CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:04

Truyện Kiều: Thơ và họa

  

Bìa Truyện Kiều qua minh họa của Thành Chương.  

Truyện Kiều từng  là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều họa sĩ thuộc nhiều thế hệ và đây không phải lần đầu có sách in tranh vẽ lấy cảm hứng từ Truyện Kiều. Năm 1942, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du, hội Quảng Tri (Huế) đứng ra xuất bản Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du với tranh minh họa của 11 họa sĩ hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ, gồm: Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Mạnh Quỳnh, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Tỵ và Tôn Thất Đào.

Trong ấn bản mới của Truyện Kiều, họa sĩ Trần Đại Thắng, Giám đốc Nhà xuất bản cũng là chủ nhân gallery Đông A muốn tiếp nối truyền thống thơ - họa ấy nên đã nhờ họa sĩ Thành Chương đứng ra mời các đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc cùng góp sức làm đẹp cho thi tập.

Ấn bản mới của Truyện Kiều dày 200 trang được in theo bản khảo đính và chú giải của phó giáo sư Nguyễn Thạch Giang (1928-2017), nhà nghiên cứu Hán - Nôm đã được trao giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2012 do những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực văn học Hán - Nôm của Việt Nam. 

Chị em Thúy Kiều (Đặng Tiến). 

Kiều và Thúc Sinh (Đinh Quân). 

Đặc biệt, ấn bản kiều này có 16 bức tranh minh họa của 15 tác giả: Thành Chương, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu, Trần Văn Thảo, Hồng Việt Dũng, Đặng Tiến, Đinh Quân, Lê Quảng Hà, Đỗ Dũng, Phạm An Hải và Phạm Bình Chương được in trong sách Riêng Thành Chương ngoài tranh minh họa còn có tranh in bìa.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng cho rằng, không chỉ bây giờ Truyện Kiều mới mời gọi các họa sĩ mà từ khi tác phẩm ra đời đến nay, mỗi một họa sĩ lại có một cách vẽ minh họa khác nhau cho Truyện Kiều. Có họa sĩ vẽ trang phục của thời nhà Minh, có họa sĩ vẽ theo cách cảm nhận của cuộc sống đương đại. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ đến nay có bao nhiêu bức vẽ minh họa cho Truyện Kiều, nhưng ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ và tùy từng quan niệm của họa sĩ mà có rất nhiều tranh minh họa Truyện Kiều. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng, mỗi thời đại đều có cách đọc Kiều riêng của mình. Có thể đọc bằng hình khối, đọc bằng màu sắc, ánh sáng. Dù mỗi bức tranh minh họa cho một trường đoạn nhưng nó lại là tác phẩm đứng độc lập. 

Đoàn Viên (Thành Chương). 

Còn theo họa sĩ Thành Chương, lâu nay nhiều người nghĩ Truyện Kiều chỉ hấp dẫn các văn sĩ nhưng thực tế là Truyện Kiều cũng rất gợi mở với các họa sĩ. Họa sĩ Thành Chương cho biết, đối với ông,  được vẽ minh họa cho Truyện Kiều là niềm vinh dự. "Giá trị của Truyện Kiều với người dân Việt Nam đã được khẳng định, với ấn bản mới lần này, chúng tôi chỉ mong giữa văn và họa có sự gắn bó quấn quýt với nhau. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, các họa sĩ đều có sự nhìn nhận, hiểu, vẽ tranh về Truyện Kiều với tinh thần, quan niệm của giai đoạn đó rất rõ. Với bộ tranh minh họa lần này, những họa sĩ của thời mở cửa mong muốn góp một cách nhìn mới gần gũi với thế hệ trẻ hơn, để qua Truyện Kiều ấn bản mới này thấy được chân dung tương đối của người họa sĩ, và qua con mắt của họa sĩ sẽ thấy một cách thể hiện khác về Truyện Kiều, với mục tiêu gần gũi hơn với đại chúng, với tư duy, thị giác của giới trẻ hiện nay. Giới họa sĩ mong muốn góp một phần nhỏ để tiếp tục nuôi dưỡng, giúp Truyện Kiều sống mãi, phát huy giá trị trong thời kỳ mới” - họa sĩ chia sẻ.

Đánh giá về những bức tranh minh họa Truyện Kiều của 15 họa sĩ đương đại, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định, đây là cuốn sách kỳ công, gần như các trường phái đương đại, mang hơi thở của mỹ thuật của ngày hôm nay và mang tâm thế nhìn về tác phẩm kinh điển được hội tụ. Đây là một văn bản nghiêm túc, góp phần giữ gìn bảo tồn văn hóa Việt Nam. 

Kiều báo ân báo oán (Phạm Quang Vinh).

Mới đây 15 tác phẩm vẽ tay của các họa sĩ dùng để minh họa cho cuốn sách được đưa ra đấu giá trên mạng và qua điện thoại. Tối 12/12, chương trình đấu giá kết thúc. 15 tác phẩm đã được mua với tổng giá trị hơn 362 triệu đồng. Trong đó, tác phẩm đắt giá nhất là bức tranh Đoàn viên của họa sĩ Thành Chương. Bức tranh vẽ Kim - Vân - Kiều bằng chất liệu Acrylic trên giấy, kích thước 28 x 39cm đã được mua với mức giá 65 triệu đồng. Trước đó, 7 ấn bản Truyện Kiều có chữ ký của 15 họa sĩ đã được Nhà xuất bản Đông A đấu giá trực tuyến, thu được gần 50 triệu đồng, trích một phần giúp nạn nhân lũ lụt miền Trung.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh