CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:07

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ


Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ Công an cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an nhận thấy có nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, cụ thể:

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh 2 lĩnh vực khác nhau là: 1. Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn, đúng pháp luật; 2. Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông. Đây là 2 lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe không được quy định trong Luật mà quy định trong Thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập, qua các công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe, có trường hợp đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi giấy phép lái xe…

Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng chưa quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, như: Nguyên tắc phân làn, phân luồng, phân tuyến giao thông; chưa có nguyên tắc để hạn chế phương tiện cá nhân gây ra ùn tắc, đặc biệt tại các thành phố lớn; lực lượng Công an hàng ngày làm nhiệm vụ chỉ giải quyết các tình huống ùn tắc giao thông thực tế, nhưng nguyên nhân sâu xa do tổ chức giao thông bất hợp lý thì không có cơ chế cụ thể cơ quan Công an kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao thông tiếp thu, khắc phục các bất hợp lý kịp thời.

Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trở nên phức tạp, thường xuyên, liên tục, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian; ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân...

Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nêu trên, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh