THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:15

Nguyễn Du- truyện Kiều: Nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ hiện đại

Nhà thơ Tố Hữu đã hơn một lần vận dụng truyện Kiều để liên hệ so sánh ngợi ca cuộc đời mới. Trong “Bài ca mùa xuân 1961”, ông viết: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/ nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Tố Hữu không rơi vào lối liên hệ đơn giản “xưa buồn, nay vui, xưa khổ nay sướng”, mà đã đặt cả trái tim mình vào đó để xót thương nàng Kiều và chia sẻ với nỗi đau đời của Nguyễn Du. Đến “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, tình cảm, nhận thức của Tố Hữu có thêm một chiều sâu, một bài học về lịch sử, về cách nhìn: “Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào/ Đành như thân gái sống xao Tiền Đường”. Cái ngẩn ngơ của cô Kiều trước ngọn cờ đào của Từ Hải cũng là cái ngẩn ngơ của Nguyễn Du trước ngọn cờ đào của người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Nguyễn Du biết đau, cái đau của nhân quần, biết khổ của nhân quần, nhưng càng đau hơn khi không biết làm thế nào để đưa con người đến cuộc sống sáng tươi hơn (theo NGUT Vũ Dương Quỹ). Ý tưởng này còn được Tố Hữu tiếp tục chia sẻ và phát triển trong hai câu thơ đầy cảm xúc: “Nhân tình nhắm mắt chưa xong/ biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như” khơi nguồn từ hai câu thơ chữ Hán, như lời tâm sự của nhà thơ gửi lại đời sau: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Độc Tiểu Thanh ký) .

Tố Hữu là nhà thơ chính trị, lại viết trong thời chiến tranh chống Mỹ, nên không thể không có đoạn liên hệ với thời cuộc có nội dung chiến đấu chống Mỹ rất rõ rệt: “Ngẫm xem qua kiếp phong trần/ Đời vui nay đã nửa phần vui đây/ Song còn bao nỗi chua cay/ Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh/ Cũng loài hổ báo ruồi xanh/ Cũng phường gian ác hôi tanh hại người”. Mấy câu liên hệ này có phần hơi đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh chiến đấu lúc đó, cũng phải viết thế thôi. Tuy nhiên, tác giả không bằng lòng với nó nên trong bài thơ cũng có những câu thơ thật hay, lay động lòng yêu dân tộc, thấm đẫm linh hồn dân tộc, đó chính là chiều sâu, là nền tảng của sức mạnh chiến đấu của nhân dân ta, của quân đội ta: “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”.

Chế Lan Viên cũng có bài thơ đánh Mỹ bằng truyện Kiều với tiêu đề “Gửi Truyện Kiều cho em Năm đánh Mỹ”. Bài thơ có hình ảnh mẹ Suốt, người đã ngâm Kiều trong lúc đợi chờ đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ trong những ngày bom lửa: “ Đêm thắng giặc Bảo Ninh, Mẹ Suốt ngâm Kiều/ Mẹ dám đâu quên cái thủơ khổ nghèo/ Nhà ai đó lảy Kiều, câu được mất/ Mẹ nấp gốc dừa, nước mắt giàn theo”. Hay “Thuyền ai thấp thoáng” – đất trời về ta/ Nhật Lệ sông dài, đò mẹ lại qua/ Câu thơ Nguyễn cũng góp phần chống Mỹ/ Một mái chèo trong lửa đạn xông pha”.

Với các chiến sỹ- những người trẻ chưa nếm trải những đắng cay tủi khổ thì cảm thông thế nào với truyện Kiều để có sức mạnh “vùng lên” như mẹ Suốt ?. Chế Lan Viên giỏi ở chỗ đã phát hiện được đâu là nguồn sức mạnh mà các chiến sĩ đã lấy từ truyện Kiều: “Có ngờ đâu cồn cát trắng cây xanh/ Gặp Nguyễn nơi đây trên đất Quảng Bình/ Đất hỏa tuyến những chàng trai lớp bảy/ Lại ngâm Kiều sau một cuộc giao tranh”. Tác giả lí giải bằng thơ, rất thơ như thế này: “Bốn phía ruộng đồng mái rạ, bờ tre/Trận địa nằm man mát giữa hương quê/ Thơ dân tộc lẫn màu nâu dân dã/ Nên câu Kiều đồng vọng, họ còn nghe” và “ Hai trăm năm … ờ nhỉ… hai trăm năm/ Thuở vui buồn…Kiều sống giữa lòng dân/ Xưa tiếng võng ru hời đêm lạnh giá/ Nay cỏ mềm xanh nõn tận trời xuân”. Hóa ra chính chất dân tộc, hồn dân tộc trong truyện Kiều và niềm vui trước cuộc sống mới của những người lính trẻ được những vần thơ đau của Nguyễn Du thổi nóng như một máy điều hòa ngược, đã làm tăng thêm sức mạnh của họ. Và rồi, tác giả kết luận có tính khái quát cao về tác dụng văn chương xưa đối với thời nay: “Đất nước mình nghèo lắm, hỡi em yêu/ Cho đến giọt lệ của cha ông cũng còn có ích với ta nhiều…/ Dẫu súng đạn nặng đường ra hỏa tuyến/ Đi đường dài, em giữ truyện Kiều theo”.

