Dừa sáp "cây triệu phú" ở Trà Vinh
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:04 - 26/10/2015
Theo một số hộ đồng bào Khmer cho biết, dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Những người đem giống dừa sáp từ Nam Vang (Cămphuchia) về trồng chính là các sư sãi ở các ngôi chùa Khmer trong vùng. Thấy cây dừa lạ cho trái nhiều, cơm dừa dày thơm, dẻo và nước dừa sệt như keo rất ngon ngọt, nên nhiều người dân xin nhà chùa cho giống về trồng. Từ đó, trong cộng đồng dân tộc Khmer, giống dừa sáp được nhân rộng dần lên, trở thành một cây trồng không thể thiếu trong vườn nhà ở các phum, sóc.
Cây dừa sáp được trồng theo hướng VietGAP
Tuy nhiên, do đồng bào Khmer trồng dừa sáp theo cách trồng truyền thống, nên một buồng dừa chỉ cho rất ít trái sáp, thậm chí có buồng không có trái sáp nào. Chính vì thế, dù giá một trái dừa sáp cao hơn dừa thường gấp 10 lần, nhưng tỷ lệ cây dừa cho trái sáp trong một buồng thấp, nên giá trị kinh tế chưa cao, chưa đúng với tiềm năng. Để cây dừa sáp thực sự trở thành cây đặc sản có giá trị kinh tế vượt trội so với các cây ăn trái khác, năm 2008 UBND Huyện Cầu Kè, địa phương có 31% đồng bào Khmer sinh sống, đã xây dựng vùng chuyên canh cây dừa sáp, với diện tích rộng 50 ha tại xã Hòa Tân.
Đồng thời huyện cũng đã mời các kỹ sư, tiến sĩ của Hội Làm vườn Việt Nam về tận địa phương hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật trồng cây dừa sáp theo hướng ViệTGAP, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực, nhằm tăng tỷ lệ trái dừa có sáp trong từng buồng dừa. Mô hình và phương pháp trồng dừa mới này thực sụ đã đem lại hiệu quả đáng mừng cho người nông dân trồng dừa sáp.
Theo một số nông dân, trồng dừa sáp theo mô hình này, chỉ sau 3 – 4 năm trồng, cây dừa bắt đầu cho trái và tỷ lệ trái có sáp đạt trên 30 % - 40%, thậm chí 50%, so với cách trồng truyền thống.
Phương pháp thụ phấn trợ lực
Ông Thạch Cộng ở ấp Chông Nô 2 cho biết, dừa sáp trồng được khoảng 7 năm trở lên, rất sai trái bình quân một năm/một cây cho khoảng từ 130 – 150 trái. Nhờ việc áp dụng khoa học, kỹ thuật đạt hiệu quả, nên tỷ lệ cho dừa sáp tăng cao, tính theo thời giá hiện nay dừa sáp bán được khoảng 200.000 đồng/ trái thì mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm/cây.
Nhận thấy lợi thế của cây dừa sáp đặc sản, những năm qua Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Trà Vinh, với sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo bền vững PRPP (Bộ LĐ – TB & XH) và UBND huyện Cầu Kè phối hợp chỉ đạo nhân rộng mô hình trên địa bàn, nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội vươn lên làm giàu cho nông dân. Hiện nay, diện tích trồng cây dừa sáp được nhân rộng ở các xã Tân Hòa, Hòa Ân với hàng chục ha và hàng chục ngàn cây dừa.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cầu Kè, thì hiện nay trên địa bàn toàn huyện có khoảng trên 35.000 cây dừa sáp, trong đó có trên 80% cây đang cho trái. Tại xã Hòa Tân, địa phương có diện tích trồng dừa sáp lớn nhật, đã thành lập hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, với hàng chục hộ nông dân tham gia và làm ăn rất hiệu quả. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu “Dừa sáp Hòa Tân”. Thương hiệu dừa sáp Hòa Tân
Nhờ phát triển mô hình trồng cây dừa sáp mà những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đồng bào Khmer không chỉ thoát nghèo, mà ngày càng trở nên khấm khá hơn. Cây dừa sáp vì thế được người dân địa phương gọi là “cây triệu phú”, với tiềm năng đầy triển vọng ở huyện Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung.