THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:59

Đừng quên tôi - người chuyển giới

Bài 1: Hành trình thoát xác ra khỏi tấm thân nữ nhi

Người chuyển giới (Transgender) khác hoàn toàn với đồng tính nữ (Lesbians) đồng tính nam (Gays) song tính (Bisexuals), người chuyển giới có thể là nam nhưng sống trong thân hình nữ và ngược lại. Tồn tại trong hai dạng, một là chuyển giới nhưng chưa phẫu thuật, hai là chuyển giới và đã phẫu thuật. Trong mỗi người chuyển giới luôn có ngọn lửa đấu tranh thoát xác rũ bỏ cái vỏ bọc bên ngoài để được sống thực với con người mình, khát vọng sống vô cùng mãnh liệt. 

Nhận thức mình con trai nhưng lại bất lực trước thân hình là một cô gái, nhiều thanh niên đã phải ngậm ngùi, nuối tiếc để rồi liên tiếp phải hứng chịu đau đớn, tủi hổ trên hành trình tìm lại chính mình. 

Lê Thị Như Thảo tức chàng trai mang tên Nguyễn Long hàng ngày vẫn dùng hoocmon chuyển giới.


Chuyển giới là tà ma dưới con mắt thầy cúng

Cho đến hôm nay, chàng trai mang tên Nguyễn Long (tên khai sinh là Lê Thị Như Thảo, trú tại Đà Nẵng) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại cảnh bị thầy cúng hành hạ. Vốn dĩ từ bé, mọi suy nghĩ, tính cách, hành động, rồi đến sở thích, đam mê đều thể hiện rất rõ là con trai. Rồi mỗi sáng thức dậy cảm giác như thân thể đang hành hạ tâm hồn khiến Long thu mình lại, dằn vặt và đau khổ.

Long biết mình là người chuyển giới, song gia đình anh lại không thừa nhận. Đã thế, chính gia đình lại là người kỳ thị, ruồng bỏ, tạo cho anh áp lực nhiều hơn. Long kể: Có lần thấy mình nằm trên giường, mẹ đi qua mắng “đàn ông đàn ang gì, có cái ấy đâu mà nằm dạng chân ra như thế”, rồi những câu như xát muối vào lòng, “mày có cái ấy đâu mà đòi làm đàn ông, bỏ ý định đi”, rồi có lần gia đình gọi mình là “pê đê”, mình buồn lắm.

Bằng mọi cách, gia đình lại đưa Long đến bệnh viện, các bác sĩ rất cảm thông với Long nhưng giải thích thế nào gia đình vẫn không chấp nhận. Bố mẹ đưa Long đến nhà thầy cúng chữa chạy đủ kiểu, nào dùng dao lam cắt lấy máu bôi vào cơ thể để trừ tà, nào dùng hương đang cháy đâm vào người để xua ma, nào dùng roi quất, nào túm tóc đánh đập,... Cách đây 2 tháng gia đình mời một thầy cúng tận Quảng Nam ra nhà, tốn kém đã đành, song kết quả... Long vẫn là con trai trong thân hình một cô gái.

Biết mình phải chuyển giới, nhưng ở Việt Nam điều này chưa cho phép, nên suốt 5 năm qua Long đã tự dùng hoocmon để trở thành con trai. Về tính cách, cách ứng xử, Long đã như một người đàn ông thực. Nhưng anh vẫn chưa thể phẫu thuật để biến cơ quan sinh dục nữ thành nam. Và cũng chính điều này lại gây cho Long rắc rối, gia đình chỉ muốn Long ở trong bếp và dưới kho. Bố mẹ Long không muốn bạn hàng biết con mình là người chuyển giới, càng không muốn người khác nhìn thấy bộ dạng của Long... họ đâu hay, sự lạnh nhạt đó sẽ khiến người con trong gia đình càng thêm bế tắc.

Nguyễn Ái Xuân tức Bi Nguyễn bên cạnh người yêu xinh đẹp.

 

Tình yêu sẽ gắn kết người chuyển giới

Hẳn bạn đọc từng nhìn thấy đâu đó hai cô gái yêu nhau, dọn nhà sống chung với nhau. Chớ vội nghĩ họ là đồng tính nữ (Lesbians). Rất có thể một trong hai người họ là nam – người chuyển giới. Khi khảo sát viết bài này, người viết đã chứng kiến nhiều người chuyển giới có nghị lực rất phi thường, mà một trong những điều làm nên sự phi thường đó chính là tình yêu, tình yêu của người chuyển giới.

Tôi có dịp trò chuyện với Bi Nguyễn (tên khai sinh là Nguyễn Ái Xuân, trú tại TP Hồ Chí Minh). Bi đã sớm ý thức mình là con trai, trong đầu lúc nào cũng lởn vởn ý niệm như vậy. Người thân xung quanh rồi họ hàng lối xóm chỉ nghĩ Bi là đứa bé gái có cá tính, thích để tóc tém. Khi bắt đầu học cấp 1 Bi hay lẻn vào nhà vệ sinh nam, chỉ chơi với các bạn nam, cảm thấy phiền phức khi chơi chung với bạn nữ. Rồi lên cấp 2, cấp 3, đến nay càng ngày càng lộ rõ sự nam tính. Khổ nhất là khi đi xin việc, Bi nộp không dưới 50 bộ hồ sơ nhưng nhà tuyển dụng đều từ chối cho thử việc mỗi khi họ đọc đến mục giới tính.

Bi kể: Có những lần đi xin việc, nhà tuyển dụng nhìn mình với ánh mắt như người ngoài hành tinh. Họ còn cười khẩy với nhau như chế giễu, như nói trong bụng cùng nhau theo kiểu “nó giới tính nữ mà bên ngoài sao nam tính vậy”. Rồi lại chẳng tuyển dụng.

Bê tắc trước những trớ trêu của cuộc đời như vậy nhưng anh lại tìm được lý do vươn lên của mình chính là cô bạn gái Như Tú. Bi yêu Như Tú bằng tất cả những gì anh có. Từ sự ân cần, chăm sóc, sẻ chia đến những công việc nặng nhọc Bi đều gánh hết. Bi tự nhủ Tú là cuộc sống của chính mình, là động lực giúp mình vượt qua. Bi quyết định cùng Tú cố gắng để bên nhau lâu dài và cùng xây dựng nền tảng vững chắc trong tư tưởng vì cả hai cũng mong muốn như bao người bình thường khác là có một ngôi nhà và những đứa trẻ. Vì lẽ này, Bi đã lên kế hoạch sẽ sang Thái phẫu thuật để hoàn thiện bộ phận sinh dục cho đúng nghĩa là một người đàn ông.

Nghĩ kết hôn, người chuyển giới lại khao khát một cuốc sống hôn nhân như người bình thường. Điều này ở nhiều nước đã thừa nhận. Như ở Mỹ cách đây vài tháng, khi Quốc hội nước này cho phép người chuyển giới được kết hôn với nhau nhiều người đã vỡ oà: “Mẹ ơi con trai mẹ có thể lấy anh ấy làm vợ rồi”. Còn ở Việt Nam, đã từng có các cặp đôi chuyển giới, hoặc một trong hai là người chuyển giới dọn về sống chung dưới một mái nhà, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay. Tâm hồn, suy nghĩ, ý thức, trách nhiệm họ luôn sống vì nhau. Có ý kiến cho rằng đó là một chuyện tình kết thúc rất có hậu. Nhưng dưới góc nhìn của không ít người, câu chuyện tình như mộng đó vẫn chưa có hồi kết. Khi mọi chuyện chưa ngã ngũ, nói ra điều này không phải vì bi quan mà vì muốn nhìn thẳng vào hiện thực khi luật pháp vẫn chưa thừa nhận người chuyển giới.

Nguyễn Bùi Mi Mi tức Nguyễn Bùi Hải Minh (bên phải) người đã phẫu thuật chuyển giới thành công.

 

Cuộc sống của một người đã phẫu thuật

Người chuyển giới từ nữ thành nam mà tôi muốn nói ở đây là Nguyễn Bùi Hải Minh (tên trong giấy khai sinh là Nguyễn Bùi Mi Mi, trú tại TP Hồ Chí Minh). Mở đầu câu chuyện, Minh cho biết: Tôi cảm thấy may mắn khi có gia đình ủng hộ, lại có công việc tốt, hiện tại tôi đang làm nhân viên văn phòng, mọi thứ xung quang tôi rất tốt. Đó là động lực để tôi có thể trở thành một công dân có trách nhiệm với xã hội, có trách nhiệm với gia đình của mình.

Hải Minh cũng như bao người khác, lớn lên trong khổ đau, dằn vặt. Sau khi phẫu thuật phần ngực, trong anh như được sống lại, với anh đó thật sự là một cảm xúc vỡ òa, là cái mà anh ước mơ, ước muốn lớn nhất của cuộc đời và đã đạt được. Từ giờ anh có thể lựa chọn cho mình một cô bạn gái như đúng ý nguyện.

“Tôi không kể về quá khứ nữa, bởi nó là chuỗi ngày khổ đau như các bạn chưa phẫu thuật. Hiện tại tôi may mắn đã qua Thái rồi nhưng khi về đây tôi vẫn phải có những bước kiểm tra sức khỏe định kì hàng tháng. Tôi đã được bác sĩ tư vấn sử dụng liệu pháp hoocmon như thế nào là phù hợp, sức khỏe như thế nào là tốt.

Nhưng còn ngoài kia, tôi biết, có hàng nghìn người đang bị kỳ thị, họ không có điều kiện cũng như sự hiểu biết, họ đang sử dụng hoocmon chui. Mà không biết dùng ắt dễ gây tổn thương, gây ung thư hay biến chứng. Thật sự tất cả là do con người ta không có sự hiểu biết và không ai hướng dẫn họ, không ai cho họ biết sử dụng như thế nào là tốt.

Khảo sát từ những bạn nam trong thân hình là nữ, chúng tôi đều nhận ra họ có tính cách rất mạnh mẽ, quyết đoán và đầy bản lĩnh. Để được sống với đúng bản chất con người mình, họ đã bất chấp mọi can ngăn, có người đã tìm cách đi bụi, đi biệt xứ và thậm chí quyên sinh để được sống với con người mình. Đúng như Hải Minh nói, có không ít người đang liều mình ngày đêm âm thầm dùng hoocmon để chuyển giới bất chấp hiểm nguy, song đó lại là giải pháp hữu hiệu nhất khi chưa có tiền để phẫu thuật và luật pháp chưa thông qua.

Với những bạn nam trong thân hình nữ là vậy, còn những bạn nữ trong thân hình nam thì sao?

 

Hải Minh cho biết: “Hoài An là người chuyển giới, An đang có kế hoạch sẽ uống hoocmon để chuyển đổi. An thừa hiểu mua thuốc đó không phải là chuyện dễ, đặc biệt là khi dùng thuốc lại không có bác sĩ theo dõi, nguy hiểm luôn cận kề, song anh vẫn quyết định chuyển đổi giới tính. Vì sao ư? Vì anh muốn được sống với con người thực của mình. Thế còn tính mạng của anh ta thì sao, câu trả lời dành cho các cơ quan có thẩm quyền”.

(còn tiếp)

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh