Đừng đùa với... nàng Kiều!
- Văn hóa - Giải trí
- 16:14 - 13/04/2021
Trước đó, 2 bộ phim khác cũng "liên quan" đến nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là "Sài Gòn nhật thực", "Kiều@" cũng bị chê là "thảm họa" và rơi vào quên lãng không lâu sau khi xuất hiện trước công chúng.
Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành những năm cuối đời để thực hiện "Kiều ca" - một tác phẩm âm nhạc "minh họa" Truyện Kiều dài tới hai tiếng đồng hồ. Mặc dù ông liên tục trau chuốt tác phẩm này trong suốt hơn 10 năm nhưng cho đến khi qua đời, tác phẩm vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, như lời của ông là "chưa có cơ hội chỉnh đốn nó".
Một nhạc sĩ thiên tài như Phạm Duy, người từng rất thành công với nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ lấy cảm hứng và chất liệu từ văn học dân gian và văn học Việt Nam tự cổ chí kim, còn cảm thấy "choáng ngợp" trước Truyện Kiều thì đủ thấy tầm mức và "độ khó" đặt ra những thách thức lớn lao thế nào đối với những ai muốn dùng tác phẩm này để đưa vào các loại hình nghệ thuật đương đại.
Việc sử dụng chất liệu của Truyện Kiều để dựng thành phim không là ngoại lệ. NSND Lê Khanh, diễn viên đóng Hoạn Bà trong phim "Kiều" của đạo diễn Mai Thu Huyền nói về bộ phim: "Việc hóa thân những nhân vật trong các tác phẩm văn học lớn đã được khẳng định với thời gian là khó khăn vô cùng, áp lực vô cùng vì đó là ước mơ của nhiều thế hệ nghệ sĩ". Nhưng ở đây, bộ phim lấy trọng tâm là mối tình tay ba Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư, trong đó Kiều được coi là "tiểu tam", đánh mất vai trò nhân vật chính và trở nên mờ nhạt. Nhìn chung, cả bộ phim không thể hiện được giá trị tư tưởng của tác phẩm, chưa nói đến giá trị nghệ thuật của cụ Nguyễn Du, vốn được nhiều thế hệ ca tụng thì hoàn toàn... mất dạng.
Việc "phóng tác" trên nền của những đại tác phẩm đã được "định vị" qua nhiều thế hệ là vô cùng khó khăn, không chỉ đòi hỏi những người thực hiện phải có đủ tài năng mà còn phải có sự hiểu biết am tường, đa chiều về tác giả, tác phẩm, về thời thế khi diễn ra câu chuyện, cùng những triết lý về nhân sinh của thời đại đó. Còn nếu chỉ là "mượn cớ" hay "mượn danh" để đưa "truyện xưa tích cũ" vào bối cảnh hiện thời, mượn chuyện xưa để nói chuyện thời nay, thì tốt nhất là không nên làm hoặc tự "sáng tạo" ra những nhân vật mới, cốt truyện hoàn toàn mới, chứ đừng "đụng chạm" đến những nhân vật đã trở thành "huyền thoại", ăn sâu vào tâm tưởng của bao thế hệ.
Thế giới đã từng chuyển thể những tác phẩm đồ sộ như: "Những người khốn khổ", "Sông Đông êm đềm" hay "Chiến tranh và hòa bình" từ văn học qua điện ảnh rất thành công, bằng cách trung thành với nội dung tư tưởng và nghệ thuật của nguyên bản văn học. Đó cũng là những "đại tác phẩm" điện ảnh được đầu tư vô cùng công phu. Ở Việt Nam, những bộ phim như "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy" cũng ghi dấu ấn nhờ cách làm việc nghiêm túc của các ê kíp làm phim "cao tay ấn". Đó là những bài học để thế hệ những người làm điện ảnh thời nay học hỏi, tránh nguy cơ tạo nên những "thảm họa điện ảnh" như những bộ phim có sự hiện diện của "nàng Kiều" mà không có "bóng dáng Nguyễn Du"...