Nói đến thơ hiện đại viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, không thể không nói đến Vương Trọng, một nhà Kiều học. Thơ Vương Trọng dù viết về đề tài nào cũng đẫm hơi thở của cuộc sống và có tác dụng ngay với hiện tại. Cách đây hai chục năm, một buổi Vương Trọng về Nghi Xuân tìm thăm mộ Nguyễn Du, thấy mộ thi hào cũng “sè sè nấm đất bên đường…” bèn xúc động viết bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du”. Bài thơ có mấy câu chua chát “Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây/ Ngẩng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi tay nắm bàn tay của mình”. Cuối bài thơ, tác giả thanh minh hộ chúng ta và cũng hứa thay chúng ta: “ Bao giờ cây súng rời vai/ Nung vôi chở đá tượng đài xây lên”. Quả nhiên vài năm sau, lăng mộ và tượng Nguyễn Du đã được xây hoành tráng trên quê hương của nhà thơ như chúng ta đã thấy. Tuy nhiên, giá trị của bài thơ không chỉ ở tác dụng tức thời của nó, không chỉ ở sự nhắc nhở chúng ta ý thức tôn vinh đối với danh nhân văn hóa, mà còn ở những câu thơ đẫm chất nhân văn về sự hòa cảm của thi nhân với số phận nhân dân: “Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề” “ Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/ Phong trần còn để phong trần riêng ai”. Chính cái đó làm nên sự vĩ đại của thi nhân như một nhà thơ đã viết: “Lăng tẩm đền đài không làm người bất tử/ Chỉ giọt lệ thương người còn mãi với người thôi”.

Trong những bài thơ về Nguyễn Du có một bài mà chỉ đầu đề thôi đã báo hiệu đây là bức tranh khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của thi hào, đó là Nguyễn Du của Trần Nhuận Minh. Ông đã cảm hứng từ những dấu vết thơ của Nguyễn Du trên đường đi sứ trên đất nước Trung Hoa. Nhưng Trần Nhuận Minh không rơi vào tự sự mà tập trung xây dựng hình tượng Nguyễn Du, nhà thơ nhân văn, nhà thơ hiện thực: “Tiệc to thường ở nơi nghèo/ Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay”;  “Sắc tài chi để trời ghen/ Người đâu phải nước đánh phèn cho trong/ Cả đời đâu cũng long đong/ Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên”. Bà thơ không thể không nói đến truyện Kiều, đến cô Kiều, nhân vật lớn nhất của Nguyễn Du mà số phận cũng gắn với nhiều tên đất Trung Hoa: “Tiền Đường sầm sập đêm mưa/ Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều”. Và không phải không có những câu vượt ra khỏi truyện Kiều để nói đến những biến động của cả nước Trung Hoa, của cả thế giới này: “Bời bời những cuộc đỏ đen/ Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang”. Chính qua tất cả những cái đó, hiện lên sừng sững chân dung vĩ đại của đại thi hào Việt Nam.

Nhà thơ Tế Hanh trong một lần về Nghi Xuân cũng đã làm một bài thơ độc đáo. Bài thơ kể: Tác giả về Tiên Điền hỏi thăm một bà cụ “Nhà Nguyễn Du ở đâu ạ?”. Bà cụ nói “Nguyễn Du mô, không biết Nguyễn Du mô”. Tế Hanh thưa: “Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều ấy”. Thế là cụ bảo “Thế thì tôi biết” và dẫn lối cho tác giả. Trên đường đi, cụ nói và dẫn hàng tràng về truyện Kiều với đầy đủ ý nghĩa không kém một người am hiểu truyện Kiều thứ thiệt. Tế Hanh kết luận: “Cuộc gặp gỡ tình cờ đem cho tôi bài học/ Như thể qua 200 năm, nhà thơ nhắn lại bây giờ/ Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc/ Người ta có thể quên tên người làm thơ, nhưng đừng để quên thơ”. Đó cũng chính là “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn” như đầu đề bài thơ, nhưng thực ra bài học ấy không nhỏ và không dễ học.

ĐẶNG HIỂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh