THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:24

Đừng "làm cho có"!

Tài liệu chỉnh sửa vừa được đưa ra, ngay lập tức, nhiều ý kiến nhận thấy có rất nhiều nội dung không phù hợp mà dư luận đã phản ánh trên các phương tiện truyền thông thời gian qua nhưng chưa được chỉnh sửa. Theo đó, hầu hết nội dung "chỉnh sửa" đều chỉ nằm ở phạm vi từ ngữ, còn những vấn đề thuộc về phạm trù giáo dục thì hầu như vẫn giữ nguyên.

Đừng "làm cho có"! - Ảnh 1.

Không ít giáo viên cho biết, họ đã gặp vô vàn khó khăn khi cố gắng truyền tải những khối lượng kiến thức với nhiều thứ khá lạ lẫm đến những cô, cậu học trò 6 tuổi. Với tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp, họ đã cố gắng tìm nhiều cách để giúp học trò nắm bắt được kiến thức, đồng thời "lồng ghép" các tư tưởng mang tính giáo dục vào bài học. Nhưng nhiều người cảm thấy bất lực bởi sách giáo khoa có quá nhiều "sạn" – trong đó có những "hạt sạn" không thể… "nhằn" nổi!

Ngay từ đầu năm học, dư luận đã phản ứng về nhiều điểm không phù hợp của sách giáo khoa – không chỉ riêng sách tiếng Việt mà cả nhiều bộ môn khác, chung nhất là sự "không phù hợp" cả trong triết lý giáo dục mà bộ sách thể hiện. Mọi người hy vọng với sự phản ứng như vậy – từ giáo viên, phụ huynh và cả nhiều nhà chuyên môn, những người có trách nhiệm biên soạn và xuất bản sách sẽ phải tiến hành một cuộc "tổng chỉnh sửa" với quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản những yếu tố cấu thành bộ sách, để cho ra một hệ thống sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học và giáo dục.

Nhưng những gì vừa diễn ra đã khiến nhiều người thất vọng. Việc "chỉnh sửa" chỉ tiến hành trên sách tiếng Việt lớp 1, mà cũng chỉ "chỉnh sửa" một cách rất hạn chế, sơ sài, ở một số ngữ liệu đơn giản nhất, hầu như không tác động gì đến triết lý giáo dục chứa đựng trong đó.

Sách giáo khoa là tài liệu chính thức sử dụng trong quá trình dạy học. Nhưng Bộ GD&ĐT cho rằng, giáo viên chủ động chọn ngữ liệu thay thế. "Bộ yêu cầu tác giả sách sửa chữa, thay thế ngữ liệu không phù hợp nhưng nhóm tác giả chỉ bổ sung ngữ liệu, có nghĩa vẫn khẳng định quan điểm giữ nguyên ngữ liệu được cho là không phù hợp trong sách đã phát hành. Việc này đang chưa rõ ràng nên sẽ khó khăn cho giáo viên khi thực hiện", một giáo viên chia sẻ.

Đó là chưa nói tới việc, so với ngữ liệu trong các sách Tiếng Việt cách đây 30 - 40 năm thì ngữ liệu này không hay, không có cảm xúc, khó đọng lại với trẻ. Vậy việc đưa sách giáo khoa mới để dạy cho học trò, thay thế sách cũ là sự "cải tiến" hay… "cải lùi"!?

Một nhà chuyên môn thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nếu dùng SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá. Bởi những sai sót trong sách không thể coi là "sạn" mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt… "Sạn" chỉ là những lỗi nhỏ, những thiếu sót mang tính không cơ bản, nhưng ở đây là do phương pháp biên soạn chưa chuẩn.

Dư luận trông chờ một phản ứng tích cực và trách nhiệm hơn từ các tác giả, nhà xuất bản và Bộ GD&ĐT.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh