người chưa có điều kiện phẫu thuật, đây là cách mà đa số người chuyển giới nữ đều áp dụng. Theo cô gái tên Tường Vy (tên khai sinh là Phạm Văn Pháp, trú tại Đà Nẵng), ngày nào cô cũng uống thuốc tránh thai. Song không phải vì ngừa thai mà là để tận dụng từng chút hoocmon trong mỗi viên thuốc. “Dùng hoocmon chuyển giới ư? Sang Thái Lan phẫu thuật ư? Điều này với em là chưa thể nếu không muốn nói là quá xa vời” – Vy nói.

Vy tâm sự: Khi uống thuốc tránh thai, cũng bị đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi nhưng “uống riết thành quen”. Em uống như thế này là do bạn bè mách bảo thôi chứ chẳng có chuyên gia nào hướng dẫn, cũng chẳng có bác sĩ nào theo dõi sức khỏe, em cũng không có ý niệm sinh con, hệ quả như thế nào em chẳng lấy làm bận tâm. Theo Vy việc mua hoocmon chuyển giới không phải dễ, Việt Nam chưa được phép bán, mà giá khoảng 200.000 đồng/viên. Nhiều người phải nhờ mua hoocmon từ bên Thái, những người không thuộc loại khá giả thì rỉ tai nhau mua thuốc tránh thai uống để tận dụng hoocmon.

Nhớ lại những tháng ngày đớn đau, Vy kể: Khi biết em chuyển giới, gia đình phản đối nhiều lắm. Ai gặp cũng mắng, cũng chửi. Áp lực lớn nhất vẫn là từ phía mẹ. Mẹ em đánh em nhiều lắm, những trận đòn roi liên tục khiến thịt da em bầm tím, máu chảy nhiều lắm. Nhưng em đâu có sợ, bởi “em muốn tìm em trong cơ thể của em”.

Cộng đồng mạng xã hội lên tiếng hòa đồng bênh vực người chuyển giới.

Không có tiền để mua hoocmon, nhưng dùng thuốc tránh thai thì lại bị phản ứng với thuốc khiến cô gái mang tên Nguyễn Thanh Tùng (trú tại TP Hồ Chí Minh) nhiều lần như chết đi sống lại, gan bị tổn thương nặng, cơ thể suy nhược. Không thể dùng thuốc tránh thai, lại càng không có điều kiện để đi phẫu thuật, Tùng đành phải đóng giả là một gã đồng tính nam (gays). Tùng tâm sự: Gia đình em thì đã chấp nhận em là người chuyển giới nhưng những người xung qunh thì chưa. Các đoàn hội mà em tham gia họ cũng chưa biết điều này. Nếu công ty biết em là người chuyển giới chắc chắn họ sẽ sa thải em ngay lập tức. Và chắc anh cũng biết, người chuyển giới không có cơ hội kiếm được việc làm tốt. Mặt khác, như tụi em, khi biết mình là người chuyển giới, thường bị khinh thường và bị trêu, những lúc như vậy mâu thuẫn thường lên cao và xung đột rất hay xảy ra, bạo lực từ trong trường cho đến mối quan hệ xã hội, bởi các bạn hay trêu trọc “những người không giống mình”.

Như một kiểu chạy trốn, bao nhiêu năm nay Tùng đóng giả là người đồng tính nam (gays) để tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ và đi xin việc làm. Tủi hổ có, cơ cực có, nhưng là người đồng tính cũng không yên. Đã không ít lần Tùng bị đám gays cưỡng bức gạ tình. Tùng bảo: “Khi bị gays gạ tình, một là em tránh đi, hai là em thú nhận mình là người chuyển giới, nhưng đôi khi cả hai cách giải thích đó cũng không được, cô gái yếu đuối như em biết làm gì để bảo vệ mình đây, vì không muốn mất đi những mối quan hệ, em vẫn phải chấp nhận chiều chuộng cơn khát dục từ họ... Dù sao chúng em cũng là con người, cũng có yêu thương giận hờn như ai, nhưng bọn em đã bị bỏ rơi, phải núp bóng hoặc ẩn mình để tồn tại”. Tùng còn cho biết thêm, những người chuyển giới sống theo cách của cô có nhiều lắm. Vì pháp luật chưa thừa nhận người chuyển giới nên họ không dám công khai, vì công khai đồng nghĩa với mất tất cả những gì đang có.

Người chuyển giới thì nhiều vô kể, có người sống ẩn mình, có người sống công khai, mỗi người một nghịch cảnh khác nhau, một vài bài viết không thể nói hết.

 Song điều dễ nhận ra nhất là để sống đúng với bản chất của mình, họ phải chuyển giới, nhưng đổi được thân hình họ lại mất đi cái quyền công dân của mình, bởi giấy tờ tùy thân là một người khác chứ không phải họ, từ đó họ không được hưởng các chế độ phúc lợi của nhà nước như bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, và những công việc tốt, nói đơn giản như đi tàu hay máy bay đều không được. 

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh