Xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn từ giảm nghèo bền vững
Đưa A Lưới thoát huyện nghèo quốc gia
- Dược liệu
- 18:33 - 29/09/2023
Khơi dậy ý chí tự vươn lên của hộ nghèo
Cơn mưa chiều nặng hạt chiều biên giới khiến 3 đứa trẻ bi bô khóc đòi cha mẹ. Người đàn ông lớn tuổi bị bệnh thần kinh, mặt tái nhợt vội vã chạy từ dưới góc bếp lên nhà lớn nơi có nhiều người đang trò chuyện. Đó là những trường hợp phụ thuộc, đặt gánh nặng lên vai đôi vợ chồng người Tà Ôi Hồ Viết An và Lê Thị Liên (ở thôn AR - Kêu - Nhâm, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ngồi cạnh vợ trong căn nhà xây dựng đã cũ và có phần xuống cấp, 2 tay bế đứa con nhỏ mới sinh chưa tròn tuổi, nét mặt anh An hiện rõ sự quyết tâm: “Một thời gian nữa thôi, gia đình tôi sẽ mở trang trại chăn nuôi heo kết hợp trồng chuối già lùn ở khu đất 6 sào mới mua. Đây là thành quả bao năm 2 vợ chồng tôi đã cật lực lao động, dành dụm mà có được”. Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ cơ cực, anh An cho biết, mẹ anh mất sớm, cha đi bước nữa rồi sau đó đổ bệnh. 3 anh em nhà nhà anh An lâm vào cảnh cơ cực từ nhỏ, trong đó 2 người em phải về sống ở cơ sở bảo trợ xã hội tại Huế, bản thân anh bám làng, nương tựa người thân để sống và học tập.
Khó khăn là vậy, nhưng cái nghèo đã không đánh gục được người con trai Tà Ôi kiên cường, đầy nghị lực này. Anh lần lượt học hết các cấp học phổ thông rồi theo học tại Đại học Nông lâm Huế theo hệ tại chức, xong thì quay lại quê hương lập nghiệp. Năm 35 tuổi - cái tuổi khá muộn đối với người đồng bào, anh tìm hiểu rồi đi đến kết hôn với chị Liên (cũng xuất thân từ gia đình nghèo khó). Thấu hiểu nỗi cơ cực do cái nghèo, cái đói mang lại, 2 vợ chồng quyết định vay vốn ngân hàngchính sách để mua bò giống sinh sản về chăn nuôi. Sau nhiều năm chăm sóc, hiện vợ chồng anh An đã có trong tay đàn bò 8 con. Không những thế, họ còn tiếp tục đầu tư chăn nuôi vịt và hiện có hơn 200 con vịt thương phẩm, đồng thời trồng thêm gần 1ha chuối đặc sản già lùn của A Lưới, mang lại nguồn thu nhập đáng kể để chăm lo cuộc sống.
Không chỉ giỏi làm ăn, nỗ lực vươn lên bằng ý chí, nghị lực bản thân, gia đình anh An còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng, thôn bản và đã được chính quyền xã tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nhâm. Có thể nói, gia đình anh Hồ Viết An là tấm gương điển hình về nghị lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện nghèo A Lưới.
Thời gian qua, thông qua các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, A Lưới đã triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bằng việc hỗ trợ con giống, cây trồng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người dân. Đồng thời, thông qua nhiều phong các chương trình mục tiêu khác, A Lưới đã phê duyệt hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị,…
Những con số biết nói
Bên cạnh hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển sinh kế, hiện nay A Lưới đang tập trung đẩy mạnh xoá nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo. Điển hình như trường hợp gia đình hộ nghèo Trần Xuân Dơ hay hộ bà Hồ Thị Bưởi, ở thôn Đụt - Lê Triêng 2 mới đây đã được chính quyền xã Hồng Trung giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ xoá nhà tạm. Được biết, ngoài kinh phí 40 triệu đồng theo quy định, các hộ nghèo này còn được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/nhà xây mới từ nguồn ngân sách địa phương. Theo ông Lê Văn Nghiếu - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã giải ngân vốn đạt 79% trên tổng số 145 hộ được nghèo đã được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở, qua đó giúp người dân có nhà ở đảm bảo, ổn định cuộc sống để an tâm lao động sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, tính đến tháng 9/2023, từ nguồn lực của 3 Chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi) cùng các nguồn lực khác, A Lưới đã phê duyệt hỗ trợ nhà ở cho 2.351 hộ/3.959 hộ của cả giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Hùng, đến khoảng tháng 11/2023, A Lưới sẽ cơ bản giải ngân vốn cho các hộ đã được phê duyệt, đồng thời tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, phương án huy động nguồn lực để hỗ trợ cho những hộ còn lại.
Theo Nghị quyết 11 - NQ/TU của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế về về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%. Riêng huyện A Lưới, đây là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%; 2.078 hộ cận nghèo, chiếm 14,70%. Địa phương này cũng nằm trong danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để giúp A Lưới thoát nghèo, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư rất nhiều nguồn lực giúp địa phương này xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Theo kế hoạch, A Lưới phấn đấu đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 26%, thoát khỏi huyện nghèo quốc gia; đến 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 12%.
Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, BCĐ giảm nghèo bền vững từ cấp tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, công tác giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Những con số biết nói, như: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 20/9/2023 đạt 38% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt 56,05% vốn UBND tỉnh giao. Từ những nguồn vốn đã giải ngân, các địa phương trên địa bàn huyện A Lưới đã tổ chức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cần nghèo giải quyết việc làm, phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, xoá nhà tạm, cải thiện dinh dưỡng, y tế,... Mặt khác, thông qua công tác truyền thông, người dân A Lưới ngày càng có ý thức tự giác vươn lên, qua đó cải thiện các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững.